Quản lý kinh tế hàng hải của Trung Quốc

Một phần của tài liệu Luận án Quản lý kinh tế biển - Kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào Việt Nam (Trang 58)

a) Quản lý cảng biển của Trung Quốc

Thực trạng cảng biển Trung Quốc

Trung Quốc là quốc gia có đường bờ biển dài 18.000km với khoảng 20 thành phố lớn và vừa ở ven biển trải khắp 10 tỉnh và khu tự trị. Nhiều năm qua Trung Quốc đã đầu tư rất lớn để nâng cấp và mở rộng các cảng nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải quốc tế ngày càng lớn. Từ năm 1996, Trung Quốc đã có khoảng 1.520 bến neo đậu, trong đó có 394 bến là những cảng quan trọng. Tốc độ phát triển các cảng của Trung Quốc rất nhanh, đặc biệt là các cảng lớn có khối lượng hàng thông quan lên tới trên 100 triệu tấn. Năm 2009 có 21 cảng có khối lượng hàng hóa qua cảng trên 100 triệu tấn thì năm 2012 đã có 26 cảng9.

Cảng của Trung Quốc được phân làm hai loại là cảng vịnh biển và cảng cửa sông. Cảng vịnh biển tập trung chủ yếu ở Bột Hải, Hoàng Hải, Đông Hải, Nam Hải và Đài Loan. Cảng cửa sông phân bổ chủ yếu ở cửa sông Áp Lục, Hải Hà, Tiểu Thanh, Trường Giang, Hoàng Phố, Tiền Đường, Nam Giang, Thục Giang, Mân Giang, Tân Giang,… của 42 con sông chảy ra biển.

Nhờ có chính sách phát triển hợp lý mà hệ thống cảng của Trung Quốc được phát triển một cách mạnh mẽ. Trung Quốc được coi là một trong những

quốc gia có hệ thống cảng biển tiên tiến và hiện đại trên thế giới. Theo xếp hạng của Hiệp hội cảng Mỹ, từ năm 2010 tới nay (hết 2011), cảng Thượng Hải (Shanghai) của Trung Quốc được xếp là cảng lớn nhất thế giới với lượng hàng chu chuyển năm 2009 là 29,07 triệu TEU, năm 2011 là 31,74 triệu TEU, tăng hơn gấp đôi năm 2004 (14,56 triệu TEU)10.

Nguồn: The Journal of Commerce, August 20-27, 2012 (worldshipping.org)

Hình 2.1: 10 cảng lớn nhất thế giới năm 2011

Điều đáng chú ý là trong phát triển hệ thống cảng biển của Trung Quốc là ngoài việc cảng Shanghai là cảng lớn nhất thế giới thì trong số 10 cảng biển lớn nhất thế giới theo xếp hạng của AAPA thì Trung Quốc có 6 cảng (là cảng Shanghai, Hồng Kông, Shenzhen, Ningbo-Zhoushan, Guangzhou và cảng Qingdao). Trong số 6 cảng biển nổi tiếng này của Trung Quốc thì cảng Shanghai (Thượng Hải) và Hồng Kông được coi là cảng biển có từ lâu đời, lớn nhất nhì thế giới.

Cũng theo xếp hạng của tổ chức trên, năm 2011 Trung Quốc có 14 cảng biển lọt vào tốp 50 cảng biển hàng đầu thế giới (xếp hạng theo trọng tải hàng hóa bốc dỡ qua cảng tính bằng TEU).

Mô hình quản lý cảng biển của Trung Quốc

Từ những năm 1990, cùng với việc đẩy mạnh cải cách mở cửa nền kinh tế, Trung Quốc cũng đã chủ trương phát triển mạnh hệ thống cảng biển. Trung Quốc đã định hướng phát triển một cách rất rõ ràng để phát huy đầy đủ ưu thế của vận tải biển, thay đổi bộ mặt lạc hậu của các cảng ven biển, đẩy nhanh tốc độ xây dựng cảng ven biển và lấy việc nâng cao lượng bốc dỡ làm trọng điểm, xây dựng nhanh các cảng nước sâu và cảng chuyên dụng. Không những thế, Trung Quốc còn đẩy mạnh việc cải tiến kỹ thuật các cảng của mình, sử dụng công nghệ bốc dỡ hiện đại, nâng cao hiệu quả làm việc và khả năng bốc dỡ của cảng.

