4. Cơ sở lý thuyết, câu hỏi nghiên cứu, giả thuyết nghiên cứu đặt ra khi nghiên cứu đề tà
1.5.1. Các quy định pháp luật
Các văn bản pháp luật quy định trực tiếp về hoạt động kiểm soát giao dịch giữa công ty với người có liên quan được tìm thấy trong pháp luật về công ty, quy tắc quản trị của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán, pháp luật kế toán. Theo nguyên tắc áp dụng pháp luật, các loại hình công ty hoạt động trong nền kinh tế phải tuân quy định pháp luật về công ty (pháp luật về doanh nghiệp). Trường hợp có các quy định đặc thù liên quan đến việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp được quy định trong các văn bản pháp luật chuyên ngành như pháp luật chứng khoán, pháp luật tín dụng ngân hàng thì phải tuân theo quy định
đặc thù trong các đạo luật đó. Ngoài ra, các văn bản pháp luật có các điều khoản
liên quan đến hoạt động kiểm soát giao dịch giữa công ty với người có liên quan cũng được coi là nguồn luật điều chỉnh như luật về hợp đồng trong dân sự và thương mại, luật tố tụng dân sự, pháp luật hình sự, pháp luật về hành chính. Ngoài
ra, án lệ cũng được coi là nguồn của pháp luật về kiểm soát giao dịch giữa công ty với người có liên quan.
Thứ nhất, pháp luật về công ty
Các văn bản pháp luật về công ty cụ thể quy định về hình thức tổ chức của các loại hình công ty nói chung và các loại hình công ty hoạt động trong lĩnh vực đặc thù như ngân hàng, tín dụng, chứng khoán… điều chỉnh trực tiếp kiểm soát giao dịch giữa công ty với người có liên quan. Trong các đạo luật thành văn này thông thường sẽ quy định những đối tượng được coi là người có liên quan, quy định về công khai hóa giao dịch, về trình tự, thủ tục, thẩm quyền thông qua giao dịch. Ngoài ra, pháp luật công ty còn quy định chung về quyền khởi kiện của công ty hoặc thành viên, cổ đông nếu có hành vi vi phạm hoạt động kiểm soát giao dịch, hậu quả của giao dịch vô hiệu và chế tài đối với người vi phạm.
Thứ hai, quy tắc quản trị của công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán
Sự bùng nổ của thị trường chứng khoán và sự tham gia ngày càng đông đảo những nhà đầu tư trong đó có nhà đầu tư nước ngoài, từ các định chế tài chính, các quỹ đầu tư cho đến nhà đầu tư nhỏ lẻ đã đặt vấn đề quản trị công ty của các công ty niêm yết trở nên quan trọng. Điều chỉnh về giao dịch giữa công ty với người có liên quan là một trong những nội dung quan trọng mà bộ quy tắc quản trị áp dụng cho các công ty niêm yết bởi vì quản trị công ty hướng tới quy định bảo vệ lợi ích nhà đầu tư, đặc biệt là các cổ đông thiểu số.
So với các quy định có liên quan trong các văn bản pháp luật về công ty thì quy tắc quản trị công ty áp dụng cho các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán rõ ràng, cụ thể và dễ áp dụng hơn rất nhiều bởi vì văn bản này dành hẳn một chương quy định về ngăn ngừa xung đột lợi ích và giao dịch với các bên có liên quan đến công ty.
Thứ ba, pháp luật về kế toán
Một trong những nội dung điều chỉnh của pháp luật về kế toán là quy định việc thu thập, xử lý, kiểm tra, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính dưới hình thức giá trị, hiện vật và thời gian lao động. Pháp luật về kế toán cung cấp các chuẩn mực kế toán, trong đó có chuẩn mực kế toán về các bên có liên quan và giao dịch giữa công ty với người có liên quan. Mục đích của các chuẩn mực kế toán này là quy định và hướng dẫn các nguyên tắc và phương pháp trình bày thông tin trong báo cáo tài chính về các bên có liên quan và các giao dịch
giữa công ty với bên có liên quan. Kế toán có chức năng cung cấp thông tin về tình hình tài chính của doanh nghiệp và là một công cụ theo dõi hoạt động kinh doanh hàng ngày của doanh nghiệp thông qua báo cáo tài chính. Đây là một trong các kênh để nhà đầu tư (các thành viên, cổ đông) theo dõi và nắm bắt hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có giao dịch giữa công ty với người có liên quan. Chính vì vậy, pháp luật về kế toán, đặc biệt là quy định về chuẩn mực kế toán về các bên có liên quan và giao dịch giữa công ty với người có liên quan có vai trò quan trọng trong hoạt động kiểm soát giao dịch giữa công ty với người có liên quan. Các báo cáo tài chính không chỉ nhằm mục đích để các thành viên trong công ty xem xét, kiểm tra mà còn là một trong những chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công ty trước cơ quan tài phán.
Thứ tư, pháp luật điều chỉnh về hợp đồng
Các giao dịch giữa công ty và người có liên quan trước hết là hợp đồng mang bản chất hợp đồng thương mại hoặc hợp đồng dân sự, hợp đồng lao động nên nó phải chịu sự điều chỉnh của các văn bản pháp luật về hợp đồng. Các vấn đề về hiệu lực của hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng và xử lý hậu quả khi hợp đồng vô hiệu được điều chỉnh trong văn bản pháp luật về hợp đồng.
