5.1.1.1. Hình thái
- Giun tròn ký sinh ở động vật nuôi có hình sợi chỉ, hình ống, hình thoi, có thể hình tròn (các giun thuộc giống Tetrameres). Màu hồng, trắng sữa, trắng ngà, đỏ máu. Hai bên cơ thể đối xứng, có mặt lưng và mặt bụng, cơ thể không phân đốt. Đầu tù, đuôi nhọn.
- Có giun đực và giun cái. Giun đực lớn hơn giun cái. Giun đực đuôi cong, giun cái đuôi thẳng. Kích thước thay đổi tùy loài, có loài dài 1 mm, có loài dài tới 8,4 m như giun Placentonema gigantissima.
5.1.1.2. Đặc điểm cấu tạo
- Cấu tạo chung: Ngoài cùng là lớp biểu bì bằng giác chất (kitin). Có vân ngang, vân dọc hoặc vân chéo. Một số loài giun tròn có những chỗ biểu bì phình to gọi là cánh (cánh đầu, cánh cổ, cánh đuôi – chỉ có một số giun đực có cánh đuôi). Một số loài giun có gai chồi và các bộ phận phụ khác có tác dụng cảm giác, vận động và bám vào ký chủ. Dưới lớp biểu bì là lớp hạ bì gồm một lớp tế bào dẹt. Trong cùng là lớp tế bào cơ có hình sợi, hình bó hoặc hình vòng (tùy loài).
- Hệ tiêu hóa: Phát triển, có cấu tạo phức tạp. Có một ống chạy dọc theo thân gồm: + Môi: có thể có 3 lá môi quanh miệng hoặc không có hoặc có môi không rõ. + Miệng: hình ống, hình phễu, hình cốc. Có thể có răng, móc.
+ Thực quản: hình ống, hình chai, hình củ hành. + Ruột: hình ống thẳng, có thể uốn khúc.
+ Đoạn cuối ruột là trực tràng thông ra hậu môn.
- Hệ thần kinh: Đơn giản, gồm một vòng thần kinh thực quản, từ đó phân ra nhều nhánh thần kinh đi về phía trước và sau tới các phần của cơ thể. Có những nhánh nhỏ nối
với các nhánh chính này. Đầu mút sợi thần kinh nhỏ nằm trong các gai ở đầu, ở cổ, thân giun – đó là các gai cảm giác.
- Hệ bài tiết: Có hai ống bài tiết ở hai bên thân, bắt đầu từ phần sau rồi hợp lại thành một ống chung thông ra ngoài qua lỗ bài tiết ở mặt bụng và gần phía đầu.
- Hệ sinh dục: Giun đực có cơ quan sinh dục đực, giun cái có cơ quan sinh dục cái. + Cơ quan sinh dục đực: Gồm 2 ống nhỏ uốn khúc, có các bộ phận tinh hoàn, ống dẫn tinh, túi bắn tinh thông với lõ sinh tiết ở cùng chỗ với trực tràng. Gần lỗ sinh tiết có các bộ phận phụ: gai giao hợp (có hoặc không có), bánh lái giao hợp (điều tiết sự vận động). Một số giun tròn còn có bánh lái phụ ở phía bụng của gai giao hợp, lỗ sinh dục giun đực thông ra mặt bụng ở phía đuôi. Có nhiều giun đực ở đuôi có cánh hình thành túi giao hợp, túi đuôi giống hình cái quạt giấy, đối xứng nhau. Có các gai chồi sinh dục hình thành những sườn nâng đỡ túi giao hợp (sườn bụng, sườn lưng, sườn hông).
+ Cơ quan sinh dục cái: Gồm 2 ống nhỏ uốn khúc hợp với nhau gồm buồng trứng, ống dẫn trứng, tử cung, âm đạo thông ra ngoài qua lỗ sinh dục gọi là âm hộ ở mặt bụng giun. Vị trí âm hộ có thể ở phía trước, phía sau, ở gần hậu môn hoặc ở đoạn giưa giun. Một số loài có nắp âm hộ.
- Hệ tuần hoàn và hệ hô hấp: Không có.
5.1.2. Vòng đời
Giun tròn có thể đẻ trứng (giun đũa, giun tóc) hoặc đẻ ra ấu trùng (giun xoắn, giun chỉ). Ở ngoại cảnh, trứng hoặc ấu trùng gây nhiễm.
Nói chung ấu trùng phải qua 2 lần lột xác thì hình thành ấu trùng gây nhiễm. Quá trình lột xác như sau: Dưới lớp biểu bì cũ sinh ra một lớp biểu bì mới, rồi lớp biểu bì mới thay thế lớp cũ (có loài vẫn giữ lớp biểu bì cũ tạo thành màng bọc ấu trùng, giúp nó chống đỡ với ngoại cảnh bất lợi.
