2. Cầu khiến trực tiếp bằng các phương tiện ngữ pháp
2.1.2. Các vị từ tình thái “hãy, đừng, chớ” trong thơ tình
Do khả năng, vai trò của các tác tử cầu khiến hãy, đừng, chớ đối với hành động ngôn trung cầu khiến đã được chỉ ra và thừa nhận như đã nói ở trên (một yếu tố cần thiết và hiển nhiên) nên biểu hiện của chúng trong thơ tình cũng không phức tạp nhưng mang nhiều đặc trưng thể loại.
Về cấu tạo, phát ngôn cầu khiến có chứa các vị từ tình thái hãy, đừng, chớ
nằm trong mô hình câu:
C1=D2/ Dg - Vttck - V(p) - Tck
(Trong đó: D2, Dg là danh từ/ đại từ ở ngôi2, ngôi gộp; Vttck: Vị từ tình thái cầu khiến ;
V(p) : Vị từ, động từ có phần phụ tố Tck : Tiểu từ cầu khiến: đi, thôi, nào)
Mô hình câu này gồm: danh từ/đại từ ngôi 2 hoặc ngôi gộp, đại diện cho đối ngôn (người nghe) làm đề ngữ (chủ ngữ) kết hợp với phương tiện ngữ pháp biểu thị ý nghĩa cầu khiến đi kèm theo vị từ làm thuyết ngữ (vị ngữ) của câu:
(1) Nếu anh muốn về nơi xưa hò hẹn Hãy nói lời phụ bạc với em đi
(Trần Kim Hoa, Quá khứ chân thành – tr. 228)
(2) Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé! Để lòng buồn anh dạo khắp trong sân Ngó lên tay thuốc lá cháy lụi dần, Anh nói khẽ: “Gớm, sao mà nhớ thế!”
(Hồ Dzếnh, Ngập ngừng – tr.29)
(3) Anh van em chớ sầu trong mắt biếc Cho hồn ai thôi nhớ chút ly hương
(Đinh Hùng, Tiếng dương cầm – tr.53)
Vị trí của các tiểu từ tình thái hãy, đừng, chớ là đứng trước động từ trung tâm của cú: (1) Hãy nói; (2) đừng đến; (3) chớ sầu.
Tuy nhiên, cấu trúc của thơ là một cấu trúc đặc biệt với nhiều thủ pháp nghệ thuật, nhiều biện pháp tu từ được sử dụng mang cá tính sáng tạo của mỗi nhà văn. Cấu trúc đó còn bị chi phối với các quy tắc thơ, bởi nhạc điệu, nhịp điệu, vần… nên các mô hình cấu trúc ngữ pháp bình thường mà các nhà nghiên cứu đã xác định chỉ có giá trị tương đối với thơ, về cơ bản cốt lõi thì được giữ lại nhưng hiện tượng đảo từ, đảo ngữ, đảo các vị trí cấu trúc là không tránh khỏi. Vì vậy, mô hình cấu trúc phát ngôn cầu khiến có chứa các vị từ tình thái hãy, đừng, chớ nêu trên cũng chỉ có giá trị tương đối về vị trí và cả về tính chất của các vị trí (nhất là vị trí D2/Dg: danh từ, đại từ đại diện cho đối ngôn làm chủ ngữ), ví dụ:
Xin gió lạnh đừng lật nghiêng vành nón Kẻo tôi nhìn thấy nước mắt em rơi…
(Vũ Đình Minh, Hội lim – tr. 302)
Hãy yên nghỉ hỡi trái tim khổ ải ngoài kia sao sa
ngoài kia gió xoáy …
Hãy ngủ yên mùa thu thăm thẳm Đáy mùa thu mây trắng vĩnh hằng
(Tuyết Nga, Dòng sông đã chảy – tr. 315)
Về số lượng và tần số xuất hiện, có thể khẳng định các tác tử tình thái cầu khiến hãy, đừng là những phương tiện đánh dấu biểu hiện hành động ngôn trung cầu khiến vào loại cao (chiếm khoảng 70% dấu hiệu hình thức nhận diện phát ngôn cầu khiến trong thơ tình). Ở đây, chúng tôi xin tính cả những phát ngôn vắng mặt lâm thời các từ hãy / đừng (nhiều nhà nghiên cứu cho đây là những phát ngôn có tác tử zero - Ø). Những phát ngôn này được chúng tôi xem xét dựa trên cơ sở có thể thêm các vị từ hãy, đừng vào vị trí khuyết. Ví dụ phát ngôn Đi về! Mưa đến nơi rồi được nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nó chứa tác tử Ø, nhưng chúng tôi xem đây là phát ngôn cầu khiến chứa tác từ hãy, đừng
(vắng mặt lâm thời và có khả năng thêm vào): Hãy đi về! Trời mưa rồi.
