4. Cơ sở lý thuyết, câu hỏi nghiên cứu, giả thuyết nghiên cứu đặt ra khi nghiên cứu đề tà
1.1. NỀN TẢNG TRIẾT LÝ CỦA VIỆC KIỂM SOÁT GIAO DỊCH GIỮA CÔNG TY VỚI NGƯỜI CÓ LIÊN QUAN
GIỮA CÔNG TY VỚI NGƯỜI CÓ LIÊN QUAN
1.1. NỀN TẢNG TRIẾT LÝ CỦA VIỆC KIỂM SOÁT GIAO DỊCH GIỮA CÔNG TY VỚI NGƯỜI CÓ LIÊN QUAN GIỮA CÔNG TY VỚI NGƯỜI CÓ LIÊN QUAN
Xuất phát từ nghĩa vụ trung thành với lợi ích của công ty, những người quản lý của công ty khi đại diện cho công ty tham gia vào một giao dịch bất kỳ luôn có nghĩa vụ tối đa hóa lợi ích của công ty, qua đó tối đa hóa lợi ích của các thành viên, cổ đông trong công ty. Cũng có trường hợp người quản lý đại diện cho công ty tham gia vào giao dịch với những người thân thích của mình, với thành viên, cổ đông có vốn góp, cổ phần chi phối hoặc với những công ty mà người quản lý có cổ phần hoặc với chính bản thân họ. Những hợp đồng như vậy được gọi là giao dịch giữa công ty với người có liên quan [52, tr.1].
Về mặt lý luận, sự phát triển của nền kinh tế thị trường kéo theo sự phát triển về số lượng, quy mô hoạt động của các loại hình công ty và đòi hỏi pháp luật cũng phải có những điều chỉnh tương ứng để đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, đảm bảo lợi ích của công ty, lợi ích của những nhà đầu tư (các thành viên, cổ đông góp vốn) và lợi ích của người thứ ba (các chủ nợ, người lao động). Trong xã hội, khi nền sản xuất hàng hóa càng phát triển thì nhu cầu về vốn và phân tán rủi ro là động cơ thúc đẩy các nhà đầu tư liên kết với nhau dưới một hãng chung để tiến hành hoạt động kinh doanh. Công ty ra đời là kết quả của nguyên tắc tự do kinh doanh, tự do khế ước và tự do lập hội. Tùy theo tính chất liên kết, chế độ trách nhiệm của các thành viên mà có thể phân loại công ty thành công ty đối nhân và công ty đối vốn.
Công ty đối nhân là công ty ra đời đầu tiên trên cơ sở liên kết kinh doanh giữa các thành viên dựa trên sự tin cậy về nhân thân, yếu tố góp vốn chỉ là thứ yếu. Hoạt động của công ty dựa trên sự tín nhiệm, tin tưởng lẫn nhau giữa các thành viên theo nguyên tắc các thành viên đều có quyền ngang nhau trong việc điều hành hoạt động kinh doanh và đều có quyền đại diện cho công ty quan hệ kinh doanh với bạn hàng mà không kể đến số vốn góp. Các thành viên trong công ty đối nhân đều chịu trách nhiệm vô hạn, nghĩa là không giới hạn rủi ro trong số vốn đã góp vào kinh doanh và trách nhiệm liên đới, nghĩa là phải gánh chịu cả rủi ro do hành vi của các thành
viên khác trong hoạt động công ty. Chính những đặc điểm này mà khi thành viên công ty là người đại diện cho công ty thiết lập giao dịch với chính bản thân họ hoặc người có liên quan khác thì những người này phải đảm bảo lợi ích cho công ty cũng là đảm bảo lợi ích cho chính bản thân mình. Chế độ trách nhiệm vô hạn đối với hoạt động kinh doanh của các thành viên cho thấy lợi ích hay thiệt hại của công ty cũng chính là lợi ích hay thiệt hại của các thành viên. Khi tiến hành giao dịch giữa công ty với bản thân mình thì họ phải tự cân nhắc đến lợi ích của công ty cũng chính là lợi ích bản thân họ. Như vậy, đây là một trong các lý do pháp luật không cần phải kiểm soát giao dịch giữa công ty với người có liên quan trong các công ty đối nhân.