Trung Quốc quản lý cảng biển theo mô hình quản lý kiểu chủ cảng. Theo đó, Nhà nước sở hữu, đầu tư xây dựng, bảo trì cảng và các công trình hạ tầng phục vụ cảng (như luồng hàng hải, đường vào cảng,…), các công ty tư nhân đấu thầu khai thác quản lý cảng và đầu tư các công trình trên cảng.

Cơ quan quản lý cảng trên thế giới thường được tổ chức theo một trong sáu loại hình sau:

- Cơ quan quản lý cảng là một tổ chức của chính quyền trung ương. - Cơ quan quản lý cảng là tổ chức của chính quyền địa phương. - Cơ quan quản lý cảng là chính quyền cảng.

- Cơ quan quản lý cảng là công ty công cộng nhà nước. - Cơ quan quản lý cảng là tổng công ty cộng nhà nước. - Cơ quan quản lý cảng là công ty tư nhân.

Cơ quan quản lý cảng biển Trung Quốc là chính quyền cảng theo kiểu chủ cảng. Mô hình hoạt động của Chính quyền cảng theo kiểu chủ cảng (Landlord Ports) là mô hình mà trong đó Nhà nước sở hữu, đầu tư xây dựng cảng và các công trình hạ tầng phục vụ cảng (luồng hàng hải và hệ thống VTS, đường vào cảng,…). Còn các công ty tư nhân đấu thầu khai thác quản lý cảng và đầu tư các công trình trên cảng. Đây là mô hình đã hoạt động thành công tại nhiều nước trên thế giới và nó đã giúp chính quyền địa phương điều phối một cách hiệu quả hoạt động cảng biển.

Chính quyền cảng là mô hình tiên tiến, hiện đại đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, thống nhất về quản lý phát triển hệ thống cảng biển. Mô hình đuợc Trung Quốc sử dụng nhằm thống nhất quản lý các cảng, tránh tình trạng phát triển manh mún, tự phát, không đồng bộ. Chính quyền cảng ở Trung Quốc không thay thế chính quyền địa phương, mà ngược lại trong chính quyền cảng sẽ có nhân sự của chính quyền địa phương.

Trong quản lý cảng biển, Trung Quốc đã đặc biệt chú ý đến một số điểm sau: - Xây dựng cảng và quy hoạch phát triển thành phố một cách tổng thể

phải gắn chặt với nhau, phát triển hài hòa.

- Nhà nước có quy hoạch thống nhất và có chủ trương rõ ràng cho việc xây dựng bến cảng.

- Từng bước hình thành mạng lưới cảng được bố trí một cách hợp lý. Khắc phục tình trạng các luồng hàng chỉ tập trung vào một số ít cảng lớn. Biến các cảng ven biển thành trục liên vận trên nước và đất liền, liên vận sông và biển.

- Sử dụng hợp lý tuyến đường biển theo nguyên tắc tận dụng các khu vực nước sâu để bố trí đồng bộ việc xây dựng cảng biển.

- Làm tốt công tác trang bị các thiết bị đồng bộ cho các bến cảng, nâng cao khả năng vận tải và giải tỏa hàng hóa.

b) Quản lý vận tải bằng tàu biển Trung Quốc

Thực trạng vận tải bằng tàu biển Trung Quốc

Vận tải bằng tàu biển của Trung Quốc phát triển một cách mạnh mẽ. Từ những năm 1960, Trung Quốc đã xây dựng đội tàu viễn dương để chuyên trở hàng hóa. Ngày càng có nhiều tuyến đường ven biển Trung Quốc và từ Trung Quốc đến các nước và các khu vực trên thế giới được mở ra. Phần lớn các tuyến đường biển quốc tế đều xuất phát từ các cửa biển và tỏa ra bốn hướng đông, tây, nam bắc để nối Trung Quốc với các trung tâm kinh tế lớn của thế giới.

