Quản lý hệ thống cảng biển của Malaysia

Một phần của tài liệu Luận án Quản lý kinh tế biển - Kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào Việt Nam (Trang 75)

a) Mô hình quản lý cảng biển Malaysia

Các cơ quan quản lý

Hệ thống cảng biển ở Malaysia chịu sự giám sát của Chính phủ Liên bang hoặc chính quyền địa phương. Chính phủ Liên bang quản l ý hành chính hệ thống các cảng biển thông qua Bộ Giao thông vận tải, và được chia thành hai loại là các cảng chính và các cảng phụ. Những cảng liên bang là Cảng Klang, Cảng Penang, Cảng Bintulu, Cảng Kuantan, Cảng Kemaman, Cảng Johor và Cảng của Tanjung Pelepas được quản lý bởi các cơ quan quản lý cảng. Bên cạnh đó còn có 80 cảng phụ hay các cầu tàu chịu sự quản lý của Cục Hàng Hải (Marine Department). Các cảng biển thuộc bang Sabah thì chịu sự quản lý của Cơ quan Quản lý Cảng Sabah, trong khi đó cạnh Sarawak có 3 cơ quan quản lý cảng khác nhau để điều phối các cảng ở Kuching, Ranjang và Miri, đây là các cảng hoạt động chủ yếu phục vụ cho các cảng trong nội địa nằm xa bờ biển. Để hệ thống cảng biển phát huy vai trò thuận tiện trong thương mại quốc tế và trong kinh tế thì các chính sách về cảng biển của Malaysia đóng vai trò rất quan trọng…

Chính phủ Malaysia đã sớm nhận thấy phải có một chiến lược phát triển dài hạn về quản lý để phát triển hệ thống cảng biển của mình một cách khoa học và hiệu quả. Để đạt được mục tiêu của mình, Ban Kế hoạch Kinh tế - EPU (Economic Planning Unit) trực thuộc Văn phòng Chính phủ đã được thành lập từ năm 1987 để nghiên cứu và xây dựng chính sách về phát triển cảng biển quốc gia. Mục tiêu của EPU là nghiên cứu để đưa ra các đề suất chính sách và kế hoạch hành động để đẩy mạnh phát triển hệ thống cảng biển quốc gia, tạo nền tảng cho phát triển nhanh hệ thống cảng. Mục tiêu trung tâm của chính sách là tư nhân hóa cảng biển và thành lập những trung tâm bốc dỡ quốc gia hiện đại và tiện nghi để thu hút được các tàu thuyền chở container lớn.

Thông qua Vụ Hàng Hải, Bộ Giao thông Vận tải (the Maritime Division of the Ministry of Transport), Chính phủ đã xây dựng mô hình kinh tế biển hiệu quả, an toàn và đưa ra các hoạt động theo hướng đưa Malaysia trở thành một quốc gia biển thành công. Để đạt được mục tiêu đề ra, Vụ Hàng Hải có nhiệm vụ:

- Đưa ra các chính sách liên quan tới hoạt động hàng hải và biển một cách an toàn cũng như phát triển hệ thống giao thông đường biển, phát triển cảng biển và tàu biển;

- Lập kế hoạch, phối hợp và điều phối các dự án liên quan tới cảng biển và các dự án của Vụ Hàng Hải;

- Nghiên cứu, phân tích và dự thảo các luật mới liên quan tới cảng, vận tải bằng đường biển và phê chuẩn các hiệp ước quốc tế với Tổ chức Hàng hải Quốc tế;

- Cấp giấy phép vận tải bằng tàu thuyền trong nước.

Các chính sách phát triển

Để tăng tính cạnh tranh và thu hút được các tàu thuyền tới cảng biển Malaysia, Chính phủ Malaysia đã thực hiện một số biện pháp sau:

- Tạo môi trường thông thoáng thuận lợi thông qua việc nâng cao năng lực của các cảng biển để giảm sự ách tắc và giảm thời gian chờ đợi.

- Phát triển các dịch vụ như tiếp tế lương thực và tiếp dầu ngay tại cảng và đi kèm theo đó là các dịch vụ khác như dịch vụ ngân hàng, dịch vụ bảo hiểm và dịch vụ pháp luật.

- Tạo thuận lợi và cung cấp các thiết bị đặc biệt cho việc neo đậu của các tàu lớn và tăng các loại tàu lớn.

