Quản lý Các khu kinh tế ven biển của Trung Quốc

Một phần của tài liệu Luận án Quản lý kinh tế biển - Kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào Việt Nam (Trang 64)

a) Quá trình hình thành các khu kinh tế ven biển của Trung Quốc

Các khu kinh tế ven biển của Trung Quốc, đặc biệt là các đặc khu kinh tế, là thực sự ra đời kể từ khi thực hiện quá trình cải cách mở cửa, bắt đầu từ Hội nghị Trung ương III khóa XI của Đảng cộng sản Trung Quốc tháng 12/1978. Vào thời kỳ này (1978), Trung Quốc đã xác lập đường lối cải cách mở cửa làm trung tâm. Trung Quốc thực hiện cải cách mở cửa nhằm thu hút nguồn vốn, kỹ thuật và nhân tài cũng như kinh nghiệm quản lý hiện đại từ bên ngoài,…đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc xây dựng các đặc khu kinh tế là một biện pháp quan trọng để thực hiện đường lối cải cách mở cửa Trung Quốc.

Trung Quốc ngay từ đầu đã chú trọng xây dựng các đặc khu kinh tế ven biển bởi vì:

- Vùng ven biển thường có cảng nước sâu, thuận lợi cho vận tải đường biển. Vận tải đường biển hiện là có chi phí thấp nhất.

- Nhiều vùng biển của Trung Quốc gần đường hàng hải quốc tế, thuận lợi

12Xin Hua (2012) Lưu thông phân phối hàng hoá cảng biển Trung Quốc-ASEAN đang đi lên thời đại “tiêu chuẩn hoá”

cho giao lưu buôn bán quốc tế; thuận lợi cho xuất nhập khẩu và thu hút FDI, tạo điều kiện để đi đầu thực hiện các chính sách mở cửa kinh tế của Trung Quốc.

- Khu ven biển thuận lợi cho phát triển tổng hợp các ngành kinh tế-dịch vụ, như: công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ cảng biển, vì đây là khu vực có vị trí giao lưu thuận lợi và có truyền thống lâu đời trong buôn bán quốc tế. Mặt khác, đây lại là nơi giàu tài nguyên và có nguồn lao động dồi dào. Các khu kinh tế có thể là những cực tăng trưởng, tạo điều kiện cho kinh tế vùng và kinh tế cả nước khởi sắc.

- Các nhà đầu tư nước ngoài cũng rất quan tâm đến các khu kinh tế ven biển. Có thể kể đến các đặc khu kinh tế lớn của Trung Quốc được hình thành trong thời kỳ này là Thâm Quyến (1980), Chu Hải (1980), Sán Đầu (1980), Hạ Môn (1980), Hải Nam (1988).

b) Cách thức quản lý các khu kinh tế ven biển Trung Quốc

Theo đánh giá chung, các khu kinh tế ở Trung Quốc đã thành công do đã có thể chế kinh tế tốt, thể chế hành chính hợp lý, ngân sách độc lập, chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt.

Thể chế hành chính hợp lý:

+ Tinh giảm các cơ quan quản lý hành chính. Tại các đặc khu kinh tế, cơ quan quản lý hành chính được giảm xuống mức thấp nhất. Tại các đặc khu kinh tế, các cơ quan quản lý hành chính cấp đặc khu (ngang với cấp thành phố) đã được giảm xuống còn khoảng 4 đơn vị, như ở đặc khu kinh tế Thâm Quyến chỉ có Cục Phát triển Kinh tế, Cục Phát triển Thương mại, Cục Vận tải và Cục Nông nghiệp. Chính quyền đặc khu kinh tế giảm chức năng kinh doanh trực tiếp, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng môi trường đô thị với tử tưởng “Quy hoạch đi đầu, đất đai là trung tâm, ngành nhà đất nhất thể hóa, nhà cửa bám theo đất đai, nắm khâu điều tiết khống chế vĩ mô, bỏ quản lý vi mô”.

+ Chính quyền và doanh nghiệp được tách riêng. Việc quản lý và kinh doanh các tài sản của nhà nước được phân định rõ ràng. Chẳng hạn như ở Thâm Quyến, cơ cấu quản lý tài sản của nhà nước được chia làm ba tầng:

Tầng thứ nhất, Ủy ban Quản lý tài sản quốc hữu thành phố. Đây là cơ quan quyết sách chỉ đạo, chuyên lo quản lý tài sản quốc hữu, quản lý vĩ mô.