Trong thơ:
Em ơi, (hãy) nhẹ cuốn bức rèm tơ Tìm thử chân mây khói toả mờ Có bóng tình quân muôn dặm ruổi Ngựa hồng tuôn bụi cõi xa mơ.
(Thanh Tịnh, Mòn mỏi – tr. 109)
Tạm về nơi ấy mà thương
Chật nhà thì (hãy) nép, chật đường thì (hãy) chen
(Lương Ngọc Lan, Ngõ tạm thương – tr. 127
Đã yêu thì (hãy) yêu như lửa đốt Cây cành nào cũng phải cháy ra tro
Cũng về tần số xuất hiện, tác tử cầu khiến chớ xuất hiện rất ít trong hành động cầu khiến ở thơ tình (chỉ có ở 5 bài), trong khi đừng lại xuất hiện rất nhiều (39/115 bài). Điều này có thể giải thích là do sắc thái ý nghĩa tình thái tự thân của từ chớ khác với từ đừng. Chớ ngoài sắc thái ngôn trung ngăn cấm, khuyên như đừng nó còn mang sắc thái tình thái đe dọa, cảnh báo. Có lẽ vì thế mà số lượng cuất hiện của nó trong hành động cầu khiến của tình yêu là rất khiêm tốn và trong những lần xuất hiện, sắc thái ý nghĩa ngôn trung này đã được làm giảm bớt bằng sự kết hợp với động từ ngôn hành xin (xin chớ), van (van chớ):
Giữa lồng ngực già nua
lại đập khoẻ một trái tim cường tráng Đó là điều dễ dàng của y học thế kỷ 20 Nhưng chỉ nên là nghĩa đen thôi
xin chớ là nghĩa bóng
(Định Hải, Trái tim người khác – tr. 214)
Đường duyên dẫu lắm khúc vòng Van em, em chớ mủi lòng thương tôi.
(Lê Quốc Hán, Dỗi – tr. 214)
Trường hợp chớ giống trường hợp tác tử tình thái có sắc thái khuyên bảo, khuyên nhủ (có tính bề trên) của từ nên. Cũng vì lẽ đó mà nên chỉ xuất hiện trong khảo sát của chúng tôi có 2 lần.
Về ý nghĩa tình thái, sự hành chức của các phụ từ hãy, đừng, chớ trong thơ tình khác với sự hành chức của nó trong phát ngôn hội thoại giao tế. Lực ngôn trung của chúng khi hành chức trong thơ được làm giảm nhẹ hơn nhiều bởi chính những động từ mà nó kết hợp, bởi những yếu tố phụ gia đi kèm với một kết cấu thơ phức hợp. Đặc biệt là đối với vị từ đừng, nét nghĩa mang sắc thái cấm đoán gần như không xuất hiện trong thơ, mà chủ yếu là khuyên bảo,
khuyên nhủ, hoặc phủ định để bày tỏ một mong cầu. Vấn đề này sẽ được chúng tôi phân tích kỹ ở Chương 3, về yếu tố lực ngôn trung cầu khiến.