Có 2 kiểu vòng đời:
5.1.2.1. Vòng đời không cần ký chủ trung gian
Vòng đời của các loài giun tròn cụ thể như sau:
- Vòng đời của giun đũa: Giun cái đẻ trứng chưa có sức gây nhiễm gặp điều kiện thuận lợi 2 – 15 ngày trứng phát triểm thành trứng có ấu trùng có sức gây nhiễm. Khi ký chủ nuốt phải trứng này thì ấu trùng nở ra, chui vào mạch máu thành ruột về tĩnh mạch gan, tới tĩnh mạch của tim va phổi. Sau cùng vào khí quản, theo đờm lên hầu rồi xuống dạ dày và ruột thành giun trưởng thành.
- Vòng đời của giun tóc: Giun cái đẻ trứng theo phân ra ngoài, ở nhiệt độ và độ ẩm nhất định, sau 2 – 3 tuần, ấu trùng ở trong trứng qua một lần xác mới thành trứng gây nhiễm. Khi ký chủ nuốt phải trứng này thì ấu trùng nở ra và phát triển ở ruột già thành giun trưởng thành.
- Vòng đời của giun kim: Giun cái đẻ trứng quanh hậu môn ký chủ và phát tán ra ngoại cảnh, sau một thời gian thành trứng có sức gây nhiễm. Khi ký chủ nuốt phải trứng này thì ấu trùng nở ra và phát triển ở ruột già thành giun trưởng thành.
- Vòng đời của giun móc: Trứng theo phân ra ngoài, ở điều kiện tự nhiên thích hợp, sau một tuần lột xác 2 lần thành ấu trùng gây nhiễm. Khi ấu trùng tiếp xúc với da ký chủ thì chui qua da vào cơ thể, qua một giai đoạn di hành, cuối cùng vào phổi tới ruột non, sau đó thành giun trưởng thành.
- Vòng đời của giun xoăn: Trứng theo phân ra ngoài, gặp điều kiện thuận lợi sau 1 – 2 ngày nở thành ấu trùng kỳ I, qua 2 lần lột xác thành ấu trùng gây nhiễm. Ký chủ nuốt phải ấu trùng này thì ở cơ thể ký chủ, ấu trùng lột xác 2 lần thành giun trưởng thành.
5.1.2.2. Vòng đời cần ký chủ trung gian
- Vòng đời giun đuôi xoắn (Spirurata): Giun cái đẻ trứng, trong trứng có ấu trùng. Khi ký chủ trung gian (côn trùng) nuốt trứng thì ấu trùng nở ra, qua 2 lần lột xác thành ấu trùng gây nhiễm. Ấu trùng này vào ký chủ cuối cùng và phát triển thành giun trưởng thành.
- Vòng đời Protostronggylidar: Giun cái đẻ trứng có ấu trùng kỳ I, trứng theo phân ra ngoài, chui vào ký chủ trung gian (ốc), qua 2 lần lột xác thành ấu trùng gây nhiễm. Ký chủ cuối cùng ăn ốc có ấu trùng thì ấu trùng tuần hoàn theo máu về phổi thành giun trưởng thành.
- Vòng đời giun chỉ: Giun cái đẻ ấu trùng, ấu trùng vào hệ tuần hoàn của ký chủ, vào máu, khi ký chủ trung gian (muỗi) hút máu người và gia súc có ấu trùng thì ấu trùng phát triển trong cơ thể ký chủ trung gian thành ấu trùng gây nhiễm.
Ngoài các loại hình trên còn có giun xoắn Trichilella spiralis phát triển rất đặc biệt: giun cái đẻ ấu trùng ở niêm mạc ruột, ấu trùng chui vào mạch máu ký chủ, tuần hoàn về các cơ tạo thành kén. Vì vậy một động vật bị nhiễm giun xoắn vừa là ký chủ trung gian (ấu trùng ở cơ), vừa là ký chủ cuối cùng (giun trưởng thành ở ruột).
Hiện nay đã biết hơn 5.000 loài giun thuộc lớp giun tròn (Nematoda) trong đó có hơn 1.000 loài giun sống tự do, hơn 3.000 loài giun sống ký sinh. Các giun tròn ký sinh liên quan nhiều đến thú y gồm 8 bộ phụ:
1. Bộ phụ giun đũa (Ascaridata)
2. Bộ phụ giun kim (Oxyurata)
3. Bộ phụ giun tóc (Trichocephalata)
4. Bộ phụ giun lươn (Rhabdiasata)
5. Bộ phụ giun xoắn (Stronggylata)
6. Bộ phụ giun đuôi xoắn (Spirurata)