Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật về kiểm soát giao dich giữa công ty với người có liên quan (Trang 84 - 86)

Khoản 1 Điều 59 Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định về giao dịch giữa công ty với các đối tượng cần kiểm soát. Luật Doanh nghiệp năm 2014 kế thừa những quy định tại Khoản 1 Điều 59 Luật Doanh nghiệp năm 2005. Cụ thể:

a. Thành viên, người đại diện theo ủy quyền của thành viên, giám đốc, Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty;

b. Người có liên quan của những người quy định tại điểm a Khoản này;

c. Người quản lý công ty mẹ, người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty mẹ;

d. Người có liên quan của người quy định tại điểm c khoản này.

Quy định về nhận diện giao dịch giữa công ty với người có liên quan trong hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên cần kiểm soát còn nhiều bất cập và không phù hợp như sau:

Thứ nhất, Luật Doanh nghiệp năm 2005 xác định tất cả các thành viên và người đại diện theo ủy quyền của thành viên đều là người có liên quan cần kiểm soát khi xác lập giao dịch với công ty.

Theo điểm a này thì tất cả các thành viên công ty có quan hệ hợp đồng với công ty thì giao dịch này đều cần phải kiểm soát theo một thủ tục riêng mà không phụ thuộc vào số vốn góp mà thành viên đó nắm giữ. Quy định này buộc các giao dịch giữa công ty với mọi thành viên phải công khai hóa và thông qua tại HĐTV với tỷ lệ biểu quyết nhất định thay vì do giám đốc quyết định. Tuy nhiên, điểm bất hợp lý ở quy định này là không phải tất cả giao dịch giữa công ty với thành viên công ty nào cũng cần kiểm soát. Trên thực tế, việc kiểm soát này dẫn đến hậu quả tốn kém về chi phí và thời gian, không thiết thực và chưa phù hợp với thực tế bởi vì không phải thành viên nào cũng có thể chi phối đến việc thiết lập giao dịch mà chỉ khi sở hữu đến số vốn góp nhất định mới có thể chi phối đến quyền biểu quyết xác lập giao dịch. Do đó, cần sửa đổi quy định này theo hướng chỉ các thành viên sở hữu phần vốn góp chi phối mới được coi là người có liên quan.

Người đại diện theo ủy quyền của thành viên ở đây đề cập đến người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức theo Điều 48 Luật Doanh nghiệp năm 2005. Khi những người này xác lập giao dịch với công ty nhân danh bản thân họ mà không phải nhân danh tổ chức mà họ được ủy quyền thì giao dịch này cũng không cần thiết phải được kiểm soát bởi vì những người này không có khả năng quyết định

đến giao dịch hoặc chi phối đến việc thiết lập giao dịch. Tuy nhiên, chỉ khi họ là

người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức sở hữu trên 35% vốn điều lệ trở lên thì họ có thể gây sức ép đến người có thẩm quyền nhằm tác động đến việc thiết lập giao dịch thông qua việc sở hữu vốn góp đến mức có thể phủ quyết các quyết định của HĐTV .

Thứ hai, cách tiếp cận về người có liên quan trong giao dịch với công ty TNHH hai thành viên trở lên còn nhầm lẫn khi quy định người có liên quan với cá nhân và không tương thích trong cùng văn bản là Luật Doanh nghiệp năm 2005.

Người có liên quan trong phần giải thích từ ngữ thì được đề cập với tư cách là người có liên quan của công ty. Tuy nhiên, điểm b và điểm d Khoản 1 Điều 59 lại đề cập người có liên quan với cá nhân nên không tương thích với phần giải thích từ ngữ trong Luật Doanh nghiệp năm 2005 và không biết áp dụng trên thực tế như thế nào cho đúng. Ở đây người có liên quan đến cá nhân trong trường hợp cụ thể này

nhằm đến người thân thích của những người kể trên, các công ty mà những người trên có cổ phần vốn góp chi phối thì quy định này có ý nghĩa. Do đó cần phải sửa đổi lại điều khoản này để phù hợp và tương thích với phần giải thích từ ngữ về người có liên quan trong Luật Doanh nghiệp năm 2005.

Thứ ba, quy định về người có liên quan là các người quản lý công ty mẹ, người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty mẹ trong giao dịch với công ty cần kiểm soát.

Theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 người quản lý công ty mẹ là giám đốc, các thành viên HĐTV (nếu công ty mẹ là công ty TNHH), chủ tịch HĐQT (nếu công ty mẹ là CTCP). Những người này có thể tác động đến người có thẩm quyền là người quản lý công ty con quyết định giao dịch thông qua quan hệ với công ty mẹ. Người quản lý công ty mẹ có thể gây sức ép đến công ty mẹ khi tham gia quyết định các vấn đề trong công ty con. Trong những trường hợp này thì việc kiểm soát giao dịch giữa công ty TNHH với những người này là phù hợp. Tuy nhiên, vấn đề này nên để Điều lệ quy định bởi vì những người có liên quan có quan hệ gián tiếp với doanh nghiệp phụ thuộc vào từng công ty cụ thể.

Thứ tư, còn thiếu nhiều người được coi là có liên quan trong giao dịch với công ty cần kiểm soát ở loại hình công ty TNHH 2 thành viên trở lên

Với những người có liên quan được liệt kê trong Khoản 1 Điều 59 thì quy định này còn thiếu nhiều người có liên quan cần kiểm soát như công ty mẹ, công ty con, công ty mà thành viên chiếm phần vốn góp chi phối, người quản lý công ty hoặc người thân thích của họ có phần vốn góp hoặc cổ phần chi phối. Nhiều quy định không rõ ràng, minh bạch dẫn đến không thực hiện được trên thực tế. Phần giải thích từ ngữ về người có liên quan tại Khoản 17 Điều 4 không được kế thừa, chứng tỏ sự không tương thích về quy định ngay cả trong một văn bản pháp luật là Luật Doanh nghiệp năm 2005.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật về kiểm soát giao dich giữa công ty với người có liên quan (Trang 84 - 86)