Bệnh sán dây Moniezia ở gia súc nhai lại (Monieziosis)

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG BỆNH KÝ SINH TRÙNG THÚ Y (TÀI LIỆU DÙNG CHO SINH VIÊN NGÀNH CHĂN NUÔI THÚ Y) (Trang 57)

4.3.1.1. Căn bệnh, ký chủ, vị trí ký sinh

- Căn bệnh: Do hai loài sán: Moniezia expansa M. benedeni gây nên.

- Ký chủ: Ký chủ cuối cùng là gia súc nhai lại như trâu, bò, dê, cừu, (gia súc non bê, nghé, dê, cừu non mắc bệnh nhiều hơn). Ký chủ trung gian là nhện đất thuộc họ

4.3.1.2. Hình thái căn bệnh

- M. expansa dài, dẹp, hình dải băng, màu trắng. Dài 1 – 5m, đốt sán rộng nhất có thể tới 1,6 cm. Đầu sán hơi tròn, mang 4 giác bám lớn hình bầu dục hay hình hơi tròn. Đốt sán có chiều rộng lớn hơn chiều dài. Mỗi đốt có cơ quan sinh dục gồm cơ quan sinh dục đực và cái.

Cơ quan sinh dục đực: Mỗi đốt sán có 300 – 400 tinh hoàn, tinh hoàn có dạng hình cầu rất nhỏ ở giữa đốt sán. Ống dẫn tinh chung thông với túi dương vật hình lê.

Cơ quan sinh dục cái: gồm hai buồng trứng, 2 tuyến dinh dưỡng, 1 tử cung và 2 âm đạo nằm ở 2 bên đốt sán. Mỗi âm đạo có lỗ thông ra ngoài ở 1 bên đốt sán. Phần sau mỗi đốt sán có tuyến giữa đốt xếp thành hàng ngang, hình vòng hoặc hình tròn. Trứng sán hình 3 cạnh hơi tròn hoặc 4 cạnh, trong có thai 6 móc được bao bọc trong một khí quan hình lê. Đường kính trứng là 0,05 – 0, 06 mm.

- M. benedeni có hình thái giống M. expansa, nhìn bên ngoài khó phân biệt được. Chỉ khác là đốt sán rộng hơn một chút, tuyến giữa đốt hình dải băng có nhiều điểm lấm tấm, tập trung ở giữa hoặc một bên đốt sán. Trứng M. benedeni có đường kính 0,063 – 0,086 mm.

4.3.1.3. Vòng đời

Cần 1 ký chủ trung gian là nhện đất.

Sán dây trưởng thành ký sinh ở ruột non của gia súc nhai lại. Đốt sán chửa theo phân ra ngoài, vỡ ra giải phóng nhiều trứng sán. Trứng có thai 6 móc bị nhện đất họ

Orbatidae (mites) nuốt vào. Ở ống tiêu hóa của nhện đất, ấu trùng 6 móc nở ra và phát triển thành Cysticercoid có sức gây bệnh và nằm trong cơ thể nhện. Thời gian phát triển ở nhện đất là 120 – 180 ngày. Gia súc nhai lại ăn cỏ, lá cây có lẫn nhện đất mang ấu trùng vào đường tiêu hóa của ký chủ, ấu trùng được giải phóng và phát triển thành sán dây trưởng thành.

Thời gian hoàn thành vòng đời ở cơ thể gia súc tùy loài sán dây: M.expansa cần 37 – 40 ngày, M. benedeni là 50 ngày.

Sán dây trưởng thành ký sinh ở trong ruột non của ký chủ: 2,5 – 5 tháng, có thể tới 5 – 6 tháng.

4.3.1.4. Dịch tễ học

- Sán Moniezia được coi là gây bệnh nặng nhất cho dê, cừu; có khi bệnh phát thành dịch làm chết đến 80% số dê, cừu, nhất là dê, cừu non 3 – 4 tháng tuổi.

- Tuổi của ký chủ: Tuổi của gia súc càng cao thì tỷ lệ nhiễm sán dây Moniezia

càng thấp. Ở bê từ 3 – 4 tháng tuổi bệnh phát lẻ tẻ. Ở gia súc trưởng thành bệnh thấy ít hơn, bê từ 8 tháng tuổi trở lên nhiễm sán ít, dê từ 1 năm tuổi trở đi tỷ lệ nhiễm sán thấp.

