Bệnh giun móc ở loài ăn thịt

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG BỆNH KÝ SINH TRÙNG THÚ Y (TÀI LIỆU DÙNG CHO SINH VIÊN NGÀNH CHĂN NUÔI THÚ Y) (Trang 114)

- Thực hiện các biện pháp phòng trừ tổng hợp: định kỳ tẩy giun, phân gia súc phải ủ để diệt trùng, giữ vệ sinh thức ăn, nước uống.

5.8.1. Bệnh giun móc ở loài ăn thịt

5.8.1.1. Căn bệnh, ký chủ, vị trí ký sinh

- Căn bệnh: Do một số loài giun: Ancylostoma canium, A. brazinliense

Uncinaria stenocephala gây nên.

- Ký chủ: Chó, mèo, có khi ở người (Uncinaria stenocephala). - Vị trí ký sinh: Ruột non.

5.8.1.2. Hình thái căn bệnh

- A. canimum: Màu vàng nhạt hoặc hồng nhạt, đoạn trước cong về phía lưng, túi miệng rất sâu, ở ria mép phía mặt bụng có 3 đôi răng lớn, cong hình lưỡi câu, đáy túi miêng có 1 đôi răng hình tam giác.

Giun đực dài 9 – 12 mm, túi đuôi phát triển, gai giao hợp dài 0,75 – 0,87 mm, đoạn cuối nhọn, bánh lái gai giao hợp tròn dài.

Giun cái dài 10 – 21mm, âm hộ ở vào 1/3 nửa sau của giun, đuôi có gai nhọn. Trứng giun dài 0,06 – 0,066 mm, rộng 0,037 – 0,042 mm. Khi vừa theo phân ra ngoài trong trứng có 8 tế bào.

- A. brazinliense: Nhỏ hơn loài trên. Giun đực dài 6 – 7,75 mm, giun cái dài 7 – 10 mm, 2 ria mép phía bụng đều có 2 đôi răng, một to và nhỏ.

Trứng dài 0,075 – 0,095 mm, rộng 0,041 – 0,045 mm.

- U. stenocephala: Màu vàng nhạt, hai đầu hơi nhọn, túi miệng rất lớn, về mặt bụng của túi miệng có 2 đôi răng hình bán nguyệt xếp đối xứng nhau.

Giun đực dài 6 – 11 mm, rộng nhất 0,28 – 0,34 mm, có túi đuôi phát triển, 2 gai giao hợp dài bằng nhau, đầu mút gai rất nhọn. Bánh lái gai giao hợp tròn dài 0,1 – 0,12 mm.

Giun cái dài 9 – 16 mm, rộng nhất 0,28 – 0,37 mm. Âm hộ ở 1/3 phía trước thân. Trứng hình bầu dục, kích thước 0,078 – 0,083 mm x 0,052 – 0,059 mm.

5.8.1.3. Vòng đời

Giun cái đẻ trứng ở ruột non, trứng theo phân ra ngoài. Gặp nhiệt độ, độ ẩm thích hợp sau 1 tuần ấu trùng được nở ra, qua 2 lần lột xác thành ấu trùng có sức gây bệnh. Ấu trùng này có màng bọc bên ngoài dài 0,59 – 0,69 mm, ruột có 30 – 40 tế bào. Ấu trùng có sức gây bệnh vào cơ thể ký chủ bằng 2 con đường: qua da (là chủ yếu), qua đường tiêu hóa. Sau khi chui vào da, ấu trùng theo máu về tim, phổi. Phần nhiều ấu trùng này cũng giống ấu trùng giun đũa, chui vào phế bào, qua khí quản tới hầu rồi về ruột. Một số ấu trùng có thể theo máu di hành đến các cơ quan gây nên những điểm xuất huyết, sau đó ấu trùng chết đi.

Ấu trùng có thể từ mẹ truyền sang bào thai làm cho con bị nhiễm trước khi được đẻ ra.

Ấu trùng được ký chủ nuốt vào đường tiêu hóa thường chui vào thành ruột và thành dạ dày, ở đó vài ngày rồi đến xoang ruột, bám vào niêm mạc ruột và phát triển thành giun trưởng thành.

5.8.1.4. Dịch tễ học

Tỷ lệ nhiễm cao và bệnh nặng thường thấy ở chó con (Phạm Văn Khuê, 1967), tỷ lệ nhiễm giun móc ở chó săn là 75 – 82% (qua kiểm tra phân của 92 chó săn), chó ngoại nhiễm 83%, chó nuôi nhiễm 63%.

Sức đề kháng của trứng: Nhiệt độ thích hợp 25 – 300C, dưới 220C phát triển chậm, 12 – 170C trứng ngừng phát triển, ở 00C trứng và ấu trùng dễ chết. Ở nhiệt độ 370C một số trứng bị chết, ở 400C toàn bộ trứng chết nhanh.

Phạm vi hoạt động của trứng ấu trùng giun móc tương đối hẹp (ở xung quanh đống phân) do đó chó nuôi nhốt ở trong chuồng, ở sân chơi hẹp thường hay bị tái nhiễm.

5.8.1.5. Cơ chế sinh bệnh

- Tác động cơ giới: Ấu trùng chui qua da làm con vật ngứa và viêm da. Ấu trùng còn gây tổn thương ở phổi. Giun trưởng thành hút nhiều máu, răng ở miệng gây tổn thương niêm mạc, mạch máu.

- Tác động do độc tố: Giun tiết độc tố gây trúng độc, phá vỡ hồng cầu, làm máu không đông, làm hồng cầu và huyết sắc tố giảm, bạch cầu toan tính tăng.

Niêm mạc thiếu máu, gầy còm, suy nhược, có khi thủy thũng. Khi nhiễm nặng con vật bỏ ăn, kiết lỵ và táo bón xen kẽ lẫn nhau, trong phân có lẫn máu.

5.8.1.7. Bệnh tích

Thiếu máu, thủy thũng. Trên niêm mạc có điểm xuất huyết, chất chứa ở ruột có lẫn máu, gan và thận thoái hóa mỡ.

5.8.1.8. Chẩn đoán

Căn cứ vào triệu chứng lâm sàng, đặc điểm dịch tễ. Xét nghiệm phân bằng phương pháp phù nổi Fulleborn tìm trứng giun móc. Mổ khám tìm giun móc ở ruột.

5.8.1.9. Điều trị

- Levamisol và Tetramisol: 5 – 7 mg/kg TT. Đề phòng phản ứng thuốc nên cho chó ăn nhẹ, sau 20 phút mới cho uống nước. Có thể dùng thuốc 2 lần cách nhau 12 giờ.

- Mebendazol: Chó 3 – 9 kg dùng 3 viên x 100 mg trong 3 ngày liền, mỗi ngày uống 1 viên trước bữa ăn sáng 1 giờ.

Chó 10 – 20 kg dùng 6 viên x 100 mg trong 3 ngày liền, mỗi ngày uống 2 viên (1 viên sáng, 1 viên chiều), trước bữa ăn 1 giờ.

- Piperazin: Có hiệu quả cao với Un. Stenocephala, liều 100 – 300 mg/kg TT, cho uống 3 ngày liền, hiệu quả đạt 100% , nhưng đối với A.canimum chỉ đạt 40%.

5.8.1.10. Phòng bệnh

Áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp: Giữ vệ sinh chuồng nuôi, sân chơi. Định kỳ kiểm tra phân chó và cho uống thuốc tẩy.

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG BỆNH KÝ SINH TRÙNG THÚ Y (TÀI LIỆU DÙNG CHO SINH VIÊN NGÀNH CHĂN NUÔI THÚ Y) (Trang 114)