Quan điểm, Chiến lược kinh tế biển của Trung Quốc

Một phần của tài liệu Luận án Quản lý kinh tế biển - Kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào Việt Nam (Trang 55)

2.1.1.1. Chiến lược kinh tế biển của Trung Quốc

Kể từ sau khi cải cách và mở cửa, bắt đầu từ Hội nghị Trung ương III khóa XI của Đảng cộng sản Trung Quốc tháng 12/1978, kinh tế biển phát triển mạnh và nhanh chóng trở thành một bộ phận không thể thiếu của nền kinh tế Trung Quốc. Các kỳ Đại hội sau đó, Đại hội 12 đến Đại hội 17, đặc biệt là Đại hội 18 Đảng cộng sản Trung Quốc luôn nhấn mạnh: Mục tiêu quan trọng là xây dựng Trung Quốc thành một cường quốc biển. “Chúng ta tăng khả năng khai thác nguồn lợi của biển, cương quyết bảo vệ lợi ích và chủ quyền liên quan đến biển, xây dựng tổ quốc trở thành cường quốc biển” (Diễn văn Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Đại hội 18 Đảng cộng sản Trung Quốc, 8/11/2012).

Trung Quốc đã và đang trỗi dậy mạnh mẽ. Trung Quốc đang trên con đường vươn lên để trở thành siêu cường trong nền kinh tế - chính trị thế giới. Để đạt được mục đích trở thành siêu cường số một thế giới, Trung Quốc cần có các chính sách quản lý để phát triển kinh tế biển như là một giải pháp chiến lược quan trọng gắn liền với chiến lược trở thành bá chủ thế giới của họ.

Con đường tiến ra biển của Trung Quốc cũng liên quan chặt chẽ với sự phát triển kinh tế - xã hội trong nước và những vấn đề mâu thuẫn kinh tế - xã hội nội bộ của Trung Quốc. Trong 30 năm cải cách và mở cửa, Trung Quốc đã đạt được những thành tựu kinh tế nổi bật như: Đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới, trở thành “công xưởng của thế giới”, là nước xuất khẩu lớn thứ hai thế giới, có nguồn dự trữ ngoại tệ mạnh nhất thế giới…

Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế thần kỳ đó cũng có nhiều mặt trái: Thiếu hụt tài nguyên và năng lượng nghiêm trọng, đặc biệt là dầu mỏ và than đá; phân hóa giầu nghèo sâu sắc, chênh lệch phát triển vùng và bất ổn xã hội tăng lên; hạ tầng về chính trị - xã hội - văn hóa chậm đổi mới,… Để giải quyết vấn đề này thì một trong những giải pháp quan trọng là tiến ra biển. Chỉ có tiến ra biển, Trung Quốc mới có thể giải quyết những ách tắc nói trên. Trong chiến lược tiến ra biển thì chiến lược biển Đông đóng vai trò quan trọng nhất. Sở dĩ như vậy là vì biển Đông có tiềm năng kinh tế rất lớn (dầu mỏ, khí đốt, hải sản,…). Hơn nữa, biển Đông còn có vị chí địa chiến lược quan trọng. Biển Đông nằm trên tuyến đường hàng hải huyết mạch giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, nối liền châu Âu, Trung Cận Đông với Đông Nam Á và bờ biển phía Tây châu Mỹ. Với chiến lược biển Đông, Trung Quốc có thể tiến ra Ấn Độ Dương và sau đó là Thái Bình Dương,….

Chiến lược phát triển kinh tế biển của Trung Quốc được chia theo ba hướng. Hướng thứ nhất là hướng vào trong nước, hướng thứ hai là hướng ra khu vực và hướng thứ ba là hướng đến quốc tế.

Đối với trong nước: Trung Quốc tăng cường tuyên truyền và giáo dục ý trí phát triển kinh tế biển. Trung Quốc còn tích cực hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý để củng cố cơ sở pháp lý về chủ quyền trên các vùng biển có tranh chấp (biển Đông và biển Hoa Đông). Chính phủ Trung Quốc đồng thời còn chỉ đạo

các ngành, các cấp, các địa phương tăng cường công tác quy hoạch quản lý khai thác biển đảo dựa trên 4 nguyên tắc cơ bản để xác định chiến lược khai thác biển: (1) Nhận thức đầy đủ đặc điểm khai thác biển hiện đại; (2) Nhu cầu xã hội là điểm xuất phát xác định phương hướng và quy mô khai thác biển; (3) Tình hình tài nguyên là điều kiện khách quan đối với khai thác biển; (4) Chiến lược khai thác biển gắn liền với điều kiện chính trị, kinh tế, kỹ thuật.

Đối với khu vực: Trung Quốc đẩy mạnh phát triển kinh tế vịnh Bắc Bộ mở rộng; thương lượng song phương, ngăn chặn xu thế quốc tế hóa vấn đề biển Đông; tăng cường thể hiện chủ quyền của Trung Quốc đối với 80% biển Đông, thực hiện “đường lưỡi bò” do Trung Quốc tạo nên; thực hiện chiến lược “gặm nhấm biển Đông”; thống nhất Đài Loan để chiếm lĩnh toàn bộ biển Đông.

Đối với quốc tế: Trung Quốc tăng cường xây dựng hải quân để có được lực lượng quân sự đủ mạnh trên biển ngang ngửa với Mỹ. Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra là Trung Quốc phải hiện đại hóa nhanh chóng quân đổi để thực hiện mục tiêu trở thành cường quốc biển, tăng chi phí quốc phòng, tăng cường trang bị kỹ thuật công nghệ hiện đại cho quân đội,… Bên cạnh đó, Trung Quốc còn sử dụng con đường ngoại giao bằng cách đấu tranh trên các diễn đàn quốc tế, kiên quyết chống quốc tế hóa vấn đề biển Đông mà trọng tâm là chống sự can thiệp của Mỹ.

2.1.1.2. Quan điểm về kinh tế biển của Trung Quốc

Quan điểm về kinh tế biển của Trung Quốc được nhấn mạnh ở mấy điểm sau:

Thứ nhất là tiếp tục khẳng định chủ quyền trên biển. Trung Quốc công khai khẳng định đường gãy khúc hay còn gọi là “đường lưỡi bò” chiếm 80% diện tích biển Đông thuộc chủ quyền của họ. Tiếp tục đấu tranh và đòi chủ quyền trên quần đảo Điều Ngư hay còn goi là Senkaku trên biển Hoa Đông do Nhật Bản kiểm soát.

Thứ hai là để ngỏ khả năng sử dụng vũ lực để quản lý các vùng Biển có tranh chấpđặc biệt là trên biển Đông và biển Hoa Đông (khu vực quần đảo Điều Ngư).

Thứ ba là chống quốc tế hóa vấn đề về biển, đặc biệt là vấn đề về biển Đông.

Thứ tư là gác tranh chấp cùng khai thác. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì “gác tranh chấp cùng khai thác” có 4 yếu tố: (1) Chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ liên quan thuộc về Trung Quốc; (2) Khi điều kiện chưa chín muồi để có giải pháp quán triệt, hoãn đàm phán về chủ quyển - để có thể gác tranh chấp sang một bên. Gác tranh chấp không có nghĩa là từ bỏ chủ quyền; (3) Khai thác chung các vùng lãnh thổ liên quan; (4) Mục đích của khai thác chung là nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau và tạo điều kiện cho giải pháp cuối cùng về chủ quyền lãnh thổ.

Một phần của tài liệu Luận án Quản lý kinh tế biển - Kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào Việt Nam (Trang 55)