Quản lý kinh tế hàng hải của Singapore:

Một phần của tài liệu Luận án Quản lý kinh tế biển - Kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào Việt Nam (Trang 90)

a) Quản lý cảng biển của Singapore

Thực trạng phát triển cảng biển của Singapore

Phát triển cảng biển và vận tải biển là một ngành kinh tế mũi nhọn ở Singapore. Singapore được xem là thương cảng sầm uất nhất thế giới với 130.000 tàu ra vào mỗi năm22. Hiện có hơn 250 luồng tàu của hơn 370 hải cảng và có hơn 150 công ty hàng hải của hơn 80 nước đặt trạm hàng hải tại đây. Trung bình cứ 10 phút có một chuyến tàu ra vào. Việc vận chuyển container ở Singapore phát triển rất nhanh, xuất và nhập hơn 100 triệu tấn, đứng đầu thế giới.

Hệ thống cảng biển của Singapore đã phát triển trong nhiều năm và có truyền thống về dịch vụ, chất lượng phục vụ, điều hành và quản lý hệ thống cảng. Cảng biển đã đóng vai trò then chốt trong lĩnh vực vận tải của Singapore trong thương mại toàn cầu Singapore đã ưu tiên phát triển Trung tâm Hàng Hải Quốc tế - IMC (International Marintime Center) nơi mà có hệ thống cầu cảng đồng bộ với các dịch vụ cần thiết phục vụ cho các hoạt động liên quan tới tàu biển, thương mại và dịch vụ hậu cần. Đây là một hệ thống đồng bộ về dịch vụ biển với sự đa dạng phong phú như dịch vụ cho các chủ tàu, cho thợ máy và những người chơi thuyền khác. Singapore có hệ thống cơ sở hạ tầng tốt phục vụ cho vận tải, có hệ thống mạng thông tin hiện đại kết nối với thế giới và đây cũng được coi là một trung tâm tài chính lớn.

Nguồn: worldshipping.org

Hình 2.5: Vận tải bằng công ten nơ của cảng Singapore

Các số liệu thống kê chỉ ra rằng Singapore là một quốc gia mạnh về biển. Đây là quốc gia lớn nhất thế giới về chu chuyển hàng hóa và có hệ thống kho lớn nhất thế giới. Theo thống kê của Hiệp hội Cảng và Cảng biển Quốc tế - IAPH, cảng của Singapore đã bốc dỡ được 21.329 nghìn TEU công ten nơ năm 2004 thì tới năm 2011 bốc dỡ được 29.940 nghìn TEU (tăng thêm 40%). Cũng theo thống kê của IAPH thì Singapore được xếp vào nước đứng thứ 3 thế giới về bốc dỡ hàng hóa qua cảng tính bằng công ten nơ (chỉ sau Trung Quốc và Mỹ).

Trong vài thập kỷ qua Singapore song hành cùng Hồng Kông đã và đang thống trị trong danh sách những cảng biển container nhộn nhịp nhất thế giới. Để làm được điều này Singapore đã ưu tiên vào việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và khai thác biển. Vì khả năng tàu container xếp dỡ hàng nhanh hay chậm phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ được các công ty quản lý và khai thác cảng biển sử dụng. Và nhà khai thác cảng biển có nhiệm vụ xử lý công việc xếp dỡ hàng của tàu. Năm 2005, Singapore đã vượt qua Hồng Kông về số lượng container xếp dỡ và nắm giữ vị trí thứ hai thế giới (chỉ sau cảng Shanghai) từ đó đến nay (2012).

Mô hình quản lý phát cảng biển Singapore

Cơ quan đầu não chịu trách nhiệm chính trong việc phát triển biển của Singapore là Cơ quan Quản lý Biển và Cảng biển của Singapore - MPA (the Maritime and Port Authority of Singapore) là một trong bốn cơ quan theo luật định được thành lập bởi Chính phủ Singapore để quản lý toàn bộ các cảng biển

và các hoạt động về biển của Singapore. MPA còn giữ vai trò dẫn dắt Singapore phát triển trở thành trung tâm cảng biển quốc tế hàng đầu thế giới và xây dựng phát triển Trung tâm Hàng Hải Quốc tế - IMC (International Maritime Centre) và đưa ra các chiến lược về phát triển biển. Bên cạnh đó, MPA còn hoạt động như người điều hành hệ thống cảng biển Singapore và bao quát các hoạt động về biển.

