Kinh nghiệm quản lý kinh tế hàng hải

Một phần của tài liệu Luận án Quản lý kinh tế biển - Kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào Việt Nam (Trang 148)

a) Kinh nghiệm quản lý cảng biển

Qua nghiên cứu kinh nghiệm quản lý cảng biển của một số nước trên thế giới có thể thấy được một số kinh nghiệm có thể áp dụng vào Việt Nam như sau:

Mô hình quản lý cảng

Có thể thấy sự thành công trong quản lý cảng biển cua Singapore và Trung Quốc một phần ở mô hình quản lý cảng. Mô hình quản lý cảng được coi là khá thành công ở các nước này chính là mô hình chính quyền cảng theo kiểu chủ cảng. Mô hình hoạt động của Chính quyền cảng theo kiểu chủ cảng (Landlord Ports) là mô hình mà trong đó Nhà nước sở hữu, đầu tư xây dựng cảng và các công trình hạ tầng phục vụ cảng (luồng hàng hải và hệ thống VTS, đường vào cảng,…). Còn các công ty tư nhân đấu thầu khai thác quản lý cảng và đầu tư các công trình trên cảng. Đây là mô hình mà Việt Nam đang thư nghiệm ở một số ít các cảng biển. Do đó,

chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng mô hình này vào quản lý cảng biển. Bên cạnh đó thì việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng như các công nghệ hiện đại khác trong việc khai báo, bốc dỡ hàng hóa và thực hiện các dịch vụ cảng khác cũng góp phần quan trọng vào việc tăng sức cạnh tranh của các cảng biển so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Phát triển cơ sở hạ tầng

Liên cảng (Port-Link): Malaysia là nước có hệ thống cảng phát triển nhanh là nhờ có hệ thống quy hoạch cảng biển hợp lý. Hệ thống các cảng biển của Malaysia đều kết nối thuận tiện với hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt và đường không và các trung tâm kinh tế lớn. Đây chính là kinh nghiệm nổi bật của Malaysia. Việt Nam cần học tập kinh nghiệm này và dần dần xây dựng hệ thống cảng biển tiêu chuẩn, hiện đại, kết nối thuận tiện với hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không và các trung tâm kinh tế lớn.

Phát triển cơ sở hạ tầng cảng: Kinh nghiệm của Trung Quốc, Malaysia và Singapore cho thấy phát triển cơ sở hạ tầng có ý nghĩa hàng đầu, tiên quyết trong xây dụng kinh tế biển. Phát triển hạ tầng cảng trên thế giới được tập trung vào cả phát triển hạ tầng cứng và hạ tầng mềm. Hạ tầng cứng của các cảng là phát triển hệ thống điện, nước, hệ thống cầu cảng, hệ thống bốc dỡ hàng hóa, hệ thống kho bãi hệ thống giao thông ra vào cảng,… Hạ tầng mềm của cảng là hệ thống dịch vụ, đảm nhận chức năng hậu cần, hệ thống quản lý cảng, bốc dỡ hàng hóa, điều phối tàu thuyền ra vào cảng, trung tâm cứu nạn,… Việt Nam đang trong quá trình ban đầu xây dựng cơ sở hạ tầng cảng biển nên cần phải chú trọng xây dựng cả cơ sở hạ tầng cứng và cơ sở hạ tầng mềm nhưng tùy theo điều kiện cụ thể mà có thể xây dựng cùng một lúc hoặc xây dựng cơ sở hạ tầng cứng trước, cơ sở hạ tầng mềm sau.

