Bệnh giun thận lợn (Stephanurois) (Tự học)

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG BỆNH KÝ SINH TRÙNG THÚ Y (TÀI LIỆU DÙNG CHO SINH VIÊN NGÀNH CHĂN NUÔI THÚ Y) (Trang 129)

- Thực hiện các biện pháp phòng trừ tổng hợp: định kỳ tẩy giun, phân gia súc phải ủ để diệt trùng, giữ vệ sinh thức ăn, nước uống.

5.10.3. Bệnh giun thận lợn (Stephanurois) (Tự học)

5.10.3.1. Căn bệnh, ký chủ và vị trí ký sinh

- Bệnh do loài giun tròn Stephanurus dentatus ký sinh ở thận, gan, mô mỡ xung quanh thận và thành ống dẫn niệu của lợn. Trong khi giun di hành còn thấy giun ở gan, các khí quản, phổi, dạ dày, ống não tủy.

- Ký chủ: Lợn, đại gia súc có sừng.

5.10.3.2. Hình thái căn bệnh

Giun thận tương đối to, túi miệng hình cốc, có 6 răng ở đáy túi miệng. Giun đực dài 20 – 30 mm, túi giao hợp nhỏ, hai gai giao hợp dài bằng nhau hoặc dài, ngắn khác nhau (0,66 – 1 mm). Giun cái dài 30 – 45 mm, âm hộ ở gần hậu môn.

Trứng hình bầu dục, 2 đầu tù, dài 0,1 mm, rộng 0,06 mm, vỏ mỏng gồm 2 lớp, màu xám hơi đen. Khi mới theo nước tiểu ra ngoài trứng có 32 – 64 tế bào trứng phân chia hình quả dâu.

5.10.3.3. Vòng đời

Giun trưởng thành ở trong bọc kén có lỗ thông với ống dẫn nước tiểu, nên trứng theo nước tiểu ra ngoài. Gặp nhiệt độ 260C, sau 24 – 35 giờ. Trứng nở ra ấu trùng, sau 4 ngày qua 2 lần lột xác thành ấu trùng kỳ III có sức gây nhiễm. Ấu trùng gây nhiễm có thể sống 5 tháng ở nơi ẩm ướt, nhưng phần lớn chỉ sống được 2 – 3 tháng). Ấu trùng gây nhiễm vào cơ thể lợn bằng 3 đường:

- Qua đường tiêu hóa - Xuyên qua da

- Lợn ăn phải giun đất đã nhiễm ấu trùng giun thận.

Vào cơ thể ấu trùng phải trải qua giai đoạn di hành. Nếu qua miệng thì ấu trùng chui qua thành dạ dày, lột xác lần 3 thành ấu trùng kỳ IV. Nếu qua da thì lột xác dưới da hoặc cơ bụng. Ấu trùng từ dạ dày theo tĩnh mạch cửa đi về gan mất 3 – 12 ngày. Nếu ấu trùng từ dạ dày theo máu đến phổi rồi về gan mất 8 – 40 ngày. Ấu trùng kỳ IV di hành ở

mặt gan khoảng 3 tháng, lột xác thành ấu trùng kỳ V rồi chui qua mặt gan vào xoang bụng, rồi vào thận hoặc tổ chức xung quanh thận.

Ấu trùng chui qua da có khi dừng ở mạch máu nhỏ ở phổi hình thành kén hoặc vào trong xoang ngực hoặc các khí quan khác.

Thời gian hoàn thành vòng đời có các ý kiến khác nhau: - 340 – 342 ngày (Tromba, 1958).

- 128 – 278 ngày (Hùng Đại Sỹ, 1965) - 270 – 480 ngày (Batte, 1960).

5.10.3.4. Dịch tễ học

- Bệnh giun thận lợn có chiều hướng tăng cao dần từ đồng bằng đến trung du và miền núi.

- Tỷ lệ nhiễm tăng theo lứa tuổi của lợn.

- Bệnh giun thận phát triển vào mùa mưa, thời tiết ẩm ướt và giảm đi vào mùa đông khô hanh.

- Theo Batte (1960), tuổi thọ của giun thận lợn khoảng 24 tháng và giun đất có thể bảo tồn căn bệnh trong một thời gian dài.

5.10.3.5. Cơ chế sinh bệnh

Ấu trùng di hành gây xuất huyết và tổn thương các cơ quan và các mô, mở đường cho vi khuẩn gây bệnh. Khi ấu trùng qua da, trên da có nhiều mụn nhỏ bằng đầu tăm, đầu kim. Hạch lâm ba sưng và thủy thũng nên con vật đau và khó cử động. Ấu trùng di hành gây viêm cata ở phổi, qua gan gây tổn thương ở gan, có thể làm kén trong gan từ đó gây viêm gan rồi dẫn tới xơ gan.

5.10.3.6. Triệu chứng

Khi mới nhiễm trên da có nhiều mụn nhỏ đỏ sẫm do chảy máu. Một số lợn bị ho. Khi nhiễm nặng con vật cong lưng, 2 chân sau bại liệt do ấu trùng xâm nhập vào não tủy. Lợn nái có thể xảy thai. Thủy thũng, gầy còm, sút cân. Bạch cầu ái toan tăng.

5.10.3.7. Bệnh tích

Da có mụn lấm tấm do chảy máu hoặc thành nốt nhỏ. Gan xơ, có khi sưng và cứng. Phổi bị áp xe hoặc có các u kén (trong có ấu trùng hoặc giun trưởng thành). Gan sưng to, cứng, mặt gan có nhiều vệt do ấu trùng di hành. Tổ chức liên kết ở thận tăng sinh sưng to, ống dẫn niệu sưng. Ở các mô quanh thận và ống dẫn niệu có các kén to nhỏ khác nhau, trong kén có giun trưởng thành.

5.10.3.8. Chẩn đoán

- Tìm trứng giun thận trong nước tiểu: Lấy nước tiểu lợn để lắng một lúc. Gạn nước tiểu đi, cho cặn vào đĩa lồng soi kính hiển vi tìm trứng giuun (không thấy trứng khi ấu trùng đang di hành).

- Làm phản ứng nội bì: Chế kháng nguyên giun thận, pha nồng độ 1:100, tiêm 0,1 ml vào nội bì. Sau 10 – 15 phút nếu nơi tiêm sưng, đường kính 1,2 cm là dương tính và ngược lại là âm tính.

- Mổ khám tìm giun ở thận, tổ chức quanh thận, ống dẫn niệu.

5.10.3.9. Điều trị

Chưa có thuốc đặc hiệu với giun thận lợn. Có tác giả thí nghiệm dùng Tetraclorua cacbon liều 0,25 ml/kgTT, tiêm bắp (trộn lẫn dầu parafin) nửa tháng 1 lần, có hiệu quả diệt ấu trùng kỳ V ở gan. Các thuốc tẩy giun như Phenothiazin hiệu quả kém.

Thuốc Thiabendazol đang được thử nghiệm tẩy giun thận cho lợn.

5.10.3.10. Phòng bệnh

- Thực hiện quy định kiểm dịch bệnh giun thận lợn, không xuất nhập lợn có giun. - Cách li lợn bị bệnh.

- Chú ý phòng bệnh bằng cách tác động vào chuồng lợn mẹ có bệnh: cách li triệt để, sát trùng chuồng lợn mẹ, cách li lợn con khỏi lợn mẹ có bệnh.

PHẦN III

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG BỆNH KÝ SINH TRÙNG THÚ Y (TÀI LIỆU DÙNG CHO SINH VIÊN NGÀNH CHĂN NUÔI THÚ Y) (Trang 129)