Một số bài học về quản lý kinh tế biển của Trung Quốc

Một phần của tài liệu Luận án Quản lý kinh tế biển - Kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào Việt Nam (Trang 73)

Thứ nhất, điều đầu tiên quan trọng là nhà nước phải có đường lối thống nhất, xuyên suốt trong quản lý kinh tế biển: Có quan điểm đường lối chiến lược, có giải pháp, chính sách phát triển kinh tế biển rõ ràng. Đi kèm với chính sách này là những ưu tiên về vốn, nhân lực, thể chế,…cho kinh tế biển.

Thứ hai,Nhà nước cần tích cực xây dựng hệ thống luật pháp tương đối đồng bộ về kinh tế biển, tạo môi trường pháp lý cho hoạt động kinh tế biển thuận lợi.

Thứ ba, Trung Quốc đã coi việc phát triển các khu kinh tế ven biển là trọng tâm, là hạt nhân trong kinh tế biển, bởi vì trong khu kinh tế biển thường họi tụ những ngành kinh tế biển quan trọng nhất, thực hiện các thể chế tiên tiến nhất, các chính sách tiên tiến nhất, vừa là các "cực tăng trưởng" của đất nước, vừa là nơi “mở cửa” hợp tác phát triển kinh tế biển tốt nhất. Chỉ có thông qua phát triển các khu kinh tế ven biển thì kinh tế biển mới có thể phát triển nhanh nhất, hiệu quả nhất. Xuất phát từ quan điểm này, Trung Quốc ngay từ đầu đã rất chú ý và cũng rất thành công trong phát triển các khu kinh tế ven biển. Đây cũng là kinh nghiệm đáng học tập nhất trong phát triển kinh tế biển của Trung Quốc.

Thứ tư, để phát triển kinh tế biển, ưu tiên đầu tiên là phải xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại. Hơn bao giờ hết, cơ sở hạ tầng vùng biển là điều kiện tiên quyết để phát triển các ngành kinh tế biển tiếp theo như hàng hải, dầu khí, đánh bắt, du lịch,…để động viên khuyến khích người dân tham gia làm nghề biển.

Thứ năm,kinh tế biển cần phát triển một cách toàn diện: Kinh tế hàng hải, khai thác khoáng sản biển, du lịch biển, đánh bắt hải sản,…, bởi vì các ngành kinh tế biển có liên quan với nhau, hơn nữa chỉ có phát triển các ngành kinh tế biển một cách toàn diện thì mới có thể phát huy tối đa mọi tiềm năng phát triển

kinh tế biển.

Thứ sáu, bên cạnh việc khai thác hải sản phải có các biện pháp quản lý để bảo tồn, duy trì và phát triển, bảo vệ môi trường biển. Việc khai thác quá mức của Trung Quốc đã dẫn tới tình trạng tài nguyên hải sản bị cạn kiệt. Điều này đã buộc các ngư dân Trung Quốc ngày càng phải đánh bắt xa bờ hơn, thậm trí đánh bắt cả trên các vùng biển không thuộc phạm vi biển của mình. Hiện nay, chính phủ Trung Quốc cũng đã bắt đầu tiến hành nhiều biện pháp quản lý để duy trì bảo vệ nguồn lợi hải sản của mình như đưa ra các quy định về đánh bắt theo mùa, đưa ra tiêu chuẩn về cách đánh bắt hải sản, khuyến khích nuôi trồng,… Việc bảo vệ môi trường để duy trì nguồn lợi hải sản một cách lâu dài là hết sức cần thiết.

Một phần của tài liệu Luận án Quản lý kinh tế biển - Kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào Việt Nam (Trang 73)