Bên cạnh đó, theo học thuyết về lợi ích công ty của các học giả người Pháp, trong đó lợi ích công ty là lợi ích cao nhất của chính công ty đó, với tư cách là một thực thể pháp lý độc lập. Công ty có lợi ích riêng, bao trùm lợi ích của các thành viên, chủ nợ, khách hàng, người lao động. Lợi ích chung đó là bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển của công ty [56, tr.488] [57, tr.1080]. Do đó, lợi ích công ty không chỉ được hiểu là lợi ích của các thành viên mà còn được hiểu rộng hơn là lợi ích người lao động, của khách hàng và của nhà nước. Pháp luật quy định các thành viên công ty đối nhân phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với hoạt động của công ty có nghĩa là trách nhiệm đến cùng và vô hạn định bằng tài sản của mình do đó lợi ích của bên thứ ba cũng luôn được đảm bảo. Vì vậy, pháp luật không cần phải kiểm soát giao dịch giữa công ty với người có liên quan trong công ty đối nhân vì các thành viên công ty luôn có trách nhiệm đối với thiệt hại của công ty và bên thứ ba.
Công ty đối vốn ra đời sau công ty đối nhân và sự liên kết giữa các thành viên dựa trên vốn góp. Trong công ty đối vốn, do công ty được thành lập trên cơ sở góp vốn của nhiều người; các thành viên có thể góp vốn nhiều, ít khác nhau và chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn đối với rủi ro của công ty trong số vốn góp; có thể nắm giữ những vị trí quản lý khác nhau nên trong công ty luôn tiềm ẩn nguy cơ xung đột lợi ích. Những người góp nhiều vốn và/hoặc nắm giữ những vị trí quản lý quan trọng lợi dụng lá chắn trách nhiệm hữu hạn thường có xu hướng chi phối các hoạt động của công ty để “vun vén” lợi ích cho mình đi ngược lại với lợi ích của công ty mà họ có nghĩa vụ đại diện. Sự “vun vén” lợi ích này có thể có nhiều biểu hiện mà một trong số đó là thông qua các giao dịch giữa công ty với người có liên quan. Có thể lý giải căn nguyên của việc kiểm soát giao dịch giữa công ty với người có liên quan trong công ty đối vốn xuất phát từ các lý do sau:
Thứ nhất, giao dịch giữa công ty với người có liên quan là giao dịch được xác lập giữa công ty với những chủ thể đặc biệt, có khả năng quyết định, chi phối đến việc xác lập giao dịch.
Thứ hai, giao dịch giữa công ty với người có liên quan được xác lập dựa trên sự bình đẳng, thỏa thuận nhưng có sự xung đột lợi ích, vì vậy có nguy cơ mất cân bằng lợi ích. Các giao dịch thông thường đều có điểm chung nhất thuộc về bản chất của giao dịch, đó là sự tự nguyện thể hiện ý chí và thống nhất ý chí các chủ thể tham gia giao dịch. Tuy nhiên, công ty với tư cách là một pháp nhân - một thực thể pháp lý độc lập - tự bản thân nó không thể hành động cho chính mình mà chỉ có thể hành động thông qua một con người cụ thể- là người đại diện (người quản lý) [8]. Trong giao dịch giữa công ty với người có liên quan, người đại diện vừa đại diện cho lợi ích của công ty, vừa đại diện cho lợi ích của chính họ hoặc những chủ thể có mối quan hệ đến họ.
Đây chính là yếu tố xung đột lợi ích. Người đại diện có thể lợi dụng khả năng chi
phối của mình tới việc xác lập hợp đồng giữa công ty với người có liên quan để trục lợi cá nhân, qua đó có thể gây thiệt hại cho công ty hay ở mức độ nhẹ hơn, không tối đa hóa được lợi ích cho công ty mà họ là người đại diện. Trong trường hợp này, người đại diện không thể hiện đúng ý chí của công ty mà mình có nghĩa vụ phải trung thành với lợi ích của nó. Trong những trường hợp này, giao dịch giữa công ty với người có liên quan bị mất cân bằng lợi ích.
