7. Cấu trúc của luận văn
1.2.2. Bạo lực học đường
a. Bạo lực
Dưới góc nhìn xã hội học thì khái niệm này được hiểu như sau:
- Bạo lực là việc sử dụng vũ lực để gây thương tích cho người hoặc tài sản. Bạo lực có thể gây ra đau đớn về thể chất cho người trực tiếp gây ra các hành vi bạo lực cũng như cho những người bị hại. Cá nhân, gia đình, trường học, nơi làm việc, cộng đồng, xã hội, và môi trường – tất cả đều bị tổn thươngdo bạo lực gây ra.[21].
- Bạo lực là một phương thức hành xử trong các mối quan hệ xã hội và tồn tại từ rất lâu trong lịch sử. Với bản chất như vậy thì bạo lực cũng có thể là những hình thức chém giết, đánh đập, hành hạ nhau về mặt thể xác, nhưng cũng có thể là trấn áp, đe doạ, gây sức ép về mặt tâm lý, tâm thần. [9]
Bạo lực xảy ra có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như: do mâu thuẫn giữa hai bên về các lĩnh vực trong cuộc sống không thể hòa giải; do sự cạnh tranh, ghen ghét, đố kỵ lẫn nhau; do sự tham vọng hay cố chấp của một người hay một bè phái nào đó; do sự nóng giận bột phát thiếu suy nghĩ,… Tuy nhiên, cho dù do nguyên nhân nào đi nữa thì bạo lực cũng là một hành động tiêu cực, mang lại nhiều hậu quả khôn lường, không như mong muốn. Bạo lực có thể làm cho con người bị thương tật về mặt thể xác, tổn thương về tinh thần thậm chí có thể nguy hiểm đến tính
mạng của những người tham gia; gây ảnh hưởng xấu tới xã hội như an ninh xã hội không được an toàn, người dân lo lắng, hoang mang, sợ hãi, tiêu phí tiền bạc để chữa trị thương tật,… Bạo lực trở thành vấn nạn chung của toàn xã hội cần phải được ngăn chặn kịp thời.
b. Bạo lực học đường
- BLHĐ là những hành vi thô bạo, ngang ngược, bất chấp công lý, đạo lý, xúc phạm trấn áp người khác gây nên những tổn thương về tinh thần và thể xác diễn ra trong phạm vi trường học.[21]
- BLHĐ là những hành vi xâm phạm có chủ ý, có ý đồ, thường gây hậu quả nghiêm trọng và xảy ra trong phạm vi nhà trường. Và nếu nhìn từ góc độ lấy học sinh làm trung tâm thì BLHĐ là sự xâm hại của học sinh đối với học sinh, sự xâm hại của học sinh đối với người bên ngoài nhà trường, là sự xâm hại của giáo viên đối với học sinh và ngược lại… Bạo lực ấy xâm phạm đến sức khoẻ hoặc danh dự của người bị hại, hoặc xâm phạm đến tính mạng và nhân phẩm của người bị hại. Bạo lực ấy không chỉ xảy ra trong phạm vi nhà trường mà nhiều khi xảy ra bên ngoài nhà trường.[21]
Như vậy, theo khái niệm này thì BLHĐ có phạm vi rất rộng, bao gồm phạm vi cả trong và ngoài trường học, xảy ra giữa HS với HS, giữa GV với HS, giữa GV với GV, giữa GV với PH...
Trong đề tài này, tác giả chỉ tập trung nghiên cứu về BLHĐ xảy ra giữa các học sinh với nhau. Theo đó, bạo lực giữa các HS với nhau là cách ứng xử, giải quyết các mâu thuẫn, bất đồng nảy sinh trong học tập, sinh hoạt trong nhà trường giữa các HS bằng bạo lực. BLHĐ thể hiện ở các loại hành vi sau:
- Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc có hành vi xâm hại đến sức khoẻ tính mạng, thể xác người khác.
- Hành vi, lời nói lăng mạ, xỉ nhục, xúc phạm danh dự, nhân phẩm làm tổn thương về mặt tinh thần của con người.
- Xâm hại, cưỡng bức tình dục nơi trường học
- Hành vi chiếm đoạt, huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác. - Cưỡng ép người khác đóng góp tài chính quá khả năng của họ, kiểm soát nguồn tài chính của họ.