- Yếu tố lây truyền: Sự nhiễm sán dây hoàn toàn phụ thuộc vào sự phân bố nhện đất trên bãi chăn. Theo nhiều tài liệu thì có 28 loài nhện đất họ Orbatidae, trong đó có 2

loài là ký chủ trung gian của Moniezia: Scheloribates laerigatus, S. latipes. Nhện đất sống trên bãi cỏ hoang với số lượng rất lớn (6.100 – 15.200 con/cm2). Ở nhiệt độ 200C, ẩm độ 100% chỉ 49 – 109 ngày là nhện đất phát triển thành nhện trưởng thành, thời gian sống từ 14 – 19 tháng. Vì vậy căn bệnh tồn tại lâu trong thiê nhiên. Khi khô hạn, quá nóng hoặc quá lạnh thì nhện đất di chuyển xuống rễ cây, có khi sâu 4 – 5 cm. Khi trời mưa, đất ẩm ướt nhện đất bò lên cây cỏ. thường chúng hoạt động vào sáng sớm, buổi chiều, chiều tối. Giữa trưa ánh sáng mạnh ít thấy nhện đất.

- Sức đề kháng của trứng: Khi trứng sán ở nước hoặc ở chuồng gia súc ẩm ướt trong 10 – 15 ngày có 30 – 40% trứng chết, sau 40 – 50 ngày có 93 – 99% chết, ở nơi khô ráo trong 6 giờ có tới 30 – 35% chết. Trứng trong phân khô cạn chết 98% sau 10 ngày.

4.3.1.5. Cơ chế sinh bệnh

- Tác động cơ giới: Sán trưởng thành dùng giác bám, bám rất chắc vào ruột non gây tổn thương và làm xuất huyết ruột non, viêm cata. Niêm mạc ruột bị đầu sán dây bám vào sùi lên và có màu nâu đỏ.

Số lượng sán ký sinh nhiều gây tắc ruột, lồng ruột thậm chí làm vỡ ruột.

- Tác động do độc tố: Sán tiết ra chất độc làm ruột, màng treo ruột, hạch lâm ba, thận…bị tổn thương làm gia súc non chậm lớn, sức đề kháng giảm dễ mắc bệnh truyền nhiễm và bệnh ký sinh trùng khác.

- Tác động chiếm đoạt dinh dưỡng: Sán dây lấy dưỡng chấp của ruột non ký chủ. Bằng phương pháp nguyên tử đánh dấu người ta đã theo dõi được sự phát triển của sán dây Moniezia ở ruột gia súc nhai lại và thấy: 1 sán dây Moniezia dài ra 8 cm/1 ngày đêm. Điều đó chứng tỏ, sán dây đã lấy nhiều chất dinh dưỡng của ký chủ làm cho gia súc gầy, suy nhược, còi cọc.

4.3.1.6. Triệu chứng

Mức độ cảm nhiễm sán quyết định mức độ biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Khi bị nhẹ có biểu hiện triệu chứng lâm sàng không rõ.

Khi bị nặng con vật ăn ít, khát nước. Ỉa chảy, trong phân có nhiều đốt sán hoặc cả đoạn sán dây. Có khi sốt, thiếu máu, gầy yếu, da khô, lông xù, mất độ bóng, dễ rụng. Con vật đi chậm sau đàn, thường hay nằm, khó đứng dậy niêm mạc nhợt nhạt, trắng bệch. Một số con có biểu hiện triệu chứng thần kinh: đầu lúc lắc, đi quay vòng tròn run rẩy.

4.3.1.7. Bệnh tích

Bệnh tích ở gia súc non thấy rõ hơn ở gia súc trưởng thành.

- Niêm mạc ruột xuất huyết, viêm cata, có nhiều sán dây trong ruột non.

- Đối với dê, cừu: khi mổ khám nhìn từ bên ngoài thấy sán dây nằm dọc theo ruột và có màu trắng mờ do ruột non mỏng.

- Ruột non viêm cata, có những điểm xuất huyết, xung quanh những chỗ mà đầu sán dây bám vào niêm mạc ruột sùi lên.

- Xoang ngực, xoang bụng và xoang bao tim có nước đục hoặc hơi trong, phổi tích nước, màng bao tim có điểm xuất huyết.

4.3.1.8. Chẩn đoán

* Đối với gia súc còn sống:

- Căn cứ vào triệu chứng lâm sàng, kiểm tra xem phân có lẫn đốt sán không, - Căn cứ vào đặc điểm dịch tễ.

- Xét nghiệm phân bằng phương pháp gạn rửa sa lắng để tìm đốt sán sán dây ở cặn của phân. Có thể làm phương pháp phù nổi để tìm trứng sán dây (chú ý: chỉ thấy trứng sán khi đốt sán bị vỡ ra và giải phóng nhiều trứng sán).