Thứ ba, mặc dù đã xác lập nghĩa vụ của người đại diện là phải trung thành với lợi ích của công ty nhưng chưa đủ, pháp luật vẫn cần phải kiểm soát giao dịch giữa công ty với người có liên quan để đảm bảo giao dịch này được thông qua công bằng và hợp lý, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, qua đó loại bỏ khả năng lạm quyền của người đại diện mà gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Hơn nữa, pháp luật cần kiểm soát giao dịch giữa công ty với người có liên quan để xác định cơ chế bồi thường thiệt hại cho công ty cũng như các chế tài về hình sự và hành chính mà người có hành vi vi phạm phải gánh chịu.
Thứ tư, như học thuyết về lợi ích công ty của các học giả người Pháp đã đề cập, lợi ích công ty là lợi ích cao nhất để công ty tồn tại và phát triển [56, tr.488] [57, tr.1080], pháp luật phải kiểm soát giao dịch giữa công ty với người có liên quan để đảm bảo lợi ích cao nhất cho sự tồn tại và phát triển của công ty, không chỉ lợi ích của cổ đông mà còn lợi ích của bên thứ ba. Lá chắn trách nhiệm hữu hạn giúp các thành viên công ty đối vốn thoát khỏi trách nhiệm đối với thiệt hại cho lợi ích
công ty và lợi ích của bên thứ ba thì việc kiểm soát giao dịch buộc các thành viên phải bồi thường thiệt hại cho công ty nếu có hành vi vi phạm. Đây là dự liệu của nhà lập pháp để phá vỡ bức tường TNHH nhằm bảo vệ lợi ích của bên thứ ba.
Việc kiểm soát giao dịch giữa công ty với người có liên quan trong công ty TNHH và CTCP đều có cách tiếp cận như nhau từ việc nhận diện giao dịch cần kiểm soát, trình tự, thủ tục thông qua giao dịch và chế tài đối với hành vi vi phạm. Bởi vì, có thể công ty TNHH mang dáng dấp của công ty đối nhân như quan tâm đến nhân thân của thành viên trong vấn đề chuyển nhượng góp vốn nhưng cả công ty TNHH và CTCP đều mang những đặc trưng của công ty đối vốn ở đặc điểm hình thành pháp nhân tồn tại độc lập với các thành viên của nó và các thành viên chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong số vốn góp đối với hoạt động kinh doanh- là những đặc điểm chính đưa đến yêu cầu phải kiểm soát giao dịch này. Tuy nhiên, cách thức kiểm soát giữa hai loại hình công ty này sẽ khác nhau. Công ty TNHH có số lượng thành viên “đóng” và tồn tại ở quy mô nhỏ hơn so với CTCP nên phần nhận diện người có liên quan là các thành viên thì cơ cấu vốn phải đến một mức độ nhất định mới tác động được đến giao dịch, trong khi đó, trong CTCP, cơ cấu sở hữu vốn phân tán hơn trong công ty TNHH nên chỉ cần sở hữu vốn mức độ nhỏ hơn cũng đã có thể tác động đến việc xác lập giao dịch. Ngoài ra, sự khác nhau về các cơ quan quản lý giữa hai công ty thì cách thức kiểm soát cũng khác như trong công ty TNHH, việc thông qua giao dịch tại HĐTV thì trong CTCP, việc thông qua giao dịch có thể tại ĐHĐCĐ hoặc HĐQT tùy thuộc vào giá trị giao dịch.
