Quan niệm văn hóa đa chiều của Hofstede

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của văn hóa doanh nghiệp đến cam kết gắn bó với tổ chức của nhân viên trong các doanh nghiệp công nghệ thông tin. (Trang 54 - 55)

6. Bố cục luận án

2.2.4. Quan niệm văn hóa đa chiều của Hofstede

Mô hình văn hóa đa chiều của Hofstede và cộng sự (1980), được coi là khuôn khổ cho sự giao tiếp đa quốc gia. Bằng việc phân tích các yếu tố, Hofstede miêu tả ảnh hưởng của văn hóa xã hội lên các thành viên trong xã hội và làm thế nào mà các giá trị này liên quan đến hành vi của họ.

Dựa trên nghiên cứu tại tập đoàn IBM với khảo sát trên 100.000 nhân viên làm việc tại 40 quốc gia, Hofstede & cộng sự (1980) đã xem xét bốn khía cạnh giá trị văn hóa: (1) Khoảng cách quyền lực (Power distance), (2) Chủ nghĩa cá nhân – chủ nghĩa tập thể (Individualism – collectivism), (3) Tránh né rủi ro (Uncertainty avoidance) và (4) Nam quyền – Nữ quyền (Masculinity-femininity).

Năm 1991, Hofstede mở rộng nghiên cứu ban đầu của mình và khảo sát dữ liệu trên mười quốc gia thuộc ba khu vực khác nhau: Trung Đông, Tây Phi và Đông Phi và đến năm 1993 khía cạnh thứ năm được đưa ra: Định hướng dài hạn (future orientation/ long term orientation), nhằm bao quát các khái niệm chưa được thảo luận trong mô hình ban đầu. Các nghiên cứu về sau tiếp tục được thực hiện và đến năm 2010, Hofstede đưa ra khía cạnh thứ sáu để so sánh sự tự thỏa mãn (các nhu cầu bản thân) so với sự tự kiềm chế của con người.

Năm chỉ số văn hóa trong các nghiên cứu của Hofstede và cộng sự bao gồm: (1) Chỉ số khoảng cách quyền lực (PDI): Được định nghĩa là “Mức độ mà những thành viên ít quyền lực của một tổ chức hoặc tập thể chấp nhận và kỳ vọng rằng quyền lực được phân bổ không công bằng”. Sự bất công bằng và quyền lực tập trung được những người ít quyền lực hơn nhận thức một cách hiên nhiên. Chỉ số PDI cao thể hiện sự phân bổ quyền lực được thiết lập và thực thi rõ ràng trong xã hội. Chỉ số PDI thấp thể hiện mức độ, chất vấn cao về phân bổ quyền lực cũng như nỗ lực phân chia quyền hành đồng đều.

(2) Chủ nghĩa cá nhân - chủ nghĩa tập thể (IDV): Chỉ số này thể hiện “Mức độ hòa nhập của cá nhân với tập thể và cộng đồng”. Một xã hội có chỉ số IDV cao chứng tỏ mức độ ràng buộc cá nhân khá lỏng lẻo, họ chú trọng đến chủ thể “Tôi” hơn là “Chúng tôi”. Trong khi đó, xã hội có chỉ số IDV thấp thể hiện một xã hội với các mối quan hệ hòa nhập chặt chẽ giữa gia đình, tập thể và hội nhóm khác. Những thành viên trong nhóm có sự trung thành tuyệt đối và luôn hỗ trợ những thành viên khác trong mỗi tranh chấp với các nhóm khác.

(3) Chỉ số tránh né rủi ro (UAI): Được định nghĩa như “Mức độ chấp nhận của xã hội với sự mơ hồ”, điều nay liên quan đến mức độ lo lắng của các thành viên trong xã hội về một thứ gì đó không kỳ vọng, không rõ ràng và khác so với hiện trạng thông thường. Chỉ số UAI cao cho thấy mức độ gắn kết của thành viên trong cộng động đó với các quy chuẩn hành vi, luật lệ, văn bản hướng dẫn và đặt niềm tin vào một sự “Đúng đắn” chung mà tất cả mọi người đều nhận thức được. Chỉ số UAI thấp cho thấy, sự cởi mở và chấp nhận những ý kiến trái chiều và gây tranh cãi. Xã hội có UAI thấp thường mang tính ít quy định, quy chế mà họ có xu hướng để mọi thứ được tự do phát triển và chấp nhận rủi ro.

(4) Nam quyền và Nữ quyền (MAS): Khía cạnh này, “Nam quyền” được định nghĩa là “Sự ưu tiên của xã hội cho thành quả, phần thưởng vật chất và định nghĩa thành công dựa trên những thành quả vật chất mà cá nhân đạt được”. Ngược lại, “Nữ quyền” ám chỉ sự coi trọng tính cộng tác, khiêm tốn, quan tâm đến những cá nhân khó khăn cũng như chất lượng cuộc sống. Nói theo cách khác, điều này đề cập đến khoảng cách giữa những giá trị về Nam giới và Nữ giới.

(5) Định hướng dài hạn và định hướng ngắn hạn (LTO): Với khía cạnh này, sự kết nối giữa quá khứ với hiện tại và các hành động/ khó khăn trong tương lai. Khi chỉ số LTO thấp, biểu thị định hướng ngắn hạn của một xã hội khi mà những truyền thống được trân trọng gìn giữ và sự kiên định được đánh giá cao. Trong khi đó, xã hội có chỉ số LTO cao thường chú trọng vào quá trình dài hạn, quan tâm đến sự thích ứng và thực dụng khi giải quyết vấn đề. Những nước có định hướng ngắn hạn thường là các nước nghèo, trong khi đó nước có định hướng dài hạn thường là những nước phát triển.

Ở khía cạnh “Tự thỏa mãn và tự kiềm chế (IND) sau này tác giả nghiên cứu đề cập đến mức độ hạnh phúc, liệu có hay không sự tự thỏa mãn những niềm vui đơn giản. Tự thỏa mãn được định nghĩa như “Sự cho phép của xã hội trong việc tự thỏa mãn một cách tự do các nhu cầu cơ bản và tự nhiên của con người”.

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của văn hóa doanh nghiệp đến cam kết gắn bó với tổ chức của nhân viên trong các doanh nghiệp công nghệ thông tin. (Trang 54 - 55)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(187 trang)
w