Những thành công trong quản lý kinh tế biển của Singapore

Một phần của tài liệu Luận án Quản lý kinh tế biển - Kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào Việt Nam (Trang 99)

Những thành công nổi bật nhất trong quản lý kinh tế biển của Singapore có thể kể đến là:

Thứ nhất, Singapore đặc biệt thành công trong quản lý cảng biển và vận tải bằng tàu biển. Singapore được đánh giá là phát triển cảng biển và vận tải biển tiến tiến, hiện đại vào bậc nhất trên thế giới. Những điểm nổi bật trong quản lý cảng biển và vận tải bằng tàu biển là: (1) xây dựng MPA với tư cách là cơ quan vừa đưa ra các chiến lược về phát triển biển, lập kế hoạch về phát triển cảng biển và vận tải bằng tàu biển, đồng thời MPA còn hoạt động như người điều hành hệ thống cảng biển Singapore và bao quát các hoạt động về biển; (2) Singapore đang ứng dụng những qui trình công nghệ hiện đại vào bậc nhất trên thế giới vào quản lý phát triển cảng biển và vận tải bằng tàu biển; (3) Singapore áp dụng những phương pháp quản lý hệ thống côngten nơ hiện đại thông qua PSA Singapore Terminals với hai hệ thống chính là Portnet và CITOS.

Thứ hai, Tổng cục Du lịch Singapore đã có đóng góp lớn lao trong việc đưa Singapore trở thành điểm du lịch nổi tiếng thế giới. Tổng cục Du lịch Singapore không những đưa ra chiến lược, kế hoạch chung phát triển ngành du lịch trong cả nước, mà còn thường xuyên cải tổ quản lý, ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý ngành du lịch. Công tác quảng cáo, xúc tiến du lịch của Tổng cục cũng rất phát triển, nhằm đưa đất nước Singapore thành một điểm đến du lịch hấp dẫn trên thế giới. Điều đặc biệt là, Tổng cục du lịch Singapore rất chú ý tạo ra những sản phẩm du lịch mới để hấp dẫn khách du lịch, như: Du lịch tàu biển, du lịch quốc tế, trung tâm tổ chức các dịch vụ quốc tế (trung tâm chu chuyển khách du lịch ở Đông Nam Á và là trung tâm hội nghị và triển lãm quốc tế).

Thứ ba, Singapore rất thành công trong quản lý ngành chế biến dầu khí. Ba Bộ lớn của Singapore đều tham gia vào phát triển ngành dầu khí ở nước này, đó là . Bộ Môi trường và Tài nguyên nước, Bộ Thương mại và Công nghiệp, Bộ Ngoại giao. Những Bộ này trước tiên đã đưa ra đường lối sáng suốt về phát triển ngành dầu khí của nước này, đó là ưu tiên phát triển ngành chế biến dầu khí thích ứng với hoàn cảnh đặc thù của đất nước. Bên cạnh đó, các Bộ này cũng đưa ra chính sách khuyến khích nghiên cứu và phát triển (R&D) nhằm tạo ra được sự đột phá về khoa học công nghệ trong lĩnh vực chế biến dầu khí và là động lực chính để phát triển ngành này. Đặc biệt là, Singapore đã ưu tiên chế tạo dàn khoan đế bằng thăm dò dầu khí lớn, và trở thành nhà sản xuất lớn trên thế giới về lĩnh vực này.

Nguyên nhân thành công

Qua nghiên cứu kinh tế biển của Singapore có thể thấy được hai nguyên nhân chính tạo nên sự thành công trong quản lý kinh tế biển.

(1) Chính phủ Singapore đã có những chính sách và định hướng phát triển kinh tế biển đúng đắn,

(2) Chính phủ Singapore chú trọng việc xây dựng hệ thống pháp luật nghiêm minh, hiệu lực trong thực thi pháp luật cao và không chịu sự chi phối của lợi ích nhóm.

(3) Chính phủ Singapore rất quan tâm đến việc tạo lập các cơ quan quản lý kinh tế biển một cách gọn nhẹ, hiệu quả.

Một phần của tài liệu Luận án Quản lý kinh tế biển - Kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào Việt Nam (Trang 99)