b) Kinh nghiệm quản lý ngành tàu biển

Khi nói tới phát triển ngành tàu biển là nói tới hai lĩnh vực, một là đóng tàu, hai là vận tải bằng tàu biển. Công nghiệp đóng tàu của thế giới nhìn chung có một bước phát triển rất nhanh, một số nước đang phát triển như Trung Quốc, cũng đang vươn lên trong ngành này. Năm 2008 công nghiệp đóng tàu đã trở thành niềm hy vọng trở thành “con chim đầu đàn” của công nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, kể từ sau khủng hoảng kinh tế thế giới 2008, nhu cầu về đóng tàu trên thế giới giảm, đặc biệt là việc giảm nhu cầu về tàu siêu trường siêu trọng đã dẫn tới sự sụp đổ hàng loạt của các công ty đóng tàu không chỉ của Việt Nam mà còn của nhiều nước trong khu vực. Kinh nghiệm rút ra từ bài học về sự sụp đổ của ngành công nghiệp đóng tàu của một số nước trên thế giới và cả của Việt Nam thì:

+ Các doanh nghiệp cũng như Chính phủ cần phải có được các dự báo chính xác về nhu cầu về tàu biển cũng như về vận tải hàng hóa trên thế giới để có được những bước đi thích hợp, để đóng những con tàu đáp ứng được nhu cầu của thế giới cũng như trong nước chứ không phải đóng mới hoặc mua sắm những con tàu siêu trường siêu trọng về để không;

+ Trong thời gian trước mắt, nhu cầu về vận tải bằng tàu biển trên thế giới khó có thể nhanh chóng phục hồi, các doanh nghiệp đóng tàu trong nước cần phải tranh thủ cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Nên tập trung vào việc đóng các con tàu mà trong nước và thế giới còn thiếu như tàu đánh cá xa bờ, tàu du lịch, du thuyền, tàu tuần duyên, tàu chiến,… Phải tập trung phát triển theo chiều sâu và phát triển bền vững. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, nghiên cứu sản xuất máy móc thiết bị phục vụ cho ngành đóng tàu để Việt Nam thực sự phát triển ngành công nghiệp tàu biển chứ không phải là nước lắp ráp tàu.

+ Nhà nước cần tạo ra môi trường thể chế thuận lợi cho ngành tàu biển phát triển chứ không phải ưu ái về vốn cho các doanh nghiệp đóng tàu, cho “ chế chứ không cho tiền”. Chính phủ chỉ nên tạo hành lang pháp lý và thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển mà không nên can thiệp như bảo lãnh vay vốn hặc cấp vốn cho các dự án về tàu biển.

Một vài gợi ý cho phát triển ngành vận tải biển

Để phát triển hơn nữa, ngành vận tải biển phải được đầu tư phát triển nhanh và toàn diện cả về hệ thống cảng biển, đội tàu, dịch vụ cảng và dịch vụ hàng hải ... theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế và mở rộng hợp tác với nước ngoài.

Xây dựng ngành vận tải biển Việt Nam thành ngành kinh tế mạnh và hiện đại, tạo tiền đề để tiến nhanh ra đại dương. Tập trung xây dựng một số cảng nước sâu cho tàu trọng tải lớn đạt tiêu chuẩn quốc tế như:

- Cảng Vân Phong - Khánh Hòa để tiếp nhận được tàu container sức chở 9.000 - 15.000 TEU35hoặc lớn hơn, tàu chở dầu 30 - 40 vạn DWT.

- Cảng cửa ngõ quốc tế tại Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu để tiếp nhận được tàu trọng tải 8 - 10 vạn DWT, tàu container sức chở 4.000 - 8.000 TEU và vùng kinh tế trọng điểm khác khi có điều kiện.

- Cảng chuyên dùng cho các liên hợp hóa dầu, luyện kim, trung tâm nhiệt điện chạy than (tiếp nhận được tàu trọng tải 10 - 30 vạn DWT hoặc lớn hơn). Đi kèm với xây dựng cảng là phát triển dịch vụ cảng như dịch vụ đăng ký và khai báo thông quan hàng hóa qua mạng, dịch vụ tiếp tế lương thực và thực phẩm, dịch vụ kho bãi, bốc dỡ hàng hóa. Từ đó rút ngắn thời gian lưu kho, lưu bãi, lưu tàu (3 lưu).

Một phần của tài liệu Luận án Quản lý kinh tế biển - Kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào Việt Nam (Trang 148)