6. Bố cục luận án
3.2.2. Nghiên cứu thử
Mục tiêu nghiên cứu thử:
Nhằm xem xét, đánh giá hoàn thiện mô hình, độ tin cậy của thang đo với bối cảnh nghiên cứu là các doanh nghiệp CNTT Việt Nam. Kết quả nghiên cứu làm cơ sở để thực hiện nghiên cứu chính thức.
Giới thiệu khách thể nghiên cứu thử:
Đơn vị được lựa chọn nghiên cứu định lượng sơ bộ là Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT. Tác giả đã có thâm niên 13 năm công tác tại đây nên am hiểu chính sách, quy định của công ty, vì vậy việc tiếp cận khai thác thông tin, thu thập dữ liệu từ các cấp được hiệu quả và thuận lợi.
Với hơn 25 năm phát triển (thành lập từ năm 1994), Công ty Hệ thống Thông tin FPT (FPT Information System - FPT IS) trở thành nhà tích hợp hệ thống, cung cấp giải pháp hàng đầu Việt Nam và khu vực Đông nam Á. Sở hữu năng lực công nghệ được thừa nhận bởi các khách hàng và đối tác toàn cầu, FPT IS là đơn vị chủ lực của tập đoàn FPT.
FPT IS có gần 3.000 cán bộ nhân viên có trình độ cao, am hiểu nghiệp vụ khách hàng, chuyên sâu trong từng ngành kinh tế, trong đó có 2.500 kĩ sư và chuyên gia hàng đầu, hơn 2000 chuyên gia có chứng chỉ công nghệ quốc tế được cấp bởi các nhà cung cấp giải pháp và dịch vụ dẫn đầu thế giới.
Hệ thống chi nhánh, văn phòng phân bổ đều 03 vùng miền Bắc, Trung, Nam và các nước Đông nam Á.
Nguồn: Các báo cáo tài chính của Công ty từ năm 2015-2019
Hình 3.1. Biểu đồ doanh thu của FPT IS
Phương pháp thực hiện nghiên cứu thử:
Tác giả đã tiến hành khảo sát bằng cách phát đi 210 phiếu câu hỏi, thời gian thực hiện nghiên cứu thử 04 tháng (07/2017 đến 11/2017). Ngoài ra, tác giả cũng thực hiện phỏng vấn bán cấu trúc với 05 đối tượng (02 lãnh đạo cấp cao, 01 giám đốc nhân sự và 02 giám đốc kỹ thuật cấp tổng công ty), mỗi cuộc phỏng vấn thời gian trung bình 50 phút với bản câu hỏi đã thiết kế sẵn, có kết hợp điều tra tình hình nhân sự của Công ty, như số liệu tuyển dụng, tỉ lệ nhân viên thôi việc qua 5 năm gần đây nhất, chính sách lương thưởng và đãi ngộ, chính sách đào tạo, sự trao quyền cho nhân viên cấp dưới. Đặc biệt, tác giả cũng khai thác được nguồn dữ liệu từ kết quả khảo sát nội bộ nhân viên hàng năm, được Công ty thuê một đơn vị độc lập từ bên ngoài thực hiện, đây là những cơ sở thực tiễn quan trọng giúp cho kết quả nghiên cứu của đề tài có giá trị hơn.
Kết quả nghiên cứu định lượng sơ bộ
Với 210 phiếu khảo sát trong nghiên cứu thử được phát ra, tác giả đã thu về 200 phiếu hợp lệ (loại bỏ các phiếu trả lời không đầy đủ).
Độ tin cậy của thang đo được kiểm định thông qua hai công cụ là hệ số Cronbach’s Alpha và phân tích nhân tố EFA. Thang đo được sử dụng khi hệ số Cronbach’s Alpha thoả hai điều kiện sau: (1) Hệ số tương quan biến tổng (Corrected Item total correlation) của các biến quan sát lớn 0,3 (Hair và cộng sự,1998) và theo Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008) Cronbach’s Alpha từ 0,8 gần đến 1 là thang đo lường tốt, từ 0,7 gần đến 0,8 là thang đo lường sử dụng được. Cũng có nhà nghiên cứu đề nghị rằng Cronbach’s Alpha từ 0,6 trở lên có thể sử dụng được cho trường hợp khái niệm thang đo mới hoặc có thể mới với người trả lời, trong bối cảnh nghiên cứu. Đối với nghiên cứu này, nhằm đảm bảo độ tin cậy của thang đo hệ số Cronbach’s Alpha lớn hơn 0,6 mới được xem thang đo có độ tin cậy và giữ lại.
Phân tích Cronbach’s Alpha: Sau khi phân tích dữ liệu bằng SPSS 20 thu được kết quả: Tất cả các thang đo của các biến độc lập và phụ thuộc đều có hệ số Cronbach’s Alpha lớn hơn 0,7 rất tốt, các hệ số tương quan biến tổng đều lớn 0,3. Điều này cho thấy các biến trong thang đo khá gắn kết với nhau, đo lường tốt cũng như thoả mãn yêu cầu phân tích tiếp theo.
Phân tích nhân tố EFA: Mục đích phân tích này, dùng để kiểm tra mức độ tương quan của các biến đo lường, rút gọn một tập gồm nhiều biến đo lường phụ thuộc lẫn nhau thành một tập biến ít nhưng vẫn chứa đựng hầu hết, nội dung thông tin của tập biến ban đầu (Hair và cộng sự, 2006). Với cỡ mẫu 200 thoả mãn yêu cầu của Hair và cộng sự (2006) cho rằng để sử dụng EFA, kích thước mẫu tối thiểu phải là 50, tốt hơn nên là 100.
Bảng 3.5. Kết quả kiểm định độ tin cậy thang đo của nghiên cứu thử
Biến trong mô hình nghiên cứu Hệ số Cronbach’s Alpha Số quan sát
Triết lý quản lý và kinh doanh 0,883 5
Hệ thống trao đổi thông tin 0,886 5
Đào tạo và phát triển 0,888 5
Sự công bằng và trao quyền 0,875 5
Ghi nhận đóng góp và đãi ngộ 0,885 5
Cam kết gắn bó phát triển cùng tổ chức 0,877 5
Cam kết gắn bó vì mục đích cá nhân 0,862 5
Nguồn: Tổng hợp từ nghiên cứu thử 2017
Sau khi tiến hành phân tích EFA thu được hệ số KMO and Bartlett's Test = 0,820, Sig = 0,000, Eigenvalue =1.196 > 1 và tổng phương sai trích 81% theo Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008) giá trị 0,5 ≤ KMO ≤ 1, Sig<0,05, Giá trị Eigenvalue ≥ 1. Tổng phương sai trích lớn hơn hoặc bằng 50%. Ngoài ra, trong ma trận hệ số tương quan, tất cả hệ số tải đều lớn hơn 0,5.
Kết quả phân tích nhân tố, cho thấy mức độ tương quan của các biến đo lường có tương quan chặt chẽ với nhau. Ngoài ra, kết quả phân tích của hai biến phụ thuộc cũng cho kết quả phù hợp với yêu cầu phân tích EFA.
Tóm lại, kết quả nghiên cứu sơ bộ gồm nghiên cứu định tính kết hợp với nghiên cứu định lượng sơ bộ thử một trường hợp tại Công ty FPT IS, đã giúp tác giả có những khám phá mới, bổ sung, điều chỉnh thang đo và hoàn thiện mô hình nghiên cứu cũng như bảng câu hỏi để tiến hành nghiên cứu chính thức trên diện rộng.