Hiệu lực cầu khiến trong thơ tình

Một phần của tài liệu Hành động cầu khiến trong thơ tình (khảo sát dựa trên cứ liệu tuyển tập thơ tình việt nam thế kỷ XX) (Trang 121 - 126)

- Động từ nhắc + gì, làm gì, chi, làm ch

4. Hiệu lực cầu khiến trong thơ tình

Chúng tôi dùng khái niệm hiệu lực cầu khiến là để gọi chung cho hai yếu tố có mối quan hệ mật thiết với nhau mà các nhà nghiên cứu về hành động cầu khiến đã chỉ ra, gọi tên: a) Yếu tố tính cấp thiết của việc thực hiện nội dung cầu khiến; b) và yếu tố hành động đáp lại của vai trao.

Hai yếu tố này, vì mối quan hệ tự thân của chúng, theo chúng tôi, có thể đặt vào một phạm trù gọi chung là hiệu lực cầu khiến. Bởi vì, tính cấp thiết là một yếu tố ngữ nghĩa có vai trò rất quan trọng đối với hiệu quả ngôn trung giao tiếp, nó liên quan trực tiếp đến hành động đáp lời của vai nhận; tính cấp thiết là động cơ, là nguyên nhân, là nguyên cớ của việc đưa ra một nội dung hành động cầu khiến nào đó, là lợi ích của việc thực hiện hành động cầu khiến đó. Vai nhận sẽ trên cơ sở tính cấp thiết này mà đưa ra sự hồi đáp (như ý hay không như ý, sớm hay muộn…) đối với nội dung cầu khiến của người trao.

Trong thơ tình, cường độ lực ngôn trung, như đã trình bày, là cường độ nhẹ với yếu tố cầu rất cao (thỉnh cầu, khẩn cầu, cầu mong…); yếu tố khiến thấp. Vì vậy, tính cấp thiết của việc thực hiện nội dung cầu khiến trong thơ tình là sự

mong muốn của vai trao từ phía vai nhận một hành động ứng xử: a) Tình huống đòi hỏi cần thiết phải hành động (cấp thiết cao):

Tình yêu cũng cần gia vị

Nếu không, đừng nói đến tình yêu.

(Yên Thao, Chỉ cần – tr. 406)

Giữ tình yêu như giữ lửa

Đừng quên, đừng tàn, đừng nguôi!

(Đỗ Trung Lai, Đêm sông Cầu – tr. 272)

b) Phù hợp với quan hệ cá nhân của vai nhận đối với vai trao:

Chỉ có điều - con gái của mẹ ơi

Nếu con gặp được người con yêu nhất Đừng bao giờ để mất, nghe con.

(Nguyễn Thị Hồng Ngát, Viết cho con gái – tr. 318) c) Phù hợp với các chuẩn mực quy ước của xã hội:

Đừng nhìn em cái nhìn như lửa Hai chúng ta đã có vợ có chồng

Tôi có vợ. Em có chồng

Cả hai cùng sắp nên ông, nên bà Một xa thì đã là xa

Giày vò nhau nữa để mà làm chi

(Trần Nhuận Minh, Chiêm bao – tr. 300) c) Phù hợp với lẽ tự nhiên:

Anh ơi, đừng khen hoa đẹp Sớm mưa chiều nắng chóng tàn Anh ơi, đừng khen em đẹp Thời gian cơn lốc phũ phàng

(Trần Anh Trang, Không đề - tr. 449) d) Mang lại lợi ích cho vai nhận:

Thì thôi ! Em cứ khao khát Không cùng như tháng năm

(Vân Long, Người ấy – tr. 280)

e) Vì lợi ích của vai trao nhưng không làm ảnh hưởng lợi ích của vai nhận:

Để anh xào xạc với rừng

kẻo giây lát nữa chưa chừng sẽ thu Để anh ào ạt với hồ

Chút thôi nắng lụa là vừa sang đêm

(Vũ Duy Thông, Một chút bi quan – tr. 422) f) Mang lại lợi ích cho cả vai trao và vai nhận:

Em à, đi bộ bên anh nhé

Đi mãi vòng quanh trái đất tròn đời sống trăm năm trừ mấy chục bình minh đi suốt tới hoàng hôn

(Trần Vấn Lệ, Rủ em đi bộ - tr. 291)

Ta hãy làm áo ấm sưởi lòng nhau

(Lữ Huy Nguyên, Những câu thơ viết khi em đang ngủ - tr. 328)

Khi tiếp nhận một hành vi cầu khiến, vai nhận S2 bao giờ cũng dựa vào tính cấp thiết khi S1 cầu khiến; dựa vào khả năng thực hiện hành động P của mình, dựa vào tính chân thành của S1… để đưa ra một quyết định: chấp thuận hay từ chối lời cầu khiến của vai trao. Trong hội thoại, như vậy là S2 đã thực hiện một hành động tư duy, tức hành động P1. Hành động này là tiền đề cho hành động tiếp theo. Nếu S2 từ chối mong muốn của S1, thì hành vi cầu khiến chỉ có hiệu lực bậc một (S2 chỉ thực hiện hành động tư duy). Hành vi cầu khiến này trong hội thoại được quy ước là hành vi cầu khiến hẫng (không có hiệu lực cầu khiến).

