Du lịch biển của Singapore

Một phần của tài liệu Luận án Quản lý kinh tế biển - Kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào Việt Nam (Trang 97)

Du lịch là ngành kinh tế phát triển thịnh vượng ở Singapore. Thu nhập của ngành này là nguồn thu ngoại tệ chủ yếu. Singapore trở thành trạm trung chuyển du lịch ở Đông Nam Á và là trung tâm hội nghị và triển lãm quốc tế. Với dân số 4,6 triệu người, không có núi sông đẹp nổi tiếng, cũng không có di tích cổ xưa, nhưng mỗi năm Singapore đón hơn 4 triệu khách du lịch. Singapore thu hút khách vì thành phố xanh, sạch, đẹp. Ngoài ra, nơi đây có những hải cảng và những khu du lịch biển nổi tiếng như Sentosa, Sky Park, tượng ngư sư Merlion, đảo Sentosa, công viên Bướm và Vương quốc côn trùng, Thế giới Đại dương Sentosa, vườn chim Jurong, vườn thú đêm Night Safari,… đã thu hút được rất nhiều khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đến thăm quan đặc biệt là các nước trong khu vực như Malaysia, Trung Quốc, Philiphin, Indonesia, Việt Nam…

Để quản lý phát triển ngành du lịch của mình, năm 1964, Singapore đã cho ra đời Tổng cục Du lịch Singapore - STB (Singapore Tourism Board). Tổng cục Du lịch Singapore có trách nhiệm xúc tiến, quảng bá đất nước Singapore thành một điểm đến du lịch.

Chiến lược phát triển du lịch của Singapore là hướng tới việc phục hồi những giá trị truyền thống ở các điểm du lịch, cũng như chủ động khai thác các nhân tố mới. Những nhân tố này được tăng cường nhờ các hoạt động của Tổng cục Du lịch Singapore trên phạm vi hoạt động quốc tế tại các thị trường chính, nhất là các thị trường tăng trưởng nhanh. Mục tiêu của Tổng cục Du lịch Singapore là tạo ra những sản phẩm mới để hấp dẫn du khách gắn kết với hoạt động thương mại, nhằm khắc sâu hình ảnh một đất nước Singapore độc đáo và thực sự hấp dẫn trong tiềm thức của du khách.

Để quản lý phát triển du lịch thì Tổng cục Du lịch Singapore được phân thành các nhóm và các bộ phận chức năng:

- Nhóm quản lý Kế hoạch - Nhóm Điều phối khu vực

- Nhóm quản lý các sự kiện và chương trình - Nhóm quản lý dịch vụ giải trí

- Bộ phận quản lý việc Phát triển nguồn lực - Bộ phận quản lý Lữ hành và giao tiếp - Bộ phận quản lý Tài chính và các tập đoàn - Bộ phận quản lý Nhân sự và tổ chức - Bộ phận quản lý giáo dục

- Bộ phận quản lý sức khoẻ

- Bộ phận quản lý các khu du lịch tổng hợp

Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch Singapore còn đặt các văn phòng đại diện tại nước ngoài để quản bá và súc tiến du lịch. Tổng cục Du lịch Singapore có văn phòng đại diện tại Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Philippin, Việt Nam, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Úc, New Zealand, Đức, Vương quốc Anh, Mỹ.

Singapore phát triển nhất trong khu vực về lĩnh vực du lịch tàu biển. Tại đây, có trung tâm Du lịch Tàu biển Singapore (SCC) với tổng số vốn trị giá 50 triệu USD có trụ sở nằm đối diện với hòn đảo Sentosa, một trong những khu vui chơi giải trí trên đảo hàng đầu trong khu vực. Hàng năm có trên 6 triệu lượt khách sử dụng dịch vụ tàu biển của SCC để đến những điểm tham quan quyến rũ nhất trong khu vực. Những tiện nghi tại bến tàu hành khách quốc tế (International Passenger Terminal) bao gồm các bến neo tàu, cầu nối dành cho hành khách lên tàu, phòng chờ rộng rãi có máy lạnh, thang máy dành cho người khuyến tật và băng chuyền hành lý.

Từ những năm 90, Trung tâm Du lịch Tàu biển Singapore đã có hai bến tàu chính:

- Bến tàu “The International Passenger Terminal” có 2 chỗ neo tàu riêng biệt một dài 300m và 250m với những vạch nước sâu lên tới 12m. Bến tàu này phục vụ những chuyến du ngoạn quốc tế xuyên đại dương.

- Bến tàu “The Regional Ferry Terminal” với 4 chỗ neo tàu dành cho những chuyến phà trong khu vực chạy tuyến Singapore, quần đảo Riau ở Indonesia và Malaysia. Vào tháng 8 năm 1995, bến phà Tanah Merah (TMFT) được khánh thành để phục vụ nhu cầu đi lại đang gia tăng trong khu vực. Bến phà TMFT nằm ở khu vực Changi gần sân bay Changi Singapore.

Một phần của tài liệu Luận án Quản lý kinh tế biển - Kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào Việt Nam (Trang 97)