KHÁI NIỆM, ĐẶC ĐIỂM NGUỒN NHÂN LỰC PHI CÔNG 1 Khái niệm nguồn nhân lực phi công

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ kinh tế - Nguồn nhân lực phi công của ngành hàng không Việt Nam trong hội nhập quốc tế [full] (Trang 33)

2.1.1. Khái niệm nguồn nhân lực phi công

Để tiến hành hoạt động lao động sản xuất cần phải có các yếu tố cơ bản như sức lao động, đối tượng lao động, tư liệu lao động. Trong đó, sức lao động là yếu tố đặc biệt quan trọng nhất, bởi vì đó là yếu tố tích cực, năng động, sáng tạo, là nguồn lực có ý nghĩa quyết định đối với sản xuất. Theo C.Mác, “sức lao động hay năng lực lao động là toàn bộ những năng lực thể chất và tinh thần tồn tại trong một cơ thể, trong một con người đang sống, và được người đó đem ra vận dụng mỗi khi sản xuất ra một giá trị sử dụng nào đó” [42, tr.251].

Theo cách hiểu này, sức lao động không những là yếu tố cần có của sản xuất, mà còn phải phát triển phù hợp với trình độ của sản xuất. Trong quá trình phát triển của sản xuất xã hội sức lao động không ngừng được hoàn thiện, phát triển. Sự hình thành và phát triển của kinh tế thị trường đã tạo ra những điều kiện mới cho sự phát triển của sức lao động. So với những hàng hóa khác là yếu tố đầu vào của hoạt động sản xuất kinh doanh, sức lao động ngày càng được nhận thức đầy đủ hơn với tư cách là nguồn lực quan trọng - nguồn nhân lực (NNL). Nếu như trước đây, nguồn nhân lực chỉ đơn thuần được coi là phương tiện, là một trong số nguồn lực cho phát triển như các nguồn lực khác như tài lực, vật lực… thì ngày nay nguồn nhân lực còn được xác định là mục tiêu của sự phát triển. Trong điều kiện cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại, trí tuệ con người ngày càng được đề cao, được đánh giá là nguồn lực vô tận, có tính quyết định đối với phát triển và tiến bộ xã hội. Chính vì lẽ đó, nghiên cứu để xây dựng, phát triển NNL phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đã và đang là vấn đề mà mọi quốc gia đều quan tâm đặc biệt.

Cho đến nay, về nội hàm khái niệm NNL vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Thuyết lao động xã hội cho rằng, NNL theo nghĩa rộng là nguồn cung

cấp sức lao động cho sản xuất và cho sự phát triển xã hội, do đó bao gồm toàn bộ dân cư có cơ thể phát triển bình thường (trừ những người bị dị tật). Theo nghĩa hẹp, NNL là khả năng lao động thực tế của xã hội, bao gồm các nhóm dân cư trong độ tuổi lao động đang tham gia vào quá trình sản xuất xã hội.

Theo thuyết về vốn con người, đầu tư hợp lý vào phát triển NNL sẽ mang lại nguồn lợi lớn hơn so với các nguồn lực khác như vốn, công nghệ, tài nguyên thiên nhiên, đất đai.

Theo quan niệm của Ngân hàng Thế giới (WB), NNL là toàn bộ vốn con người bao gồm thể lực, trí lực, kỹ năng nghề nghiệp…do mọi cá nhân sở hữu. Đầu tư cho con người là cơ sở vững chắc cho phát triển bền vững. Đầu tư vào giáo dục có tỷ lệ thu hồi vốn cao so với các lĩnh vực khác: đối với tiểu học là 24%, trung học là 17%, cao đẳng và đại học là 14%, các ngành sản xuất vật là 13% [44].

Theo Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), NNL là tổng thể những năng lực (cơ năng và trí năng) của con người được huy động vào quá trình sản xuất, là nội lực xã hội của một quốc gia. Việt Nam đang có NNL dồi dào, nếu biết khai thác hợp lý sẽ tạo ra động lực to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…

Theo Nguyễn Ngọc Tú:

Khi nói tới nguồn nhân lực, trước hết cần phải hiểu đó là nguồn cung cấp sức lao động cho xã hội, bao gồm toàn bộ những người có khả năng tham gia vào các quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đó là yếu tố chủ động của sản xuất, là chủ thể sáng tạo và chi phối toàn bộ quá trình đó, hướng tới mục tiêu đã chọn. Do vậy, nguồn nhân lực không chỉ đơn thuần là số lượng người lao động đã có và sẽ có, mà còn bao hàm tổng thể những năng lực lao động (thể lực, trí lực, kỹ năng lao động, thái độ và phong cách làm việc...) của những người lao động đó... Nguồn nhân lực theo nghĩa rộng là nguồn cung cấp sức lao động cho xã hội, theo nghĩa hẹp bao gồm những người trong độ tuổi lao động và có khả năng lao động... Từ đó, nguồn nhân lực trước hết được phản ánh qua số lượng dân số trong độ tuổi lao động có khả năng lao

động cùng với cơ cấu và chất lượng của nó. Chất lượng nguồn nhân lực được đánh giá qua nhiều tiêu chí như: thể lực, trí lực, phẩm chất, đạo đức, nhân cách, tác phong, truyền thống văn hóa của nguồn nhân lực; chỉ số phát triển con người (HDI);... [74, tr.32].