Hiệu lực cầu khiến trong thơ tình không thể tính theo phương cách đó. Bởi một lẽ, cầu khiến trong thơ tình được hiểu như là một phương thức tu từ, giá trị của nó là giá trị ngầm ẩn, giá trị nằm sau bề mặt câu chữ. Vai nhận (S2) và một sự quy chiếu ngầm ẩn đối với từng loại vai trao (S1) như đã trình bày ở yếu tố ngữ nghĩa vai trao, vai nhận. Vì thế, hành động đáp lại của S2 cũng là một yếu tố ngầm ẩn, không tường minh (trừ các văn bản thơ mang tính hội thoại, và vai trao, vai nhận là những nhân vật trữ tình cụ thể).

Hiệu lực cầu khiến của hành động cầu khiến trong thơ tình là một hiệu lực mang giá trị tu từ mà cao nhất, là sự đồng cảm giữa nhà thơ và bạn đọc, giữa những người cùng tiếp xúc với văn bản thơ… Bởi thơ là ngôn ngữ vượt trên tiếng nói truyền thông. Hiểu thơ không phải qua từ ngữ, mà phải cảm nhận với tác giả bằng trái tim của mình. Người làm thơ có quyền viết mạnh, nhưng cũng có bổn phận phải chuyên chở vì thơ chính là người đọc. Đọc để đi tìm chính mình. Tìm lấy cái rung động, cái kinh nghiệm, và cảm giác của trái tim mình. Thói xấu của phần đông những người đọc thơ là tìm nghĩa trước khi tìm cảm giác. Họ đã tự tay đóng cửa lâu đài huyền bí mang tên thơ.

Sứ mệnh của thi ca và nhà thơ là tạo nên chấn động thẩm mỹ và niềm hứng khởi trong tâm hồn người tiếp nhận để làm nảy sinh, hình thành những hạt mầm niềm tin giữa muôn vàn sự đổ vỡ, bất hạnh. Làm được điều đó, đích ngôn trung giao tiếp của thơ đã đạt ngưỡng, hiệu lực giao tiếp trong thơ (trong đó có hiệu lực cầu khiến) đã được phát huy đến tận cùng.

5. Tiểu kết

Cấu trúc nội dung ngữ nghĩa của hành động cầu khiến trong thơ tình là hệ thống phạm trù các yếu tố: a) Vai trao lời cầu khiến; b) Vai nhận; c) Lực ngôn trung cầu khiến; d) Nội dung cầu khiến; e) Hiệu lực cầu khiến.

Đặc điểm biểu hiện các yếu tố ngữ nghĩa thuộc cấu trúc nội dung của hành động cầu khiến trong thơ tình bị chi phối mạnh mẽ bởi đặc trưng thể loại nghệ thuật thơ ca, vì vậy có những điểm khác biệt với các yếu tố tương ứng trong cấu trúc nội dung một hành động cầu khiến hội thoại giao tế. Những điểm khác, đặc trưng, đặc biệt này nằm trong bản chất biểu hiện của mỗi một yếu tố:

a) Vai trao và vai nhận

Quy chiếu vai trao-vai nhận của hành động cầu khiến trong thơ tình là quy chiếu luân phiên với những sự đổi vai liên tục và không còn đảm bảo tính duy nhất, tuyệt đối của công thức tôi- anh-bây giờ-ở đây, tạo ra hiện tượng phân vai và hiện tượng đa vai của cả chủ thể và khách thể cầu khiến.

b) Lực ngôn trung cầu khiến

Lực ngôn trung của hành động cầu khiến trong thơ tình là lực ngôn trung

khẩn cầu (xin) hay thỉnh cầu thuộc nhóm cầu mong (cường độ lực ngôn trung nhẹ với lực cầu lớn hơn lực khiến); phân biệt với các lực ngôn trung cầu khiến loại mạnh của nhóm khuyến lệnh (directives) được dùng trong các phát ngôn ngôn hành tường minh.

Các yếu tố chi phối đến cường độ lực ngôn trung cầu khiến trong thơ tình (theo chiều hướng tăng cầu giảm khiến) gồm: Các trợ từ tình thái (đi, thôi,

nhé…); cấu trúc cầu khiến mang tính rào đón, phức hợp với nhiều cú chính, cú phụ đan xen liên tiếp; và yếu tố vị thế giao tiếp.

c) Nội dung cầu khiến

Nội dung mệnh đề của hành động cầu khiến trong thơ tình hầu như không tường minh, nó là nội dung mang nghĩa nội hàm, và mang tính phổ quát lớn, đòi hỏi cả vai trao lẫn vai nhận phải có mối đồng cảm tương liên và phải có một vốn sống, vốn “yêu”, một kinh nghiệm (experience) đủ lớn mới có thể trao và nhận những nội dung này.

d) Hiệu lực cầu khiến

Hiệu lực cầu khiến trong thơ tình không tính theo hành động đáp trả của S2

(đồng ý, chấp nhận hay từ chối) như trong hội thoại giao tế; trong thơ tình hiệu lực cầu khiến mang giá trị tu từ, ngầm ẩn, biểu hiện cao nhất là sự đồng cảm giữa nhà thơ và bạn đọc, giữa những người cùng tiếp xúc với văn bản thơ…

KẾT LUẬN

Một phần của tài liệu Hành động cầu khiến trong thơ tình (khảo sát dựa trên cứ liệu tuyển tập thơ tình việt nam thế kỷ XX) (Trang 121 - 126)