3. Cầu khiến gián tiếp bằng hành động ‘nghi vấn cầu khiến’ 1 Hành động nghi vấn cầu khiến trong tiếng Việt
3.2. Hành động nghi vấn cầu khiến trong thơ tình
Sự khu biệt của hành vi ngôn từ trực tiếp và gián tiếp được các nhà nghiên cứu về hành vi ngôn từ đề xuất chủ yếu dựa trên khái niệm “hàm ý hội thoại”
của Grice. Một hành vi ngôn trung được coi là trực tiếp nếu người nói hiển ngôn bộc lộ ý định cầu khiến của mình và người nghe có thể tri nhận nó trực tiếp từ phát ngôn mà không phải qua một quá trình suy ý nào cả. Ngược lại, một hành vi cầu khiến được coi là gián tiếp nếu người nói che dấu ý định cầu khiến của mình dưới một hình thức ngôn trung khác, để nhận thức được nó, người nghe phải thực hiện một sự suy luận, suy ý.
Thơ - vốn đặc trưng bởi tính chất hàm ngôn, suy ý này (ý tại ngôn ngoại). Một phát ngôn thơ, ngoài nghĩa tường minh được nói ra, trực tiếp trên câu chữ còn có những nghĩa hàm ẩn, không được nói ra trực tiếp. Theo Grice, những hàm ngôn ấy có được là do người nói cố ý vi phạm nguyên tắc và phương châm cộng tác; và người lĩnh hội thơ chính là người biết được và tuân theo những
chấp ước điều hành ngữ nghĩa thơ đặc thù ấy. Thông tin quan trọng nhất của thơ không phải là thông tin bề mặt mà là thông tin ngầm ẩn. Phát ngôn cầu khiến trong thơ được thông qua các hành động ngôn trung khác (cụ thể là hành động nghi vấn) chính là dựa trên đặc điểm nguyên tắc này của thơ.
Như vậy, giống với phát ngôn hội thoại, hành động cầu khiến trong thơ tình cũng được bày tỏ gián tiếp thông qua một hành động ngôn trung khác như nghi vấn, trần thuật (trong một số trường hợp có cả hành động ngôn trung cảm thán) mà có đích là cầu khiến. Nhưng ở đây chúng tôi không khảo sát các phát ngôn trần thuật, cảm thán… chúng tôi xem xét loại câu này trên cơ sở khả năng có thể thêm (hay không thể thêm) các phương tiện đánh dấu hành động cầu khiến (hãy, đừng, chớ…). Nghĩa là, thừa nhận sự vắng mặt lâm thời (để phù hợp với sự chi phối của quy tắc thơ: số lượng chữ, vần, thanh) của các phương tiện này… nhưng chúng ta hoàn toàn có thể thêm chúng vào đúng vị trí cấu trúc đã được xác định. Chẳng hạn:
Thôi anh đã ngán tự do
Em về mà quản → (Em/ hãy/ về mà quản)
Cho dù sông rộng lắm Con đò trăng muộn màng Nều em dành giải yếm Bắc nhịp cầu ta sang
Thì bóng ơi, uống nữa → (…Thì bóng ơi /hãy/ uống nữa…cho…) Cho với dòng tràng giang
Dốc cạn lòng thương nhớ Cho sông còn một gang
(Duy Khoát, Rượu mặn – tr. 263)
Trong 115 hành động cầu khiến mà chúng tôi khảo sát được từ tập Tuyển tập thơ tình Việt Nam thế kỷ 20, có 30 hành động nghi vấn mang đích cầu khiến (hành động nghi vấn - cầu khiến), chiếm tỷ lệ 26%. Chúng tôi gộp cả những phát ngôn nghi vấn phủ định (hoặc có dấu hiệu nghi vấn phủ định) với sự có mặt của những ngôn từ chi, làm chi, gì, làm gì…Việc nhận diện các phát ngôn nghi vấn này chúng tôi dựa vào (và bắt buộc phải dựa vào) ngữ cảnh rộng của tứ thơ, chứ không chỉ dựa vào ngữ cảnh hẹp (ngữ cảnh cấu trúc) của câu hỏi như tác giả Vũ Thị Thanh Hương [41] khi nghiên cứu phát ngôn hội thoại. Chẳng hạn, hành động ngôn trung cầu khiến sau:
Hai thôn chung với một làng
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?
(Nguyễn Bính, Tương tư – tr.13)
Đây trước hết là một hành động nghi vấn, nghĩa bề mặt là hai thôn chung với một làng, gần lắm, sao bên ấy chẳng sang bên này chơi?. Hành động này được nhận diện là một hành động cầu khiến khi nó được đặt trong ngữ cảnh toàn bộ bài thơ, nhất là trong tứ thơ với tâm sự ước mong của người đang yêu chờ người yêu; cũng bởi tiếp theo đó là lời trách móc rất đáng yêu:
Bảo rằng cách trở đò giang
Nhưng đây cách một đầu đình
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi? (Nguyễn Bính, Tương tư – tr.13) Vậy là đã rõ, hình thức lời nói là nghi vấn nhưng đích của nó là lời nhắn nhủ, lời mời, một lời tỏ tình rất dễ thương (hành động nghi vấn - cầu khiến).
Dưới đây là một số kiểu biểu hiện của hành động nghi vấn - cầu khiến trong thơ tình, theo khảo sát của chúng tôi. Xin đi sâu vào những biểu hiện mang tính đặc thù và phổ biến trong thơ, khác với những biểu hiện tương tự của nó trong hội thoại, những trường hợp khác chỉ điểm qua.