CỦA HÀNH ĐỘNG CẦU KHIẾN TRONG THƠ TÌNH

Một phần của tài liệu Hành động cầu khiến trong thơ tình (khảo sát dựa trên cứ liệu tuyển tập thơ tình việt nam thế kỷ XX) (Trang 32 - 35)

Theo khảo sát của chúng tôi, trong tổng số 199 bài thơ thuộc tập “Thơ tình Việt Nam thế kỷ 20” (Nhà xuất bản Thanh niên, năm 2000) thì có đến 115 bài (chiếm 65%) có mang nội dung (hành động ngôn trung) cầu khiến. Ở đây, như đã nói ở Chương 1, chúng tôi dựa trên một khái niệm rộng về hành động cầu khiến, tức là thừa nhận phát ngôn cầu khiến bao gồm cả phát ngôn cầu mong, phát ngôn có hình thức tường thuật hoặc nghi vấn (nhưng có lực ngôn trung cầu khiến).

Khó khăn lớn nhất khi khảo sát hành động cầu khiến trong thơ tình là sự “mơ hồ” về thành tố S2 trong cấu trúc nội dung ngữ nghĩa. Bởi vì, trên nguyên tắc, một hành vi cầu khiến, dù ở dạng biểu hiện nào (gián tiếp hay trực tiếp), bao giờ cũng hướng đến mục đích điều khiển hành động của S2 theo ý định của S1 và vì vậy tạo ra ở S2 một phản ứng trả lời bằng ngôn từ (và/ hoặc hành động). Do đó, để nhận diện một phát ngôn (hay chuỗi phát ngôn) nào đó là lời cầu khiến, trước hết cần căn cứ vào hành động (bằng lời hoặc không bằng lời) của S2, tức là dựa vào cặp liền kề cầu khiến - trả lời [41; 36]. Chẳng hạn, câu hỏi sao em lại để sách dưới đất? của S1 sẽ được nhận diện là lời cầu khiến (S1

yêu cầu S2 để sách chỗ khác) nếu sau đó S2 thực hiện một hành động cụ thể là mang sách đặt lên bàn, lên giá sách và/ hoặc đáp lại bằng những lời cho thấy S2

hiểu S1 đang cầu khiến, như chấp thuận (Dạ, để em mang nó lên giá), từ chối hoặc đưa ra lời giải thích (Không mà, em đang phơi sách).

Tuy nhiên, đối với thơ, cần phải hiểu rằng khung cảnh giao tiếp là một văn bản nghệ thuật mà nhân vật trữ tình (chủ thể trữ tình - chủ ngôn) đang giao lưu, đối thoại với rất nhiều S (S2, S3… Sn); và hành động cầu khiến trong thơ, có khi lộ rõ trên bề mặt ngôn từ, có khi có một S2 cụ thể, có khi có cặp cầu khiến - trả

lời… nhưng trong rất nhiều trường hợp, đại đa số trường hợp, lời cầu khiến đó được xem như một biện pháp tu từ…có hành động ngôn trung cầu khiến nhưng nội dung ý nghĩa cầu khiến không nằm trên bề mặt ngôn từ (chủ từ, động từ và bổ ngữ của động từ); nó nằm trong một cấu trúc sâu mà phải bằng tiềm thức thể loại hoặc bằng các thao tác mang đặc trưng thể loại mới có thể nhận ra. Hành động đáp lại của đối ngôn (S2 - có thể là có cả S3, S4… Sn) cũng theo đó mà mang tính chất “mơ hồ”, khó nhận diện. Chẳng hạn hành động cầu khiến:

“Ta như hai đứa trẻ nghèo

Quả ngon chỉ dám nâng niu đứng nhìn

Đừng bao giờ nhé chín thêm

Sợ tan mất giấc mơ em - một thời...”

(Phan Thị Thanh Nhàn, Không đề - tr.321)

Ở đây, vị từ tình thái đừng trong lời của nhân vật trữ tình (chủ ngôn) biểu hiện hành động ngôn hành cầu khiến, nhưng đừng bao giờ nhé chín thêm là sao? Nó khác hẳn với đừng chạy, đừng nhớ, đừng quên… Và đối ngôn (S2) ở đây là ai? Trả lời như thế nào? Rõ ràng đây là cách nói “rất thơ”, muốn nhận diện nó cần có một tiềm thức thể loại và cả kinh nghiệm (experience) của con người về thế giới khách quan, thế giới nội tâm của chính con người.