Việc lợi dụng giao dịch giữa công ty với người có liên quan, khi một bên trong giao dịch có khả năng chi phối, kiểm soát công ty để gây thiệt hại cho các thành viên, cổ đông khác đang là một trong những vấn đề nổi cộm trong quản trị doanh nghiệp mà các nước trên thế giới đang phải đương đầu [49, tr.3]. Công cụ kiểm soát giao dịch giữa công ty với người có liên quan là bằng pháp luật bởi chỉ có pháp luật mới quy định cụ thể nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên và chế tài có tính cưỡng chế thi hành. Các dạng giao dịch giữa công ty với người có liên quan được pháp luật nhận diện và có cơ chế kiểm soát thích hợp. Pháp luật quy định về trình tự, thủ tục, nguyên tắc thông qua giao dịch để nhằm loại bỏ khả năng tư lợi. Hơn nữa, pháp luật còn quy định trách nhiệm dân sự và các hình thức chế tài mà nhà nước áp dụng để bảo đảm lợi ích của công ty và trừng phạt người có hành vi vi phạm.
Mục tiêu của việc kiểm soát giao dịch giữa công ty với người có liên quan trước hết là đảm bảo sự tự nguyện và bình đẳng giữa các bên tham gia giao dịch nhưng vẫn bảo đảm lợi ích của “những người trong cuộc” (công ty, các thành viên, cổ đông), lợi ích của chủ nợ, người lao động và của nhà nước; loại trừ lạm dụng quyền lực và tước đoạt lợi ích công ty của người quản lý và thành viên góp vốn chi phối.
Kiểm soát theo Từ điển Tiếng Việt có nghĩa là xem xét để phát hiện, ngăn chặn những gì sai trái [21, tr.54]. Kiểm soát là cần thiết tuy nhiên tìm ra cách thức kiểm soát vừa hợp lý, vừa hiệu quả mà không hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, vừa động viên được các nguồn lực trong xã hội là vấn đề không đơn giản. Đây là bài toán khó cho các nhà quản lý cũng như thách thức cho hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia.
Để kiểm soát giao dịch giữa công ty với người có liên quan có thể có nhiều phương thức khác nhau. Phương thức thứ nhất, pháp luật cấm giao dịch giữa công ty với người có liên quan. Ưu điểm của phương thức này là loại trừ hoàn toàn khả năng các hành vi có dấu hiệu tư lợi. Nhược điểm của quy định cấm đoán này là rào cản, hạn chế quyền tự do hợp đồng (rộng hơn là quyền tự do kinh doanh) của nền kinh tế phát triển vì ngăn cản tự do ý chí của chủ thể trong việc lựa chọn đối tác giao kết.
Phương thức thứ hai, pháp luật cho phép chủ thể tiến hành các giao dịch này,
Điều lệ công ty không cấm, tuy nhiên các giao dịch này phải được kiểm soát chặt
chẽ. Pháp luật phải xây dựng được các quy phạm tương ứng để xác định những đối tượng được coi là người có liên quan (đối tượng bị giám sát), cách thức công khai hóa lợi ích của những đối tượng đó, cơ chế giám sát giao dịch và xử lý hậu quả của giao dịch nếu không tuân theo cơ chế giám sát đó. Phương thức này không mâu thuẫn với quyền tự do hợp đồng trong kinh doanh của các công ty khi mà tự do ý chí luôn được xác định là nguyên tắc cốt lõi của hợp đồng. Về mặt lý luận, quyền tự do hợp đồng được coi là một bộ phận cấu thành quan trọng, là biểu hiện sinh động nhất của quyền tự do kinh doanh [6, tr.109]. Quyền tự do hợp đồng thể hiện ở quyền tự do, bình đẳng, tự nguyện giao kết, quyền tự do lựa chọn bạn hàng, quyền tự do thỏa thuận nội dung của hợp đồng, quyền tự do thỏa thuận cơ quan tài phán giải quyết tranh chấp hợp đồng. Việc kiểm soát giao dịch giữa công ty với người có liên quan theo cách thức này không mâu thuẫn với quyền tự do hợp đồng vì vẫn đảm bảo quyền tự do ý chí của các chủ thể mà vẫn bảo vệ được quyền lợi của các
chủ thể có liên quan và lợi ích của bên thứ ba, chỉ khác là giao dịch đó phải được kiểm soát theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.