2.2. Các tiểu từ tình thái: thôi, nhé, đi, chứ, nào, với…
Các tiểu từ tình thái thôi, nhé, đi, chứ, với, đã, nào… chuyên đứng cuối câu để trợ giúp tính biểu cảm cho lực ngôn trung cầu khiến. Vai trò, khả năng của chúng đối với phát ngôn cầu khiến đã được nhiều nhà nghiên cứu thừa nhận [2, 9, 33, 46…]. Theo sách Ngữ pháp tiếng Việt của UBKHXH, 1983: “Các từ đi, nào đặt ở vị trí cuối câu cũng có thể dùng làm phụ từ biểu thị sự cầu khiến”. Diệp Quang Ban cho rằng câu mệnh lệnh đích thực là câu có phụ từ tạo ý mệnh lệnh như hãy, đừng, chớ đứng trước vị từ và đi, thôi, nào đứng sau vị từ. Hoàng Trọng Phiến khẳng định phương tiện cầu khiến có mặt các hư từ (hãy, đừng, chớ, nghe, cứ, chứ nào…) trong cấu trúc.
Về cấu tạo, phát ngôn cầu khiến có chứa các tiểu từ tình thái đi, thôi, nào, nhé… thường nằm trong mô hình câu:
C1=D2/ Dg - Vttck - V(p) - Tck
(Trong đó: D2, Dg là danh từ/ đại từ ở ngôi 2, ngôi gộp; Vttck: Vị từ tình thái cầu khiến ;
V(p) : Vị từ, động từ có phần phụ tố Tck : Tiểu từ cầu khiến: đi, thôi, nào)
Trong mô hình câu này, các tiểu từ tình thái nằm ở cuối câu:
- Em nhớ lời tôi dặn nhé!
- Chúng mình lên trường xem văn nghệ đi!
Trong thơ, vị trí này có thể bị đảo lộn nhằm mục đích tạo các hiệu ứng nghệ thuật khác nhau tùy theo dụng ý của nhà thơ:
Ta như hai đứa trẻ nghèo
Quả ngon chỉ dám nâng niu đứng nhìn Đừng bao giờ nhé chín thêm
Sợ tan mất giấc mơ em – một thời…
(Phan Thị Thanh Nhàn, Không đề - tr. 321)
Muộn màng rồi phải không anh Thôi thì hãy giữ yên lành cho nhau
(Thái Dương Liễu, Muộn – tr. 276)
Dấn lên tý nữa cho vừa
Ừ thì em hứng anh đưa ngại nào
(Nguyễn Văn Chương, Hứng dừa – tr. 170)
Mau với chứ, vội vàng lên với chứ ! Em, em ơi, tình non đã già rồi
(Xuân Diệu, Giục giã – tr. 34)
Về số lượng và tần số xuất hiện, trong các tiểu từ tình thái nêu trên thì chỉ có ba tiểu từ tình thái đi, thôi, nhé là có số lượng và tần số xuất hiện cao. Đây cũng là điều phù hợp với tính phổ biến của chúng trong hành chức hội thoại.
Đi được các nhà Việt ngữ thừa nhận là tác tử cầu khiến chuyên dụng. Phát ngôn cầu khiến chứa tác từ này, một mặt có nội dung mệnh đề với phạm vi ngữ nghĩa rất rộng, mặt khác có khả năng biểu đạt tất cả các sắc thái ngữ nghĩa cầu khiến (từ dứt khoát đến các sắc thái yếu nhất). Trong thơ, tác tử đi thường đứng ngay sau động từ để trợ lực ngôn trung cầu khiến cho động từ đi trước nó (thường là hành động ngôn trung khuyên):
Ngủ đi em, mộng bình thường !
Ru em sẵn tiếng thuỳ dương mấy bờ…
(Huy Cận, Ngậm ngùi – tr.22)
“- Chiêm nương ơi, cười lên đi em hỡi! Cho lòng anh quên một chút buồn lo!
(Chế Lan Viên, Đêm tàn - 121)
Gió ơi dùm nói nhỏ Tới vạn nụ hoa hồng
- Nở đi hoa có biết Tình yêu đến rồi không?