Để đảm bảo rằng các cảng của Singapore được đặt ở vị trí thích hợp và đóng vai trò quan trọng trong hệ thống cảng quốc tế, MPA đã đưa ra một bản kế hoạch về nâng cấp cảng Singapore có tên gọi là PIPS (Port Improvement Plan of Singapore). PIPS là một dự án mà có nhiều các dự án ở cấp thấp hơn như: (1) Dự án về quá cảnh, chỉ ra nơi các tàu quá cảnh trên các tuyến hàng hải có thể neo đậu; (2) Trung tâm Khuyến khích Hội nhập; (3) Trung tâm dịch vụ khách hàng; (4) Đào tạo thủy thủ.

PIDS được thiết kế để phục vụ cho các tuyến đường biển qua cảng Singapore có thể được hỗ trợ để hoạt động một cách an toàn và hiệu quả. Với kế hoạch đó, Singapore trở thành nơi an toàn hơn, hiệu quả hơn và là sự lựa chọn với chi phí hiệu quả. Bên cạnh các chiến lược dài hạn như PIPS và MPA thì hiện Singapore đã và đang ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào bậc nhất trên thế giới để cung cấp cho người sử dụng cảng biển Singapore được nhanh hơn và chuẩn xác hơn, từ đó tạo thêm giá trị gia tăng từ các dịch vụ.

Ứng dụng công nghệ thông tin khai báo, đăng ký trực tuyến

Cơ quan Quản lý Biển và cảng biển của Singapore (MPA) đã phát triển và đưa vào sử dụng hệ thống Marinet vào tháng 4-1999. Marinet cho phép cộng đồng vận tải biển khai báo trực tuyến cho MPA những nội dung theo quy định như thời gian đến và đi của tàu, hàng hóa có tính chất nguy hiểm...

Quá trình xử lý và xác thực thông tin được tiến hành trên mạng và việc cho phép xác thực được thực hiện ngay trong lần giao dịch đầu tiên. Ngoài ra, Marinet còn hỗ trợ việc xin những giấy phép do MPA cấp trên mạng. Ông Toh Ah Cheong, Giám đốc công nghệ tại MPA, cho biết Marinet hiện có 4.000 người đến từ 1.200 công ty sử dụng.

Quản lý công ten nơ

Singapore có hai nhà khai thác cảng, trong đó lớn nhất là PSA Singapore Terminals. PSA Singapore Terminals ứng dụng những hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử để giấy tờ được nộp nhanh hơn. Ngoài ra, PSA còn dùng các hệ thống công nghệ thông tin để hỗ trợ trong việc xếp dỡ, vận chuyển và lưu trữ hàng hóa. PSA Singapore Terminals có hai hệ thống chính là Portnet và CITOS. Được phát triển vào năm 1984, Portnet là một nền tảng điện tử không sử dụng giấy dành cho các hãng vận tải, công ty giao nhận, và các cơ quan chính quyền địa phương (bao gồm cả hải quan), nhằm giúp các cơ quan này “giao tiếp” tốt hơn với nhau và với cảng biển. Đến năm 1999, hệ thống này được chuyển sang Internet và gần đây được thiết kế lại để hỗ trợ thêm cho nhiều công việc mới. Portnet hiện đang phục vụ cho 8.000 người sử dụng và xử lý khoảng 100 triệu giao dịch mỗi năm.

Hệ thống thứ hai của PSA Singapore Terminals, CITOS (Computer Integrated Terminal Operations System) được phát triển vào năm 1988. CITOS là hệ thống tích hợp vận hành cảng. Đây là một hệ thống hoạch định tài nguyên doanh nghiệp có nhiệm vụ điều phối và hợp nhất mọi tài sản, từ cần trục, container cho đến tài xế.

CITOS còn giúp hoạch định việc xếp container. Khi thông tin được nhập vào thông qua Portnet, CITOS sẽ tự động lập kế hoạch xếp hàng và bố trí kho bãi dựa trên những yếu tố như sự ổn định của tàu, trọng lượng container, điểm đến của container... Điều này cho phép PSA Singapore Terminals tối ưu hóa công việc của mình.

