Các động từ trạng thái “mong, muốn” trong thơ tình

Một phần của tài liệu Hành động cầu khiến trong thơ tình (khảo sát dựa trên cứ liệu tuyển tập thơ tình việt nam thế kỷ XX) (Trang 43 - 46)

1. Cầu khiến trực tiếp bằng các phương tiện từ vựng

1.2.2. Các động từ trạng thái “mong, muốn” trong thơ tình

Theo khảo sát của chúng tôi, trong số 115 bài thơ chứa hành động cầu khiến thì chỉ có 11 hành động cầu khiến xuất hiện những động từ mong, muốn trên bề mặt văn bản. Thực tế, con số 11/115 là quá ít so với hình dung của chúng tôi khi khảo sát. Giải thích cho điều này có thể là do ý nghĩa thực của các động từ

mong, muốn mang sắc thái bị động. Phát ngôn cầu mong được phân biệt với phát ngôn cầu khiến cũng từ đây: cầu khiến có tính chủ động hơn cầu mong. Con người có thể cầu khiến người khác thực hiện một hành động nào đó, nhưng không thể cầu mong chuyện gì xảy ra (là bắt buộc nó phải xảy ra), kể cả cầu mong ai đó làm việc gì cũng không nắm được phần chắc chắn là ai đó có chịu biết và chịu làm việc gì đó theo mong muốn của mình hay không. Trong tình yêu, sự thiếu chủ động, thiếu chắc chắn. sự chờ đợi có tính “cơ hội”, tính may mắn… như thế này là điều “kiêng kỵ”. Tình yêu có sự run rẩy, sự lo lắng, sự chờ đợi, có những mơ hồ dự cảm mong manh… nhưng tính chủ động của người đang yêu cũng là điều cần phải có. Có thể vì lẽ này mà trong thơ tình, số lượng và tần số xuất hiện của các động từ mong, muốn là tương đối khiêm tốn. Phát ngôn cầu mong đích thực (chỉ hoàn toàn là cầu, không có khiến) cũng không nhiều.

Trở lại với sự xuất hiện của các động từ mong, muốn trong thơ tình, theo khảo sát của chúng tôi, trong các hành động ngôn trung chứa chúng, nội dung ý muốn của một số hành động ngôn trung là cầu mong chuyện gì xảy ra (hoàn toàn là yếu tố cầu không có yếu tố khiến), một số ít trường hợp khác mang nội dung ý muốn là ai làm gì đó (ít nhiều xuất hiện yếu tố khiến song yếu tố cầu

vẫn lớn hơn).

Các trường hợp mang nội dung ý muốn là ai làm gì đó chủ yếu chứa các động từ muốn, một số trường hợp là động từ mong:

Có một lần em vô ý đánh rơi

Tôi nhặt vội nụ cười bên giếng nước …Thấp thỏm về sau rạo rực cõi lòng

Tôi mong em vô tình đánh rơi lần nữa

(Phan Anh Tùng, Nụ cười xưa – tr. 469)

Anh không xứng là biển xanh

Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng

(Xuân Diệu, Biển – tr. 37)

Mong em yêu và được yêu

Đừng như tôi chỉ một chiều tương tư…

(Phạm Đức, Đơn phương – tr. 195)

Trong một số trường hợp khác, nội dung ý muốn của hành động ngôn trung là ước cầu, mong muốn một chuyện gì đó xảy ra. Động từ mong xuất hiện nhiều trong hành động ngôn trung này:

Mỗi lần qua đoạn đường xưa

Chỉ mong một thoáng bất ngờ thấy em

(Trần Nhuận Minh, Chiêm bao – tr. 300)

Em muốn giữ chân không dám nói Sợ lời mềm yếu áo không quen

(Đinh Thị Thu Vân, Áo người yêu – tr. 486)

Ngoài ra, có một số trường hợp là phủ định của động từ muốn (không muốn). Mà phủ định của một động từ trạng thái có khi, mang ý nghĩa khẳng định điều ngược lại, không muốn thế này có thể là muốn thế kia. Mặt khác, riêng phủ định không muốn cũng mang ngầm ẩn trong nó một cầu mong (là ai đó đừng làm gì đó, điều gì đó đừng xảy ra). Vì vậy, không muốn, theo chúng tôi cũng là động từ có vai trò trong phát ngôn cầu mong:

Yêu nhau ai không muốn (-) Gần nhau và hôn nhau

Nhưng anh, anh không muốn (+) Hôn em trong tủi sầu!

Rõ ràng, phủ định không muốn ở đây cũng là sự bày tỏ một nguyện vọng, tức cũng là một sự cầu mong một điều gì đó. Tuy nhiên, không phải sự phủ định không muốn nào cũng có thể tạo thành ngôn hành cầu khiến (cầu mong). Từ ví dụ trên có thể thấy: không muốn (-) không phải động từ cầu mong (vì nó nằm trong ý gián tiếp), không muốn (+) mới là động từ trong hành động ngôn hành cầu mong (anh không muốn hôn em trong tủi sầu -> Anh muốn được chiến đấu trước hết vì hạnh phúc chung, anh muốn được hôn em trong niềm vui độc lập, thống nhất của nước nhà).

Tóm lại, sự có mặt các động từ mong, muốn trong hành động cầu khiến của thơ tình là một thực tế, dù lực ngôn trung mà chúng tạo ra trong hành chức mang yếu tố cầu mạnh, nhưng ý nghĩa cầu khiến vẫn xuất hiện trong các hành động cầu mong loại này bởi vì chúng biểu đạt ý nghĩa mong muốn; và về đặc tính, chúng đã gần với hành động cầu khiến và ý nghĩa cầu khiến đã được hàm ẩn trong ngữ cảnh thông báo. Nội dung vấn đề này chúng tôi sẽ giải quyết cụ thể hơn ở Chương 3.

Một phần của tài liệu Hành động cầu khiến trong thơ tình (khảo sát dựa trên cứ liệu tuyển tập thơ tình việt nam thế kỷ XX) (Trang 43 - 46)