Một số bài học về quản lý kinh tế biển của Singapore

Một phần của tài liệu Luận án Quản lý kinh tế biển - Kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào Việt Nam (Trang 101)

Thứ nhất, chính sách phát triển chưa đồng đều, chỉ tập trung vào một số ngành mũi nhọn về biển để tạo ra được những sản phẩm mũi nhọn về biển. Singapore là một quốc đảo có vị trí địa kinh tế thuận lợi nên có nhiều cơ hội phát triển kinh tế biển một cách toàn diện. Tuy nhiên, Chính phủ Singapore đã không lựa chọn phát triển đa dạng các ngành nghề kinh tế biển mà chỉ tập trung khuyến khích phát triển một số ngành vốn là mũi nhọn của mình. Mặc dù là quốc đảo nhưng Singapore đã không khai thác hải sản, không khai thác muối mà chấp nhận nhập khẩu các sản phẩm này từ các quốc gia khác để dồn nguồn lực vào phát triển các ngành nghề biển khác vốn là lợi thế lớn của mình như phát triển cảng biển, phát triển vận tải biển, phát triển khoa học công nghệ biển (chế tạo dàn khoan, lọc dầu,…), phát triển du lịch biển.

Thứ hai, chính sách phát triển hệ thống cảng biển và vận tải bằng tàu biển của Singapore đã đạt dược những thành công nhất định. Để thành công trong phát triển cảng biển và vận tải bằng tàu biển thì ngoài việc xây dựng hệ thống cầu cảng, kho bãi, thiết bị bốc dỡ hàng hiện đại thì cần phải ứng dụng công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ thông tin vào quản lý, khai báo, đăng ký trực tuyến, quản lý luồng tàu và hàng hóa ra vào cảng,… từ đó giảm thiểu thời gian chờ đợi lưu tàu tại cảng. Singapore đã ứng dụng hệ thống Marinet vào khai báo và đăng ký trực tuyến tại cảng, ứng dụng hệ thống Portnet và CITOS vào quản lý công ten nơ. Đây chính là các yếu tố quan trọng làm tăng tính cạnh tranh quốc tế trong phát triển hệ thống cảng biển.

Thứ ba, phát triển du lịch biển ở Singapore được coi là một kinh nghiệm đáng học tập. Singapore là một quốc đảo hầu như không có địa danh tự nhiên đặc sắc, tất cả các khu du lịch của Singapore đều là nhân tạo nhưng đã thu hút được một lượng lớn khách du lịch và đem lại nguồn thu lớn cho đất nước. Quản lý ngành du lịch đã đóng góp phần quan trọng vào thành tựu này. Tổng cục Du lịch Singapore không những đưa ra chiến lược, kế hoạch chung phát triển ngành du lịch trong cả nước, mà còn thường xuyên cải tổ quản lý, ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý ngành du lịch. Công tác quảng cáo, xúc tiến du lịch của Tổng cục cũng rất phát triển, nhằm đất nước Singapore thành một điểm đến du lịch hấp dẫn trên thế giới. Điều đặc biệt là, Tổng cục du lịch Singapore rất chú ý tạo ra những sản phẩm du lịch mới để hấp dẫn khách du lịch.

Thứ tư, Singapore rất thành công trong quản lý ngành chế biến dầu khí. Ba Bộ lớn của Singapore đều tham gia vào phát triển ngành dầu khí ở nước này, đó là .

Bộ Môi trường và Tài nguyên nước, Bộ Thương mại và Công nghiệp, Bộ Ngoại giao. Những Bộ này trước tiên đã đưa ra đường lối sáng suốt về phát triển ngành dầu khí của nước này, đó là: (1) Ưu tiên phát triển ngành chế biến dầu khí thích ứng với hoàn cảnh đặc thù của đất nước; (2) Đưa ra chính sách khuyến khích nghiên cứu và phát triển (R&D) nhằm tạo ra được sự đột phá về khoa học công nghệ trong lĩnh vực chế biến dầu khí và là động lực chính để phát triển ngành này.

Một phần của tài liệu Luận án Quản lý kinh tế biển - Kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào Việt Nam (Trang 101)