Pháp luật về hợp đồng điều chỉnh hoạt động kiểm soát giao dịch giữa công ty với người có liên quan ở những vấn đề liên quan đến hiệu lực của hợp đồng, hậu quả của hợp đồng vô hiệu như hoàn lại cho công ty tài sản có được từ giao dịch, bồi thường thiệt hại ... Đó là các biện pháp kiểm soát nhằm khắc phục hậu quả, bảo vệ quyền lợi của công ty và cổ đông khi xảy ra vi phạm trong giao dịch giữa công ty với người có liên quan.
Thứ năm, pháp luật tố tụng dân sự
Pháp luật về tố tụng dân sự quy định trình tự, thủ tục giải quyết các tranh chấp dân sự nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể bị xâm phạm. Khi mà công ty và các thành viên, cổ đông cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị người có liên quan chiếm đoạt thông qua giao dịch giữa công ty với người có liên quan thì có thể yêu cầu tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Tòa án sẽ giải quyết các yêu cầu tuyên bố giao dịch giữa công ty với người có liên quan vô hiệu, yêu cầu bồi hoàn về tài sản và bồi thường thiệt hại phát sinh. Các quy định pháp luật này không trực tiếp quy định về hoạt động kiểm soát giao dịch giữa công ty với người có liên quan mà quy định cách thức,
trình tự, thủ tục để thực hiện biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích khi người có liên quan lợi dụng giao dịch- là một nội dung của hoạt động kiểm soát nhằm khắc phục hậu quả của hành vi vi phạm.
Thứ sáu, pháp luật hành chính
Tùy vào tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm đối với xã hội mà các hành vi vi phạm của người có liên quan trong kiểm soát giao dịch giữa công ty với người có liên quan mà không phải tội phạm thì có thể là vi phạm hành chính và phải bị xử lý vi phạm hành chính. Pháp luật về xử lý vi phạm hành chính quy định cụ thể về hành vi vi phạm của người có liên quan phải chịu mức phạt tiền cụ thể. Các quy định này thể hiện nội dung của hoạt động kiểm soát sau khi đã xảy ra hành vi vi phạm nhằm răn đe người có liên quan thực hiện hành vi vi phạm.
Thứ bảy, pháp luật hình sự
Nếu như pháp luật về công ty chỉ quy định chung chung người có liên quan vi phạm quy định kiểm soát giao dịch phải chịu chế tài hình sự hoặc hành chính tùy
mức độ của hành vi vi phạm, pháp luật về hợp đồng quy định bồi thường về dân sự
thì pháp luật về hình sự quy định cụ thể về hành vi vi phạm đó cấu thành tội phạm gì và phải chịu hình phạt cụ thể gì. Pháp luật đã tiếp cận một cách tổng thể nhằm giải quyết hành vi vi phạm của người có liên quan, nằm trong nội dung của hoạt
động kiểm soát sau khi đã xảy ra hành vi vi phạm, nhằm mục đích trừng trị, răn đe
người có liên quan đã thực hiện hành vi phạm tội.
Thứ tám, án lệ hoặc các tiền lệ xét xử
Ở các nước theo hệ thống pháp luật Anh- Mỹ thì án lệ được coi là nguồn luật quan trọng. Án lệ là các phán quyết của tòa án trong đó áp dụng pháp luật để giải quyết một vụ án cụ thể hoặc một đường hướng mới trong việc giải thích luật khi các điều luật thành văn không thể truyền tải hết ý niệm. Để giải thích được những nghĩa vụ trung thành, trung thực, thiện chí hầu như chỉ có thể định danh được mà khó có thể định lượng, định tính thì án lệ có vai trò quan trọng để các cơ quan giải quyết tranh chấp có thể viện dẫn để giải quyết [8]. Không chỉ như vậy, án lệ còn giúp cho việc giải quyết tranh chấp giữa công ty với người có liên quan được áp dụng thống nhất.
Hiện nay, ở Việt Nam án lệ vẫn chưa có chỗ đứng thực sự trong nền luật pháp nước nhà. Trong thời gian tới, theo đề án “Phát triển án lệ của Tòa án nhân dân tối cao” được ban hành kèm theo quyết định số 74/2012/QĐ-TANDTC ngày 31/12/2012 và Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 thì việc tham khảo và vận
dụng án lệ sẽ được triển khai. Hàng năm, Tòa án nhân dân tối cao vẫn đưa ra các báo cáo tổng kết nhằm mục đích hướng dẫn hoạt động xét xử của tòa án nhân dân các cấp. Nó có thể được gọi là các tiền lệ xét xử để các thẩm phán rút kinh nghiệm trong việc ra phán quyết của mình. Song báo cáo tổng kết chỉ có tính chất tham khảo, không mang tính bắt buộc thực hiện, hơn nữa báo cáo tổng kết không truyền tải được toàn bộ nhận định và phân tích pháp lý của các phán quyết về từng vấn đề pháp lý của mỗi vụ án.