Phát triển kinh tế biển có trọng điểm

Một phần của tài liệu Luận án Quản lý kinh tế biển - Kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào Việt Nam (Trang 146)

và hiện đại, kết hợp giữa phát triển toàn diện và tập trung vào một số ngành mũi nhọn

Kết hợp ngành truyền thống và hiện đại

Các ngành kinh tế biển truyền thống của Việt Nam là các ngành có từ lâu đời nên có nhiều kinh nghiệm phát triển. Vì vậy, việc tiếp tục phát triển các ngành kinh tế biển truyền thống là hết sức cần thiết. Còn các ngành kinh tế biển hiện đại sẽ là các ngành đem lại hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng được yêu cầu đặt ra của đất nước, đặc biệt là khi Việt Nam đang trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Các ngành truyền thống trong phát triển kinh tế biển như khai thác tài nguyên, khai thác hải sản,… cần phải được phát triển một cách hài hòa và được ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả và năng suất lao động. Không những thế, phát triển các ngành này phải có tính hợp lý nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên, tránh ô nhiễm môi trường và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển các ngành mới và phát triển khoa học công nghệ biển. Đặc biệt chú trọng tới phát triển các ngành công nghiệp không khói như du lịch biển, dịch vụ vận chuyển, năng lượng sạch (điện thủy triều, điện gió biển,…). Hạn chế phát triển các ngành có khả năng gây ô nhiễm môi trường và hạn chế khai thác xuất khẩu tài nguyên thô.

Kết hợp giữa phát triển toàn diện và tập trung vào một số ngành mũi nhọn

Do nguồn lực cho phát triển kinh tế biển là có giới hạn nên trước mắt cần chú trọng phát triển một số ngành sản phẩm chủ lực mà ta có lợi thế, có khả năng cạnh tranh cao như khai thác hải sản (nên chú trọng vào nuôi trồng hải sản), du lịch biển đảo, khai thác dầu khí,… Đồng thời, nếu có thể cũng dần dần triển khai một số ngành khác để phát huy hết khả năng phát triển kinh tế biển.

Chính phủ cần thực hiện các chính sách ưu đãi khuyến khích phát triển kinh tế biển một cách trọng điểm và có hiệu quả để tạo ra được những mũi nhọn có sức cạnh tranh tầm quốc tế trong phát triển kinh tế biển.

Việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế biển của Việt Nam đã được triển khai nhưng phần lớn các hoạt động này vẫn chưa thực sự hiệu quả và

phát huy tác dụng. Cụ thể như: Chương trình cho vay ưu đãi để thực hiện hoạt động đánh bắt xa bờ của Việt Nam cho tới nay được đánh giá là hoàn toàn thất bại; Việc xây dựng hệ thống cảng biển của Việt Nam cũng hết sức tùy tiện, được ví như “Cảng sau đè cảng trước”, các tỉnh thành nào ven biển cũng xin xây dựng cảng biển; Tập đoàn Vinasin, đầu tàu về đóng tàu biển của Việt Nam, được hy vọng nhiều nhất về phát triển ngành công nghiệp đóng tàu để cạnh tranh với thế giới cũng rơi vào cảnh phá sản buộc chính phủ phải cơ cấu lại, các khu vui chơi giải trí ven biển mọc lên một cách tùy tiện không có quy hoạch và không thực sự phát huy được lợi thế,…

Chính vì vậy, khi thực hiện các chính sách ưu đãi, Chính phủ cần chú ý đến hiệu quả kinh tế của các dự án, lưu ý đến quy hoạch trọng điểm của từng ngành, từng lĩnh vực và từng địa phương trong phát triển kinh tế biển. Khuyến khích các thành phần kinh tế biển từng bước học hỏi áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế biển sau đó từng bước kiên trì theo đuổi và làm chủ các công nghệ để tạo ra được sức mạnh cạnh tranh ở tầm quốc tế và khu vực. Bên cạnh đó Nhà nước cũng cần chủ động đầu tư xây dựng các khu kinh tế biển tầm quốc tế, các doanh nghiệp hay tập đoàn khai thác biển có tầm quốc tế,…và tạo được thương hiệu riêng của Việt Nam về phát triển kinh tế biển.

Một phần của tài liệu Luận án Quản lý kinh tế biển - Kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào Việt Nam (Trang 146)