Bệnh giun đũa ở chó (Toxocariosis)

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG BỆNH KÝ SINH TRÙNG THÚ Y (TÀI LIỆU DÙNG CHO SINH VIÊN NGÀNH CHĂN NUÔI THÚ Y) (Trang 91)

5.2.5.1. Căn bệnh, ký chủ và vị trí ký sinh

- Căn bệnh: Do 2 loài giun tròn là Toxocara canis thuộc họ Anisakidae

- Vị trí ký sinh: Ruột non, dạ dày.

5.2.5.2. Hình thái căn bệnh - Toxocara canis:

Màu vàng nhạt, đầu hơi cong về phía bụng. Có cánh đầu rộng. Giữa dạ dày và ruột có dạ dày nhỏ (đây là đặc điểm của họ Anisakidae).

Giun đực dài 5 – 10 cm, đuôi cong, hơi tù, có cánh đuôi và một đôi gai giao hợp dài bằng nhau (0,75 – 0,85 mm). Giun cái dài 9 – 18 cm, đuôi thẳng.

Trứng hình bầu dục, màu vàng, vỏ dày, vỏ trứng lỗ chỗ như tổ ong, kích thước 0,08 – 0,085 x 0,064 x 0,072 mm.

- Toxascaris leonine:

Màu vàng nhạt, cánh đầu rất hẹp, hơi cong về phía lưng. Giun đực dài 4 – 6 cm, đuôi nhọn không tù như T. canis, không có cánh đuôi, có 1 đôi giao hợp dài bằng nhau (1,2 – 1,5 mm). Giun cái: dài 6,5 – 10 cm.

Trứng hơi tròn, vỏ ngoài nhẵn, đường kính 0,075 – 0,085 mm.

5.2.5.3. Vòng đời

- T. canis: Giun cái sau khi thụ tinh đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoài, sau 5 ngày thành trứng có ấu trùng có sức gây bệnh. Khi chó nuốt trứng này, tới ruột ấu trùng nở ra, theo máu về gan, phổi, khí quản, vào miệng rồi trở lại ruột non phát triển thành giun trưởng thành.

Một số ấu trùng sau khi vào phổi không vào phế quản mà vẫn theo đại tuần hoàn về các tổ chức làm thành kén, ấu trùng ở trong kén không chết và cũng không phát triển. Nếu chó ăn phải kén có ấu trùng thì vào ruột tiếp tục phát triển thành giun trưởng thành. Ấu trùng có thể qua nhau thai vào thai (có trường hợp chó sơ sinh đã có giun đũa).

Như vậy, chó có thể nhiễm giun đũa qua 3 đường: + Qua thức ăn, nước uống.

+ Ăn thịt chó còn sống có kén mang ấu trùng. + Qua bào thai.

- T. leonina: Phát triển trực tiếp. Trứng theo phân ra ngoài nếu gặp điều kiện thuận lợi, nhiệt độ ở 300C sau 3 ngày, trứng phát triển thành trứng có ấu trùng có sức gây bệnh. Nếu ấu trùng này xâm nhập vào vật chủ, ấu trùng sẽ phát triển thành dạng trưởng thành ở ruột sau 3 – 4 tuần.

5.2.5.4. Dịch tễ học

- T. canis thường ký sinh ở chó con, còn T.leonina thường ký sinh ở chó 6 tháng tuổi trở lên. Tỷ lệ nhiễm giun đũa ở chó giảm dần theo lứa tuổi. Chó sơ sinh đến 4 tháng tuổi nhiễm 53%, 6 tháng đến 1 năm tuổi nhiễm 25%, trưởng thành 12%).

- Chó ngoại và chó cái nhiễm giun đũa cao hơn (chó đực nhiễm 17%, chó cái nhiễm 28%).

- Trứng giun có sức đề kháng mạnh, có thể phát triển được trong các dung dịch Clorua thủy ngân, Sunfat đồng, Sunfat kẽm nồng độ cao.

5.2.5.5. Cơ chế sinh bệnh

- Tác động cơ giới: Ấu trùng di hành làm tổn thương một số cơ quan, tổ chức như niêm mạc ruột, gan, phổi, mạch máu…Giun trưởng thành dùng lá môi bám vào niêm mạc ruột non gây tổn thương, viêm niêm mạc ruột. Số lượng giun ký sinh nhiều gây tắc ruột, có khi làm thủng ruột. Giun chui ống dẫn mật làm tắc ống dẫn mật, con vật có thể chết.

- Tác động do độc tố: Gây trúng độc, gây ra các triệu chứng thần kinh.

- Tác động chiếm đoạt dinh dưỡng: Giun lấy dưỡng chấp ruột non làm con vật gầy yếu, suy dinh dưỡng.

- Tác động mang trùng: Ấu trùng giun mang các vi khuẩn đến các cơ quan, tổ chức gây viêm, gây ra các bệnh truyền nhiễm.

5.2.5.6. Triệu chứng

Con vật gầy còm, chậm lớn, thiếu máu. Ăn kém, nôn mửa, táo bón sau ỉa chảy, lông xù, có khi có triệu chứng như động kinh hay bệnh dại.

5.2.5.7. Chẩn đoán

Căn cứ vào triệu chứng lâm sàng, đặc điểm dịch tễ của bệnh. Xét nghiệm phân bằng phương pháp phù nổi Fulleborn tìm trứng giun. Phân biệt trứng của 2 loại giun trên.

Mổ khám tìm giun đũa ở ruột non, dạ dày chó.

5.2.5.8. Điều trị

- Piperazin hydrat: 100 – 150 mg/kgTT. - Piperazin citrate: 150 mg/kgTT.

- Piperazin adipat: 100 mg/kgTT. Cho con vật uống thuốc vào buổi sáng hoặc trộn thức ăn cho ăn.

- Levamisol: 15 – 20 mg/kgTT, trộn thức ăn cho ăn. 6 – 7 mg/kgTT, tiêm bắp thịt.

- Mebendazol 10%: 100 mg/kgTT, trộn thức ăn cho ăn.

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG BỆNH KÝ SINH TRÙNG THÚ Y (TÀI LIỆU DÙNG CHO SINH VIÊN NGÀNH CHĂN NUÔI THÚ Y) (Trang 91)