Trong những năm gần đây, công tác quy hoạch phát triển kinh tế biển Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Việt Nam đã và đang triển khai thực hiện công tác quy hoạch phát triển kinh tế biển một cách khá toàn diện đối với hầu hết các lĩnh vực kinh tế biển như: Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam; Quy hoạch phát triển các Khu kinh tế ven biển; Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dầu khí; Quy hoạch phát triển vận tải biển;…
Quyết tâm quy hoạch phát triển kinh tế biển của Việt Nam được thể hiện qua các văn bản quyêt định sau:
- Quyết định số 2190/QĐ-TTg, ngày 24/12/2009, của Chính phủ, Về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
- Quyết định số 201/QĐ-TTg, ngày 22/1/2013, của Chính phủ, phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
- Quyết định số 1353/QĐ-TTg, ngày 23/9/2008, của Chính phủ, về việc phê duyệt Đề án “Quy hoạch phát triển các Khu kinh tế ven biển của Việt Nam đến năm 2020”
- Quyết định số 459/QĐ-TTg, ngày 30/3/2011, của Chính phủ, Phế duyệt quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dầu khi Việt Nam giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025.
- Quyết định số 1601/QĐ-TTg, ngày 15/10/2009, của Chính phủ, Phê duyệt Quy hoạch phát triển vận tải biển Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
- …
Bên cạnh quy hoạch tổng thể của Chính phủ thì mỗi tỉnh thành ven biển Việt Nam lại có quy hoạch phát triển riêng để phát triển kinh tế biển. Công tác lập quy hoạch phát triển kinh tế biển của Việt Nam có thể nói là khá toàn diện. Tuy nhiên, công tác triển khai thực hiện và tính khả thi lại rất thấp.
Còn tồn tại một số bất cập trong qui hoạch cụ thể phát triển kinh tế biển của Việt Nam, thể hiện trong nhiều lĩnh vực: Từ qui hoạch hệ thống cảng biển, hệ thống hậu càn kinh tế biển, hệ thống giao thông ven biển, hệ thống đô thị biển đến qui hoạch các ngành như du lịch biển, vận tải biển.
Công tác quy hoạch chưa thực sự gắn liền với thực tiễn. Cụ thể như: Quy hoạch phát triển cảng biển Việt Nam chỉ trú trọng tới phát triển hệ thống cảng lớn phục vụ tàu thương mại có trọng tải lớn lại thiếu hẳn quy hoạch cảng cho hoạt động khai thác đánh bắt hải sản; Quy hoạch phát triển tàu biển chỉ trú trọng đóng tàu có công suất lớn để vận truyển nhiều hàng hóa mà không trú trọng tới tàu có công suất nhỏ phục vụ các hoạt động đánh bắt hải sản, du lịch,…
Quy hoạch thì lớn nhưng tính khả thi lại rất thấp, hiệu lực pháp lý không cao. Nhiều cảng biển Việt Nam nằm trong quy hoạch được đầu tư phát triển tương đối lớn nhưng lại bỏ hoang hoặc công suất khai thác cảng lại rất nhỏ do thiếu hệ thống giao thông ra vào cảng, thiếu các dịch vụ hậu cần, không dự báo đúng được nhu cầu vận chuyển của thế giới,…