Từ nghiên cứu, phân tích những quan điểm kể trên tác giả luận án cho rằng, khái niệm NNL phản ánh tổng thể sức lao động của xã hội, bao gồm cả thể lực, trí lực thể hiện trình độ văn hoá, kỹ năng chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp, thái độ và phong cách làm việc..., có thể thu hút vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong từng điều kiện lịch sử cụ thể nhất định. Về lượng, NNL tại từng thời điểm bao gồm toàn bộ những người đang hoặc sẽ có thể thu hút vào tham gia hoạt động lao động trong nền kinh tế, trong đó thành phần quan trọng nhất là những người đang trong độ tuổi lao động và đang lao động.

Theo sự phát triển của phân công lao động xã hội, các ngành kinh tế đã hình thành với tư cách là những lĩnh vực sản xuất được chuyên môn hóa. Để phát triển từng ngành kinh tế rất cần có NNL phù hợp với tư cách là bộ phận đặc thù của NNL quốc gia. Từ đó, có thể hiểu NNL của một ngành kinh tế là toàn bộ những người đang lao động và những người tương lai có khả năng thu hút vào tham gia lao động trong ngành đó, trong đó thành phần quan trọng nhất là những người làm việc.

Ngành hàng không với tư cách là ngành kinh tế đặc thù cũng cần tới NNL đặc thù. NNL ngành hàng không là bộ phận của NNL quốc gia có chức năng bảo đảm cung cấp sản phẩm dịch vụ về vận tải hàng không đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Với tư cách là yếu tố đầu vào của hoạt động của ngành hàng không, NNL ngành hàng không bao gồm tất cả những người đang tham gia và sẽ tham gia vào các hoạt động của ngành hàng không. Ở Việt Nam, theo phương diện phân công lao động, NNL ngành hàng không bao gồm tất cả những người làm việc cho các cơ quan, tổ chức làm chức năng quản lý nhà nước về hàng không và các doanh nghiệp thuộc ngành hàng không dân dụng được thành lập và hoạt động theo hệ thống pháp luật Việt Nam.

Tiếp cận theo cơ cấu tổ chức trên cơ sở phân công lao động, NNL ngành hàng không Việt Nam bao gồm các NNL của cơ quan quản lý nhà nước về hàng không và NNL của các doanh nghiệp hàng không, cụ thể gồm:

- NNL của Cục Hàng không Việt Nam.

- NNL của Các Cục, Vụ, Viện, Trường cơ quan trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, cán bộ, chuyên gia, chuyên viên thuộc Chính phủ làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về hàng không.

- Cán bộ, viên chức, người lao động của tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam.

- Cán bộ, viên chức, người lao động của tổng công ty Quản lý bay Việt Nam - Cán bộ, viên chức và người lao động của hãng Hàng không quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines và các hãng hàng không khác kể cả các đơn vị của quân đội nhưng làm nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh hàng không dân dụng như Tổng công ty bay Miền Bắc thuộc bộ Quốc phòng, chuyên cung cấp dịch vụ bay trực thăng cho Tập đoàn dầu khí quốc gia - PVN và các hoạt động khác có sử dụng máy bay theo luật Hàng không.

Theo Đề án phát triển đào tạo nguồn nhân lực ngành Hàng không Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, được phê duyệt kèm theo Quyết định số 4375/QĐ-BGTVT ngày 27/12/2013 của Bộ trưởng Giao thông vận tải thì NNL ngành hàng không được hiểu và bao gồm những người được đào tạo một ngành, nghề hay một công việc để thực hiện nhiệm vụ công việc thuộc các lĩnh vực trong dây chuyền vận tải hàng không, bao gồm:

+ Cán bộ, công chức, viên chức thuộc Cục Hàng không Việt Nam, cảng vụ hàng không thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không.

+ Cán bộ lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp hàng không.

+ Đội ngũ nhân viên kỹ thuật, nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ và tác nghiệp về hàng không.

+ Đội ngũ nhân viên hàng không bao gồm những người hoạt động liên quan trực tiếp đến bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không, khai thác máy bay, vận chuyển hàng không, hoạt động bay, có giấy phép, chứng chỉ chuyên môn phù hợp do Cục HKVN cấp hoặc công nhận.

+ Đội ngũ cán bộ làm công tác khoa học, công nghệ và giáo dục, đào tạo phục vụ trực tiếp cho yêu cầu phát triển của ngành hàng không Việt Nam.

+ Các loại khác.

Trong số nhân viên hàng không có đội ngũ lao động đặc thù, có chức năng, nhiệm vụ trực tiếp lái bay, đó là các phi công. Phi công là những người trực tiếp chỉ huy, điều khiển bay trên các chuyến bay. Ngày nay, người có thể trở thành phi công dân dụng phải có đầy đủ các loại loại chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận theo quy định của Luật Hàng không dân dụng.

Từ những trình bày kể trên, có thể rút ra khái niệm nguồn nhân lực phi công của ngành hàng không là bộ phận đặc thù của NNL ngành hàng không có chức năng trực tiếp chỉ huy, điều khiển bay trên các chuyến bay dân dụng. NNL phi công bao gồm không những toàn bộ những phi công dân dụng hiện có, mà cả những phi công tiềm năng có thể thu hút, sử dụng vào quá trình phát triển ngành hàng không của một quốc gia dân tộc.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ kinh tế - Nguồn nhân lực phi công của ngành hàng không Việt Nam trong hội nhập quốc tế [full] (Trang 33)