Chúng tôi sẽ giải quyết rõ ràng những vấn đề mang tính đặc thù này của hành động cầu khiến trong thơ tình ở Chương 3 (các yếu tố ngữ nghĩa của cấu trúc nội dung hành động cầu khiến trong thơ tình). Ở đây, chúng tôi nêu vấn đề nhằm xác định cho luận văn một hướng đi trong việc nhận diện, khảo sát về bình diện hình thức của hành động cầu khiến trong phạm vi nghiên cứu: không dựa hoàn toàn vào sự nhận diện cặp quan hệ cầu khiến - trả lời, chủ yếu dựa vào sự có mặt (hay không có mặt) của các tín hiệu cầu khiến ở cấp ngôn từ (các vị từ tình thái: hãy, đừng…; các động từ ngôn hành cầu khiến: van, xin, ước, mời, cầu…; các tiểu từ tình thái: thôi, nhé, chứ…; các động từ trạng thái mang ý nghĩa cầu mong: mong, muốn…); và dấu hiệu cầu khiến ở cấp độ cấu

trúc cú pháp (các kiểu phát ngôn có đích cầu khiến thông qua hành động ngôn trung khác: nghi vấn, tường thuật). Riêng về vai trò của ngữ điệu trong hành động ngôn trung cầu khiến chúng tôi sẽ có ý kiến riêng trong mục 2.4 của Chương 2.

Tuy vậy, như thế không có nghĩa là luận văn đã tách hình thức biểu hiện (cái biểu hiện) ra khỏi nội dung cầu khiến (cái được biểu hiện). Bởi nội dung và hình thức là hai mặt của một vấn đề, như hai mặt của một tờ giấy (theo cách nói của F.Saussure). Tìm hiểu về cái biểu đạt để góp phần đảm bảo tính trọn vẹn việc hiểu cái được biểu đạt, để khai thác hết các sắc thái ngữ nghĩa của nó trong hoạt động.

Theo hướng đó, Chương 2 của luận văn chủ yếu chỉ ra những biểu hiện hình thức hành động cầu khiến để làm rõ hơn những đặc sắc ngữ nghĩa trong cấu trúc nội dung của hành động ngôn hành này ở thơ tình.

Những biểu hiện hình thức này, theo khảo sát của chúng tôi, tuy vẫn trên cơ sở dựa vào những phương tiện đánh dấu lực ngôn trung cầu khiến trực tiếp nói chung như các phát ngôn hội thoại nhưng đã có sự khác biệt về một số phương diện: khả năng, số lượng, tần số xuất hiện của các phương tiện đó (ví dụ, theo khảo sát của chúng tôi, những động từ ngôn hành chuyên dụng và khá đặc trưng cho hành động cầu khiến trong hội thoại như: ra lệnh, cấm, cho phép/ cho, yêu cầu, đề nghị, khuyên, xin phép... lại không hề thấy xuất hiện trong thơ tình mà gần như chỉ có động từ xin là xuất hiện và xuất hiện với tần số dày đặc…; hoặc sự xuất hiện theo một cách riêng của các tiểu từ tình thái thôi, nhé, chứ cũng có nhiều điều lý thú…).

Ngoài ra, cấu trúc của hành động cầu khiến trong thơ tình (khả năng kết hợp giữa các thành phần, số lượng các thành phần cấu tạo…) cũng có những nét riêng, khác biệt với cầu khiến trong hội thoại giao tế (khác biệt cả với lời cầu khiến trong văn xuôi - vốn cũng là một hình thức tiếp nhận văn bản nghệ thuật): chẳng hạn, cấu trúc cầu khiến trong thơ tình thường là một cấu trúc

phức hợp với nhiều lực ngôn trung cầu khiến khác nhau đan xen liên tiếp tạo thành một cấu trúc tầng bậc. Hiện tượng này gần như ít xuất hiện trong phát ngôn cầu khiến hội thoại giao tế bởi tính chất của cầu khiến trong giao tế cần sự dứt khoát, rõ ràng, có nói vòng vo rào đón cũng chỉ ngắn gọn…

Tất cả những khác biệt, những đặc trưng biểu hiện hình thức của hành động cầu khiến trong thơ tình nói trên sẽ được chúng tôi trình bày chi tiết trong các tiểu mục thuộc Chương 2.

Một phần của tài liệu Hành động cầu khiến trong thơ tình (khảo sát dựa trên cứ liệu tuyển tập thơ tình việt nam thế kỷ XX) (Trang 32 - 35)