Tầng thứ hai, Các công ty kinh doanh tài sản quốc hữu. Đây là các công ty có chức năng kinh doanh các nguồn vốn của nhà nước ở thành phố.

Tầng thứ ba,các doanh nghiệp nhà nước đa dạng.

Tuy là ba tầng nhưng thực chất có hai tầng quản lý là tầng vĩ mô và tầng quản lý vi mô cấp doanh nghiệp

+ Bỏ chế độ “cán bộ nhà nước” thay bằng chế độ “công vụ viên”, thi tuyển cạnh tranh gay gắt, công khai. Việc đề bạt căn cứu vào công tích, sa thải căn cứu vào việc không hoàn thành nhiệm vụ, đãi ngộ xứng đáng.

Thể chế kinh tế tốt: Điểm quan trọng nhất của các khu kinh tế Trung Quốc là có một bộ máy hành chính với quyền tự quản khá cao, đủ để có thể đề xuất, chuẩn y và thực thi những thể chế hành chính và kinh tế vượt trội so với khung thể chế chung ở trong nước, được Quốc hội cho phép. Chẳng hạn như đặc khu Thẩm quyến của Trung Quốc, Thẩm quyến có quyền ban hành luật và các qui định pháp luật của riêng mình. Thẩm quyến cũng hoàn toàn độc lập với chính quyền tỉnh và trung ương về ngân sách. Các chính sách của Chính phủ Trung Quốc đối với khu kinh tế đã trao cho các khu KT sự độc lập hoàn toàn

về bộ máy quản lý, cũng như quyền hạn thực sự về lập pháp, hoạch định chính sách hay ngân sách. Đó chính là điểm đặc biệt của mô hình quản lý khu kinh tế ven biển ở Trung Quốc, và chính điều này đã tạo nên thành công trong phát triển các khu kinh tế ven biển ở Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc cũng ban hành nhiều luật và qui định pháp lý chung, tạo ra môi trường pháp lý thông thoáng cho đầu tư vào các khu kinh tế ven biển.

Chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt:

+ Chế độ thuế ưu đãi, cụ thể là:

o Miễn thuế nhập khẩu đối với mọi hàng hóa nhập vào đặc khu và từ đặc khu xuất khẩu ra bên ngoài.

o Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng,… đều có mức ưu đãi thấp hơn nhiều so với nội địa và thậm trí thấp hơn cả Hồng Kông.

o Thủ tục hải quan đơn giản theo thông lệ quốc tế.

+Chính sách đất đai: Các đặc khu kinh tế còn sử dụng chính sách miễn giảm thuế đất để thu hút đầu tư. Chẳng hạn như: Thâm Quyến miễn thuế sử dụng đất trong 5 năm đầu và giảm 50% trong những năm tiếp theo cho các công ty sản xuất những sản phẩm có hàm lượng khoa học cao; Chu Hải miễn thuế đất cho các công ty có vốn FDI đang áp dụng công nghệ cao hoặc các công ty có lợi nhuận thấp.

Với những chính sách quản lý thông thoáng, linh hoạt đối với các đặc khu kinh tế cộng với nguồn lao động dồi dào, các đặc khu kinh tế của Trung Quốc đã thu hút được một số lượng rất lớn các nhà đầu tư nước ngoài và thực hiện xuất khẩu lớn. Từ đó các đặc khu kinh tế đã có sự phát triển vượt trội, đặc biệt là trong những năm 1990. Nhờ sự phát triển của các đặc khu kinh tế, các vùng kinh tế lạc hậu của Trung Quốc đã phát triển. Các đặc khu kinh tế đã trở thành các cực tăng trưởng của đất nước, có tác dụng lan tỏa và lôi kéo các vùng khác của đất nước phát triển theo. Có thể nói, các đặc khu kinh tế của Trung Quốc, nhất là ở vùng biển đã góp phần quan trọng vào thành tích tăng trưởng của Trung Quốc, từ năm 1990 đến nay.

Một phần của tài liệu Luận án Quản lý kinh tế biển - Kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào Việt Nam (Trang 64)