Kế hoạch phát triển cảng biển của Singapore

Để bắt kịp với yêu cầu nâng cao khả năng cạnh tranh, MPA đã nghiên cứu để tiên phong, đi trước đón đầu trong việc đổi mới và tiếp tục làm tăng giá trị cho những người sử dụng cảng. Chính phủ Singapore không ngừng tìm kiếm và đổi mới hệ thống quản lý cảng biển, thường xuyên kiểm tra, giám sát để đảm bảo tính hiệu quả và đảm bảo tính cạnh tranh của cảng biển Singapore. Không những thế, MPA còn lập ra kế hoạch về chiến lược hội nhập có tên gọi là “Kế hoạch

nâng cấp cảng Singapore - PIPS (Port Improvement Plan of Singapore)” với mục tiêu là để đưa ra dịch vụ hướng dẫn tàu thuyền đi theo các tuyến đường an toàn và hiệu quả cao hơn. Nguyên tắc mang tính định hướng và chỉ đạo của PIPS là thúc đẩy Singapore trở nên an toàn hơn, hiệu quả hơn, sạch sẽ với chi phí chọn cảng thấp và hiệu quả.

Đề suất về các hoạt động phát triển biển của PIPS được chia thành bốn nhóm chính là:

- Thứ nhất, nhóm tàu thuyền.

- Thứ hai, nhóm hoạt động của cảng (như bốc dỡ, lưu kho,...).

- Thứ ba, nhóm quản lý điều hành.

- Thứ tư, nhóm dịch vụ phục vụ cho hoạt động của cảng.

b) Quản lý vận tải bằng tàu biển của Singapore

Thực trạng vận tải bằng tàu biển của Singapore

Kể từ khi giành độc lập năm 1965 tới nay (2012), Singapore luôn được coi là một trong những thương cảng sầm uất hàng đầu thế giới. Hàng năm có khoảng 130.000 tàu thuyền cập cảng Singapore23 đã làm cho Singapore trở thành điểm chu chuyển hàng hải lớn nhất thế giới. Trong khu vực Đông Nam Á, hàng hóa được gom từ các nước chuyển tới Singapore rồi chuyển sang tàu lớn trở đi đến các thị trường lớn ở xa như Mỹ, Nhật và Châu Âu. Singapore cũng là điểm chu chuyển cũng như điểm dừng chân của các tuyến đường hàng hải chạy từ Mỹ, Châu Âu và Trung Đông tới Châu Á và Châu Đại Dương.

Vận tải hàng hóa bằng tàu biển thực sự chiếm một vị trí quan trọng đối với nền kinh tế của Singapore. Theo số liệu của UNTAD, từ những năm 1980, lượng hàng hóa vận tải bằng tàu biển của Singapore đã lên tới con số 12,9 triệu DWT, vượt xa so với nhiều nước trong khu vực, gấp 14 lần của Malaysia, gấp gần 6 lần Hồng Kông và gấp 44 lần Việt Nam.

23Theo thống kê của Cơ quan Hàng hải và Cảng biển của Singapore - MPA www.mpa.gov.sgthì từ năm 2001 tới 2008 hàng năm có khoảng 130.000 tới 140.000 tàu thuyền cập cảng Singapore.

DWT = 2.240 pounds = 1.016,05 kg

Nguồn:UNCTAD, 2012

Hình 2.6: Vận tải hàng hóa bằng đường biển của Singapore

Số liệu của UNTAD cho thấy, vào những năm 1980, vận tải hàng hóa bằng tàu biển của Singapore tuy lớn về số lượng nhưng lại không đạt được tốc độ phát triển nhanh trong thời kỳ này, mặc dù đây là thời kỳ mà vận tải bằng bằng tàu biển của nhiều nước trong khu vực phát triển khá nhanh. Vận tải bằng tàu biển của Singapore chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Hồng Kông, Malaysia và Việt Nam nhưng đối thủ thực sự của Singapore trong khu vực có lẽ chỉ có Hồng Kông.

Trong thời kỳ từ những năm 1990 trở lại đây, tốc độ phát triển của vận tải bằng tàu biển của Singapore có sự phát triển mạnh. Theo số liệu của UNTAD, lượng hàng vận chuyển bằng đường biển của Singapore năm 1990 là 11,888 triệu DWT thì tới năm 2000 là 34,635 triệu DWT (tăng gần gấp 3 so với năm 1990), tới năm 2011 là 67,287 triệu DWT (tăng gấp gần 7 lần so với năm 1990).

Một phần của tài liệu Luận án Quản lý kinh tế biển - Kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào Việt Nam (Trang 90)