Ghi chú: Số liệu trên không tính Hồng Kông

Nguồn:UNCTAD, 2012

Hình 2.2: Vận tải hàng hóa bằng đường biển của Trung Quốc

Nguồn:UNCTAD, 2012

Theo số liệu của Hiệp hội Cảng biển Quốc tế IAPH, trong nhiều năm gần đây, Trung Quốc (không kể Hồng Kông) luôn được xếp là quốc gia đứng đầu thế giới về vận tải bằng công ten nơ11. Trung Quốc dẫn đầu thế giới về vận tải bằng công ten nơ từ năm 2006 với khối lượng vận chuyển là 84.811 nghìn TEU, năm 2010 là 125.103 nghìn TEU (tăng 148% so với năm 2006), bỏ xa các cường quốc về vận tải biển khác như Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản. Nếu chỉ tính trong thời gian 2006 - 2010 thì chỉ riêng Hồng Kông cũng đã luôn đứng vị trí thứ tư thế giới về vận tải hàng hóa bằng đường biển.

Mô hình quản lý vận tải bằng tàu biển Trung Quốc

Để phát triển ngành vận tải bằng tàu biển thì trước tiên phải có đội tàu hùng hậu để có thể chuyên trở hàng hóa đi khắp nơi trên thế giới. Để làm được điều này Trung Quốc đã có nhiều chính sách khuyến khích ngành tàu biển phát triển. Cho tới nay (2012), Trung Quốc đã trở thành một trong những cường quốc đóng tàu lớn nhất trên thế giới.

Để đẩy mạnh phát triển ngành đóng tàu, từ năm 1950, Trung Quốc đã cho thành lập Cục Phát triển Công nghiệp Đóng tàu trực thuộc Bộ Công nghiệp nặng. Đến năm 1953, Cục Phát triển Công nghiệp Đóng tàu được đổi tên thành Cơ quan Công nghiệp tàu thủy.

Bên cạnh đó Trung Quốc còn cho thành lập một số viện nghiên cứu về quản lý và công nghiệp đóng tàu. Công nghiệp đóng tàu của Trung Quốc phát triển mạnh vào những năm 1980 và 1990. Từ những năm 1990 tới 2000, Trung Quốc đã tập trung mạnh vào đóng các tàu chở dầu và khí hóa lỏng. Năm 2007, Trung Quốc đã đóng thành công tàu hóa lỏng lớn nhất thế giới. Chiếc tàu này dài 292m và rộng 43,35m, có sức chở 147.200 mét khối khí hóa lỏng. Trong đội tàu biển của Trung Quốc thì lớn nhất là tàu chờ hàng rời sau đó là tàu chở dầu. Ngành vận tải bằng tàu biển của Trung Quốc được coi là lớn nhất thế giới mà tập trung chủ yếu vào các cảng ở Hồng Kông và Thượng Hải.

Để quản lý lượng hàng hóa lưu thông khổng lồ như vậy, Trung Quốc đã

11 Containersation International Yearbook 2012, International Association of Ports and Harbors, iaphworldports.org/Statistics.aspx

xây dựng cho mình một ngân hàng dữ liệu và hệ thống kiểm tra tiêu chuẩn hóa lưu thông phân phối hàng hoá qua cảng biển. Theo Tân Hoa Xã12, năm 2012, để góp phần thúc đẩy mạnh mẽ lưu thông phân phối hàng hoá cảng biển Trung Quốc-ASEAN, cơ quan tiêu chuẩn hoá Trung Quốc và các nước ASEAN đã xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác trong công tác tiêu chuẩn hoá lưu thông phân phối hàng hoá qua cảng biển.

Viện Nghiên cứu công nghệ tiêu chuẩn Quảng Tây, Trung Quốc đã thiết lập quan hệ hữu nghị với các cơ quan tiêu chuẩn hoá của các nước ASEAN như Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Việt Nam, Cục Tiêu chuẩn Malaysia, Cơ quan Tiêu chuẩn Indonesia, Ủy ban Tiêu chuẩn Sản xuất và Sáng tạo Singapore. Trung Quốc đã ký Bản ghi nhớ hợp tác với Trung tâm Thông tin Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Việt Nam để tiến hành trao đổi định kỳ về thông tin tiêu chuẩn quốc gia nhằm bảo đảm tính chính xác, uy tín và hiệu quả của các dữ liệu thông tin tiêu chuẩn lưu thông phân phối hàng hoá qua cảng biển.

Một phần của tài liệu Luận án Quản lý kinh tế biển - Kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào Việt Nam (Trang 58)