6. Bố cục luận án
2.1.2. Khái niệm văn hóa doanh nghiệp
Nhiều nhà nghiên cứu đã đồng ý rằng, mối quan hệ giữa văn hóa doanh nghiệp và nhân viên tức cực là chìa khóa thành công của tổ chức Cameron và Quinn (2011). Doanh nghiệp như một môi trường đa dạng và phức tạp, nơi tập hợp những con người khác nhau về trình độ văn hóa, chuyên môn, mức độ nhận thức, quan hệ xã hội, vùng miền địa lý, tư tưởng văn hóa. Trong mỗi tổ chức, mỗi doanh nghiệp, “Văn hóa” được cụ thể trở thành nét riêng, đặc trưng được gọi là “Văn hóa doanh nghiệp”.
VHDN là tài sản vô hình, khó có thể nhìn thấy trọn vẹn bằng mắt thường, khó có thể miêu tả được hình dáng cụ thể nhưng đóng một vai trò rất ý nghĩa trong doanh nghiệp, một trong những công cụ cạnh tranh quan trọng, giữa các doanh nghiệp. Hiện nay, có nhiều định nghĩa khác nhau về VHDN được các nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động thực tiễn trong và ngoài nước đưa ra.
Kaplan và Norton (2004) cho rằng “Văn hoá doanh nghiệp được hiểu như một tập hợp các quy chuẩn hành vi ứng xử, hệ thống giá trị, tín ngưỡng, thông lệ và đường hướng kinh doanh, đồng thời là cơ sở để xác định mô hình hoạt động của doanh nghiệp, cũng như cách ứng xử của các thành viên trong doanh nghiệp đó”.
Theo tác giả Cameron và Quinn (2011), VHDN được hiểu như những đặc điểm, phẩm chất đặc trưng của tổ chức để phân biệt với tổ chức khác trong cùng một lĩnh vực hoạt động.
Maister (2005) định nghĩa rằng: “Văn hóa doanh nghiệp bao gồm hệ thống các giá trị, chuẩn mực đạo đức, niềm tin và môi trường làm việc”.
Kennedy (1982) định nghĩa “Văn hóa doanh nghiệp biểu hiện thông qua niềm tin, thái độ và giá trị tồn tại phổ biến, tương đối ổn định trong doanh nghiệp”.
Schein (2004) cho rằng: “Văn hóa của một doanh nghiệp là hình thức tổng hợp tất cả các giả thiết cơ bản được xác định, phát triển bởi một nhóm khi họ học cách thích nghi với bên ngoài và hội nhập với chính tổ chức của họ. Những giả thiết đã phát huy tác dụng và đưa vào sử dụng để tuyên truyền đến các lớp thành viên kế cận noi theo”
Theo Kotter, J. P., và Heskett, J. L. (1992), “Văn hóa thể hiện tổng hợp các giá trị, cách hành xử phụ thuộc lẫn nhau phổ biến trong doanh nghiệp, có xu hướng tự lưu truyền, thường trong thời gian dài”.
Văn hóa doanh nghiệp phát triển thông qua các chuẩn mực, các chuẩn mực là yếu tố quyết định hành vi cần thiết trong doanh nghiệp Chen (2004). Mọi định nghĩa về VHDN đều được giải thích thông qua giá trị chung của doanh nghiệp, thường những giá trị vô hình được đúc kết qua nhiều năm, trở thành giá trị quan trọng nhất của doanh nghiệp.
Tóm lại, theo quan điểm tác giả trong nghiên cứu này: Văn hóa doanh nghiệp được xem như tài sản vô hình biểu hiện đặc trưng riêng của mỗi doanh nghiệp, khó bắt chước, bao gồm: Quan niệm, giá trị, niềm tin, tạo nên các chuẩn mực chung, hình thành thói quen hành vi mà tất cả các thành viên trong tổ chức đều đồng thuận, cùng hành động và trường tồn phát triển.