(Đoàn Lê, Bói hoa – tr. 271)
Anh về đi kẻo người mong
Chắc là con trẻ còn mong móng nhiều
(Thái Dương Liễu, Muộn – tr. 276)
Theo khảo sát của chúng tôi, tác tử nhé thường đứng trong phát ngôn cầu khiến phủ định mang hàm ý cầu khiến là đề nghị, yêu cầu, mong muốn... một ai đó làm một điều gì đó. Nhé thường có mặt trong các phát ngôn có vị từ tình thái hãy, đừng (hãy... nhé; đừng... nhé) với tác dụng làm nhẹ hơn cường độ lực ngôn trung cầu khiến. Trong thơ tình, nó xuất hiện nhiều, phù hợp với vai trò sắc thái tự thân của nó là mang tính chất âu yếm hơn, thân tình hơn, tha thiết hơn khi yêu cầu, để nghị hay bày tỏ mong muốn về một điều gì đó hoặc ai làm cho điều gì đó.
Một số ví dụ:
Đợi đến luân hồi sẽ gặp nhau Cùng em nhắc lại chuyện xưa sau Chờ anh dưới gốc sim già nhé ! Em gái, đưa anh... đoá mộng đầu.
(Lưu Trọng Lư, Một chút tình – tr. 76)
Tôi gửi niềm nhớ thương Em mang dùm tôi nhé
(Quang Dũng, Đôi mắt người Sơn Tây – tr.178)
Đi cùng anh nhé, em ơi
Mà nghe thông hát suốt đồi Thiên An
(Hải Kỳ, Tôi và em với Thiên An – tr. 268)
Phụ từ cuối cùng mà chúng tôi muốn đề cập là tác tử cầu khiến thôi: Theo khảo sát, nhận định, đánh giá của chúng tôi, tiểu từ tình thái thôi xuất hiện rất
đặc biệt trong thơ tình với mật độ cao. Nó có thể kết hợp với động từ nhằm biểu thị hàm ý đề nghị, yêu cầu, rủ rê ai đó làm điều gì đó:
Hơi đàn buồn như trời mưa Các anh tắt nốt âm thừa đi thôi
(Thâm Tâm, Gửi các anh – tr. 90)
Muộn màng rồi phải không anh Thôi thì hãy giữ yên lành cho nhau
(Thái Dương Liễu, Muộn – tr. 276)
Hoặc có thể nằm trong cấu trúc câu có chứa vị từ tình thái hãy, đừng (thôi...hãy; thôi... đừng) để trợ lực cho hành động ngôn trung cầu khiến:
Thôi đừng bận tâm về những gì sẽ đến Chỉ biết lúc này ta đang ở bên nhau
(Trần Đăng Khoa, Matxcơva mùa đông 1990 – tr. 260)
Thôi anh đã ngán tự do Em về mà quản
(Vân Long, Khi vợ vắng nhà – tr. 281)
Gió ơi gió
Chiều nay thôi đừng rủ Cây ơi cây
Thôi lá rụng im lìm
(Trần Quang Quý, Viết tặng em trong căn nhà chật – tr. 275) Hoặc có khi nó kết hợp với thì, đành… tạo sắc thái bị động, buông xuôi, miễn cưỡng cho một lời cầu khiến:
Thì thôi! Em cứ khao khát Không cùng như tháng năm
(Vân Long, Người ấy – tr. 280)
Đành thôi! Bằng sự im lìm
(Trần Nhuận Minh, Chiêm bao – tr. 300)
Về tiểu từ tình thái thôi của hành động ngôn trung cầu khiến trong thơ tình, còn nhiều điều đặc biệt (đặc biệt về sắc thái tình thái mà nó thể hiện khi đứng một mình hoặc khi kết hợp với các tác tử tình thái cầu khiến khác như thôi… đừng, thôi… hãy; khi kết hợp với động từ: V + thôi, thôi + V…) song khuôn khổ luận văn không cho phép chúng tôi giải quyết. Chỉ xin khẳng định nó trong vai trò là một phương tiện đánh dấu lực ngôn trung như đã nói ở trên. Nếu có dịp, chúng tôi sẽ quay lại với vấn đề.