Vai trò của phương tiện ngữ điệu cầu khiến trong thơ tình

Một phần của tài liệu Hành động cầu khiến trong thơ tình (khảo sát dựa trên cứ liệu tuyển tập thơ tình việt nam thế kỷ XX) (Trang 64 - 67)

2. Cầu khiến trực tiếp bằng các phương tiện ngữ pháp

2.4.2. Vai trò của phương tiện ngữ điệu cầu khiến trong thơ tình

Bỏ qua yếu tố dấu câu trên bề mặt văn bản, ngữ điệu ở đây được chúng tôi đề cập ở phương diện ngữ điệu khi đọc thơ của người tiếp nhận (cũng là một đối ngôn). Như đã trình bày, rằng cũng như âm nhạc thơ là để trình diễn, được

đọc lên thành tiếng, dù đọc thầm cho mỗi mình nghe thôi cũng vẫn là đọc thành tiếng trong đầu mình. Đối tượng tiếp nhận của thơ đa dạng, nhiều người với nhiều trạng thái tiếp nhận (chi phối cảm xúc), nhiều hoàn cảnh tiếp nhận, nhiều năng lực tiếp nhận khác nhau… vì vậy mà chắc chắn ngữ điệu cũng tùy theo từng đối tượng mà khác nhau. Song, vấn đề là vai trò ngữ điệu đối với hành động ngôn hành cầu khiến trong thơ tình là như thế nào, có rõ ràng không, có quan trọng không và tại sao.

Ngữ điệu xét ở phương diện giọng đọc (âm lượng và tính chất của việc đọc), trong thơ nói chung, trong thơ tình nói riêng là quan trọng đối với việc hiểu, cảm hoặc truyền cảm (truyền cảm hứng) cho chính mình, cho chính bài thơ, cho người được nghe đọc thơ… nhưng không có vai trò quan trọng và không chi phối rõ ràng (đúng hơn là không chi phối) đến nghĩa tình thái, hay nghĩa nội dung của hành động cầu khiến trong thơ. Bởi lẽ, giọng điệu của một bài thơ vốn là một yếu tố ổn định, được đặc trưng bởi nhạc điệu, nhịp điệu, vần điệu, các kết cấu tu từ mang tính ngữ pháp (điệp, song song…). Cái vỏ âm thanh trong thơ là thứ “ngôn ngoại” để chuyên chở cái “ý tại” (cũng đã được chủ thể trữ tình giả định sẵn).

Nói rõ hơn, ngữ điệu của người đọc thơ có tác dụng cộng hưởng, lan truyền cảm xúc, nội dung cảm xúc tới người đọc nhưng không có tác dụng làm thay đổi lực ngôn trung của hành động ngôn trung cầu khiến trong thơ. Không thể đọc để biến nó từ cầu thành khiến hoặc ngược lại, hay giảm hay tăng lực cầu, lực khiến như trong trường hợp:

- Đi nào (dục dã)

- Đi nàooooooooooooo (kéo dài giọng rủ rê)

- Đi nào ↑ (ra lệnh)

Trong thơ, dù đọc lên hay xuống giọng, ê a hay dứt khoát cũng chỉ làm thay đổi trạng thái cảm xúc của người đọc, người nghe (hoặc sẽ là đọc sai, không đúng với dụng ý nghệ thuật của văn bản nghệ thuận nên sẽ không tính đến)…

mà không ảnh hưởng đến lực của hành động ngôn trung trong văn bản (kể cả hành động ngôn trung cảm thán hay nghi vấn, vốn rất nhạy cảm với yếu tố ngữ điệu). Chẳng hạn một hành động ngôn trung cảm thán:

Kim lang ơi! Hỡi Kim lang

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây

(Nguyễn Du, Truyền Kiều)

Tự trong bản thân sự tổ chức ngôn từ và nhịp điệu (3/3; 2/6 hoặc 3/3; 2/2/2/2) đã làm nên lực ngôn trung cảm thán của ý thơ. Dù người đọc có kéo dài giọng rên rỉ hay chỉ đọc diễn cảm bình thường (trường hợp đọc giật giọng như cầu khiến hoặc đều đều giọng là trường hợp đọc sai văn bản nghệ thuật) cũng chỉ làm tăng hay giảm cảm xúc người đọc, người nghe đối với lời than của Kiều, không thể thay đổi lực ngôn trung của lời than này (không làm Kiều đau khổ hơn hay ngược lại).

Đối với hành động cầu khiến trong thơ tình cũng thế:

Em đừng hoài nghi khi thấy tôi im lặng Ngồi bên em như đứa trẻ lỗi lầm

(Hoàng Cát, Tôi yêu em – tr.153)

Yêu mến ạ, xin đừng buồn em nhé

Dòng nước trôi đi, hạt nước lại rơi về…

(Nguyễn Duy, Sông Thao – tr. 183)

Em ơi uống trọn cốc trời

Không gian mưa lọc, rót ngời nắng chan

(Đặng Hiền, Uống – tr. 223)

Những ví dụ trên, dù dùng ngữ điệu như thế nào (trầm, bổng, lên, xuống) đều không thể làm thay đổi lực ngôn trung cầu khiến. Chưa kể đến ngữ điệu trong thơ đã được định khuôn trong nhạc điệu chung của bài thơ, muốn dùng ngữ điệu cũng không thể tùy tiện (chẳng hạn trường hợp vần bằng ở cuối câu thơ, mà vần của thơ chủ yếu là vần bằng, thì có muốn lên giọng cũng không

thể thành công). Trong một số trường hợp, ngữ điệu cũng có một vai trò nhất định:

Mau với chứ, vội vàng lên với chứ ! Em, em ơi, tình non đã già rồi Con chim hồng, trái tim nhỏ của tôi Mau với chứ! Thời gian không đứng đợi. ...Gấp đi em, anh rất sợ ngày mai

Đời trôi chảy lòng ta không vĩnh viễn. ....

Mau với chứ, vội vàng lên với chứ ! Em, em ơi, tình non đã già rồi

(Xuân Diệu, Giục giã - tr. 34)

Trong trích dẫn trên, ngữ điệu nhanh, gấp gáp của người đọc ngoài việc tạo hiệu ứng cộng hưởng cảm xúc thì còn có thể phần nào thay đổi lực ngôn trung từ khuyên đến giục giã, đến đề nghị (cầu khiến)... nhưng sự thay đổi đó cũng chỉ thiên về cảm giác, không đáng kể.

Tóm lại, theo chúng tôi, trong thơ nói chung, trong thơ tình nói riêng, ngữ điệu không có vai trò rõ ràng đối với hành động cầu khiến, nó không phải là dấu hiệu biểu hiện, cũng không thể làm thay đổi lực ngôn trung của nội dung ý muốn. Vì vậy, trong luận văn, chúng tôi không làm việc với ngữ điệu, cũng không khảo sát dựa trên phương tiện dấu hiệu này.

Một phần của tài liệu Hành động cầu khiến trong thơ tình (khảo sát dựa trên cứ liệu tuyển tập thơ tình việt nam thế kỷ XX) (Trang 64 - 67)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(136 trang)
w