Cấu trúc tỉnh lược chủ từ

Một phần của tài liệu Hành động cầu khiến trong thơ tình (khảo sát dựa trên cứ liệu tuyển tập thơ tình việt nam thế kỷ XX) (Trang 62 - 64)

2. Cầu khiến trực tiếp bằng các phương tiện ngữ pháp

2.3.3. Cấu trúc tỉnh lược chủ từ

Tính chất phiếm định thuộc bản sắc nội tại của thi ca. Về phương cách làm mơ hồ ý nghĩa, ngoài những biện pháp tu từ như so sánh, điển tích, ẩn dụ và hoán dụ mà chúng ta đã biết, còn có những phép tỉnh lược khác, xuất hiện trong lối nói hằng ngày và trong ngôn ngữ nghệ thuật. Có nhiều hình thức tỉnh lược, trong đó tỉnh lược chủ từ và tỉnh lược động từ là đặc trưng của thơ ca. Nhưng đối với hành động cầu khiến, điều quan trọng nhất là động từ nên sự tỉnh lược này không thể diễn ra. Nhưng sự tỉnh lược chủ từ lại xuất hiện trong rất nhiều trường hợp.

Giữ tình yêu như giữ lửa

Đừng quên, đừng tàn, đừng nguôi!

(Đỗ Trung Lai, Đêm sông Cầu – tr. 272)

Chừng mực với mọi điều

Với tình yêu xin đừng chừng mực!

(Vương Trọng, Triết lý tình yêu – tr. 457)

Trong giao tiếp hằng ngày những câu nói như Đi đâu đấy?, Làm việc đi…

không có chủ từ nhưng người nói biết chắc về đối tượng của mình (hoặc nói với người thân thuộc, hoặc muốn nói xẵng). Những câu tục ngữ như Ăn vóc học hay, Ăn quả nhớ kẻ trồng cây… thiếu vắng chủ từ với ngụ ý: ai làm chủ từ cũng được, kinh nghiệm sống hay bài học luân lý áp dụng cho tất cả mọi người. Trong thơ, sự cố tình lược bỏ chủ từ có những dụng ý khác: phiếm định

hóa để mở ra nhiều ý nghĩa, nhiều hình ảnh. Trường hợp ý thơ: Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách có bổ ngữ (complément) chỉ địa điểm và thời gian, người đưa khách có thể là Bạch Cư Dị, là Phan Huy Vịnh, là người đọc… Nhưng sự vắng mặt của chủ từ còn cho phép ta hiểu: có thể chính cái bến Tầm Dương ấy đang “đưa khách” trong đêm khuya, hoặc chính cái “canh khuya” ấy đang “đưa người” trên bến sông…

Phân tích như vậy để thấy, sự tỉnh lược chủ từ trong thơ đã đưa đến tình trạng nhập nhòe - nhưng không hỗn loạn - ý nghĩa, cũng như quy chiếu của vai trao, vai nhận. Và sự nhập nhòe ý nghĩa đã đưa đến những hình ảnh khác, những niềm riêng khác, những cảm xúc khác, những nhận thức khác… cho mọi tầng lớp độc giả. Trong thơ tình, theo khảo sát của chúng tôi, hiện tượng này khá phổ biến với dụng ý giống như đã phân tích. Một số ví dụ:

Tạm về nơi ấy mà thương

Chật nhà thì nép, chật đường thì chen Chật lòng cũng gắng đừng ghen

Chật chiều đừng ngại - đỏ đèn rồi sang

(Lương Ngọc Lan, Ngõ tạm thương – tr.127)

Tình yêu cũng cần gia vị

Nếu không, đừng nói đến tình yêu.

(Yên Thao, Chỉ cần – tr. 406)

Như vậy, khác với trong giao tiếp hội thoại, cả trong văn xuôi (cấu trúc một hành động cầu khiến là tương đối đơn giản và tường minh, chủ yếu là lời cầu khiến trực tiếp bằng một cấu trúc mệnh lệnh), hành động cầu khiến trong thơ tình có cấu trúc phức hợp hơn rất nhiều với những biểu thức rào đón, những cấu trúc trùng điệp, những cấu trúc phiếm chỉ đối ngôn…nhằm mục đích giảm cường độ lực ngôn trung nhưng vẫn đảm bảo tính khẩn thiết, tha thiết của lời thỉnh cầu.

Một phần của tài liệu Hành động cầu khiến trong thơ tình (khảo sát dựa trên cứ liệu tuyển tập thơ tình việt nam thế kỷ XX) (Trang 62 - 64)