Nhiều cảng đã sử dụng hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử - EDI (Electronic Data Interchange) và mạng thương mại điện tử quốc gia để kết nối họ với các khách hàng. Các thiết bị này đã góp phần làm tăng tốc độ xử lý văn bản từ đó nâng cao hiệu quả trong thương mại.

- Tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi để tăng tính cạnh tranh và tăng giá trị gia tăng thông qua các dịch vụ về hậu cần và cơ sở hạ tầng để khuyến khích giao thông vận tải bằng đường biển.

- Tạo ra môi trường có lợi cho việc thu hút các thủy thủ như có thể mua sắm ngay bên trong cảng.

- Xây dựng cảng Port Klang thành trung tâm hàng hải quốc gia từ năm 1993 để phục vụ lượng hàng hóa lớn cho nội địa .

- Xây dựng cảng Port of Tanjung Pelepas thành một trung tâm chu chuyển hàng hóa

b) Thực trạng phát triển cảng biển của Malaysia

Hệ thống cảng biển chủ yếu của Malaysia bao gồm Cảng Klang, Penang và Cảng của Tanjung Pelepas nằm dọc theo bờ biển thuộc eo biển Malacca, được coi là có các tuyến đường biển tấp nập nhất mà các tàu biển thế giới đi qua. Thực tế, các cảng này nằm dọc bờ biển phía Tây bán đảo Malaysia. Dân số Malaysia tập trung chủ yếu ở khu vực này và nơi đây được coi là nơi diễn ra nhiều hoạt động kinh tế chủ yếu của Malaysia. Đây cũng là nơi có hoạt động vận tải hàng hóa tốt hơn rất nhiều so với các khu vực khác trong cả nước. Với địa chiến lược của mình, cùng với hệ thống cảng biển dọc Eo Malacca, cảng biển của Malaysia đã kết nối được với các cảng biển ở khắp nơi trên thế giới. Cùng với việc ứng dụng công nghệ tiên tiến và hiện đại, các thiết bị ở đây hoàn toàn có thể bốc dỡ các loại hàng hóa và thực hiện các hoạt động liên quan. Hệ thống cảng biển của Malaysia được kết nối với các cảng đường sắt, đường bộ và đường không để thuận tiện trong việc chuyên trở hàng hóa và dịch vụ.

Năm 2011, theo xếp hạng của Hiệp hội Cảng biển Mỹ AAPA thì Malaysia có hai cảng biển lớn lọt vào top 50 cảng biển hàng đầu thế giới là cảng Kelang (đừng thứ 13, với tổng lượng hàng hóa vận tải qua cảng là 9,6 triệu TEU) và cảng Tanjung Pelepas (đừng thứ 18, với tổng lượng hàng hóa vận tải qua cảng là 7,5 triệu TEU).

Bảng 2.2: Hàng qua cảng Klang và cảng Tg Pelepas của Malaysia

Được tính bằng số công ten nơ qua cảng với đơn vị là nghìn TEUs

STT Tên cảng 2004 2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011

1 Port Klang 5.244 5.544 6.326 7.120 7.970 7.309 8.870 9.600 2 Tanjung

Pelepas 4.020 4.177 4.770 5.500 5.600 6.000 6.540 7.500 Nguồn: The Journal of Commerce, August 20-27, 2012 (worldshipping.org)

Có thể thấy tốc độ phát triển của cảng Klang và cảng Tg Pelepas tăng nhanh qua các năm gần đây. Nếu so sánh lượng hàng qua cảng năm 2011 so với năm 2004 (7 năm) thì cảng Klang đã tăng 183% (tăng gần gấp đôi, tăng từ

5.244.000 TEU lên 9.600.000 TEU), cảng Tg Pelepas đã tăng 186% (tăng gần gấp đôi, tăng từ 4.020.000 TEU lên 7.500.000 TEU).

Sự phát triển của cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế biển đã đem lại lợi ích to lớn cho thương mại và đầu tư. Trong những năm qua, một số lượng lớn vốn đầu tư đã được rót cho phát triển hệ thống cảng biển, lĩnh vực liên quan tới tàu biển và các dịch vụ liên quan đã phát huy hiệu quả và đóng góp lớn vào tốc độ phát triển thương mại của Malaysia.

Một phần của tài liệu Luận án Quản lý kinh tế biển - Kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào Việt Nam (Trang 75)