Pháp luật Trung Quốc

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật về kiểm soát giao dich giữa công ty với người có liên quan (Trang 75 - 76)

4. Cơ sở lý thuyết, câu hỏi nghiên cứu, giả thuyết nghiên cứu đặt ra khi nghiên cứu đề tà

1.7.3.Pháp luật Trung Quốc

Việc lựa chọn pháp luật Trung Quốc để nghiên cứu xuất phát từ lý do Việt Nam và Trung Quốc đều là quốc gia chuyển đổi nền kinh tế từ mô hình kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Hơn nữa, hai quốc gia có nhiều điểm tương đồng về kinh tế và văn hóa. Trung Quốc đã và đang chủ trương cải cách hoàn thiện chế độ chính trị, kinh tế và có những thành tựu đáng kể. Trong bối cảnh đó, Luật Công ty của Trung Quốc được sửa đổi năm 2006 là đạo luật đang có hiệu lực thi hành. [35]

Luật Công ty của Trung Quốc không đưa ra khái niệm về người có liên quan và có cách tiếp cận theo hướng cấm đoán hoàn toàn các giao dịch giữa công ty với người có liên quan là giám đốc [36]. So sánh với hệ thống pháp luật các nước được nghiên cứu thì Trung Quốc là nước duy nhất có quy định cấm giao dịch giữa công ty với người có liên quan. Quy định này của pháp luật Trung Quốc còn “bảo thủ, cứng nhắc và thiếu tính linh hoạt” [15, tr.190]. Cụ thể, Khoản 4 Điều 149 quy định: người quản lý và giám đốc công ty không được tham gia vào hợp đồng hoặc tiến hành giao dịch với công ty. Đối với loại hợp đồng vay thì công ty sẽ không cho vay, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua công ty con, cho giám đốc, kiểm soát viên hoặc những người quản lý công ty.

Khi giám đốc, kiểm soát viên hoặc người quản lý vi phạm các quy định của pháp luật, các quy chế tổ chức, quản lý của công ty hoặc vi phạm nghĩa vụ mà gây ra thiệt hại cho công ty thì có trách nhiệm bồi thường cho công ty. Các thành viên hoặc cổ đông của công ty cùng nhau nắm giữ 1% trở lên số vốn góp hoặc số cổ phần của công ty đó trong vòng 180 ngày liên tiếp trở lên có quyền yêu cầu ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên (trường hợp công ty không có ban kiểm soát) bằng văn bản khởi kiện vụ việc ra tòa án. Nếu kiểm soát viên là người có hành vi vi phạm thì thành viên hoặc cổ đông đó có quyền yêu cầu ban giám đốc bằng văn bản về việc khởi kiện vụ việc ra tòa án.

Nếu Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên của công ty không thực hiện thủ tục pháp lý để khởi kiện ra tòa trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu hoặc trong tình thế khẩn cấp, nếu không thực hiện thủ tục khởi kiện ngay lập

tức dẫn đến các thiệt hại cho công ty thì thành viên hoặc cổ đông có quyền nhân danh chính mình để khởi kiện ra tòa án vì lợi ích của công ty.

Sửa đổi quan trọng trong Luật Công ty năm 2006 của Trung Quốc đã tăng quyền lực cho các cổ đông ở nước này. Theo sửa đổi của Luật đã được đề cập trong Điều 149 thì bất kỳ cổ đông nào (hoặc nhóm cổ đông nào) nắm giữ từ 1% số cổ phần của công ty trong 180 ngày liên tiếp có thể khởi kiện các giám đốc, người quản lý, kiểm soát viên yêu cầu bồi thường thiệt hại đã gây ra cho công ty bằng danh nghĩa của mình. Ngoài ra, các cổ đông có thể khởi kiện giám đốc và người quản lý gây thiệt hại cho lợi ích của cổ đông khi vi phạm pháp luật, vi phạm Điều lệ công ty hoặc các quy định hành chính khác nhân danh công ty.

Luật công ty của Trung Quốc không quy định về giao dịch giữa công ty với các cổ đông nắm giữ số cổ phần vốn góp chi phối. Tuy nhiên, một quy định gián tiếp tại Điều 20 đã giàng buộc nghĩa vụ của các cổ đông phải luôn trung thành với lợi ích của công ty, không được tham gia vào các giao dịch với công ty để tư lợi. Điều 20 quy định như sau: Các cổ đông của công ty phải tuân thủ pháp luật, Điều lệ công ty và các quy định hành chính; thực hiện quyền của cổ đông theo quy định của luật và không được lợi dụng quyền của mình để gây thiệt hại cho lợi ích của công ty hoặc lợi ích của các cổ đông khác. Nếu cổ đông của công ty lợi dụng quyền của cổ đông dẫn đến gây thiệt hại cho công ty và các cổ đông khác thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Và như vậy, các cổ đông có quyền khởi kiện cổ đông nắm giữ cổ phần chi phối ra tòa án vì đã gây thiệt hại cho lợi ích của công ty và các cổ đông.

Kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc kiểm soát giao dịch giữa công ty với người có liên quan là cho phép cổ đông thiểu số có quyền khởi kiện cổ đông của công ty nếu họ lợi dụng giao dịch để tư lợi. Đó là quy định gián tiếp trong phần nghĩa vụ của các cổ đông là phải trung thành với lợi ích của công ty.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật về kiểm soát giao dich giữa công ty với người có liên quan (Trang 75 - 76)