- Với gia súc còn sống cũng có thể chẩn đoán bằng điều trị: Đun dung dịch Sulfat đồng 1% với liều 2 - 3 ml/kgP, cho uống. Sau 8 – 10 giờ nếu có, sán bị tẩy ra hoặc cho uống Niclosamid – tetramisol B liều 66 mg/kgP để chẩn đoán qua kết quả điều trị.

* Đối với gia súc chết:

Mổ khám gia súc đã chết để kiểm tra bệnh tích và tìm sán trưởng thành ở ruột non.

4.3.1.9. Điều trị

Điều trị bệnh sán dây Moniezia có thể dùng các thuốc sau:

- Dung dịch Sulfat đồng 1% với liều lượng từ 15 ml đến 150 ml tuỳ theo tuổi và loại vật chủ.

Đối với bê: dùng liều chung là 2 - 3 ml/kgTT. Bê 3 - 6 tháng tuổi: 120 - 150 ml. Đối với dê: dùng liều chung là 1,5 - 2 ml/kgTT. Dê trưởng thành: không quá 60 ml. Dung dịch Sulfat đồng 1% dùng tẩy sán dây Moniezia có ưu điểm: hiệu quả cao, giá thành hạ, dễ áp dụng. Khi pha dung dịch Sulfat đồng 1% cần chú ý:

+ Pha bằng nước cất hoặc nước mưa sạch, không dùng dụng cụ kim loại. Có thể dùng đồ thuỷ tinh, đồ gỗ, pha xong dùng ngay. Cho uống qua ống cao su, một đầu gắn với phễu để đổ thuốc vào, không để thuốc lọt vào khí quản.

+ Nếu súc vật trúng độc, cho ăn 1 - 3 quả trứng gà sống hoặc uống 5 - 10 gam Oxyt magie (MgO).

- Niclosamid: Cho uống 70 – 80 mg/kg TT. Niclosamid được bào chế ở dạng bột, viên nén, viên nhộng, cốm và nhũ tương. Tốt nhất là chế thuốc thành dạng nhũ tương rồi cho uống ngay.

- Niclosamid – tetramisol B: dùng điều trị bệnh sán dây Moniezia, các bệnh giun tròn đường tiêu hoá và bệnh giun phổi. Liều dùng 1 viên/75 – 80 kg TT. Cho uống. Thuốc có hiệu lực cao và an toàn đối với gia súc.

- Vermitan (Albendazol 20%): 25 – 35 mg/kgTT. Trộn thức ăn cho ăn hoặc hòa nước cho uống.

- Cũng có thể sử dụng Oxfendazol: Liều dùng 5 mg/kgTT. Cho uống.

Sử dụng thuốc Oxfendazole, Vermitan, Niclosamid - Tetramisol B tẩy sán dây Moniezia cho dê ở tỉnh Thái Nguyên, Nguyễn Thị Kim Lan (2000) cho biết, Oxfendazole liều 5 mg/kgTT (cho uống) có hiệu lực tẩy Moniezia thấp (70%), ngoài ra còn làm cho 5% số dê dùng thuốc có phản ứng phụ. Thuốc Vermitan 20%, liều 35 mg/kgTT (cho uống) có hiệu lực tẩy Moniezia đạt 90% và an toàn 100%. Thuốc Niclosamid - Tetramisol B, liều 66 mg/kgTT (cho uống) đạt hiệu lực 100% với Moniezia và an toàn 100% với dê được dùng thuốc.

4.3.1.10. Phòng bệnh

- Định kỳ tẩy sán dây cho gia súc nhai lại. Tẩy sán dây cho súc vật trước khi sán thành thục. Đàn gia súc chăn dắt trên bãi đã có mầm bệnh thì sau khi chăn 30 - 35 ngày, phải dùng thuốc tẩy và không để chậm quá sau ngày thứ 50, vì một lần tẩy có thể không hết sán, sau 10 -15 ngày tẩy lại lần thứ hai.

- Giữ vệ sinh đồng cỏ, khai hoang đồng cỏ, trồng cấy những loại cỏ có ích, cải tạo đồng cỏ nhằm diệt mầm bệnh và khống chế ký chủ trung gian.

- Trong thời gian chăn thả, có thể cho gia súc uống thuốc phòng: Sulfat đồng với muối ăn theo tỷ lệ 1/100 hoặc Sulfat đồng với Phenothiazin và muối ăn theo tỷ lệ 1/5/100, cho ăn liên tục chỉ cho nghỉ từ 1 – 2 tuần lễ vào lúc trời nắng.

- Thực hiện những biện pháp chống bệnh sán dây cho các súc vật khác như dê, cừu, bò trưởng thành, vì có thể truyền bệnh lẫn cho nhau và cho súc vật non.

- Thu gom phân, tập trung phân ủ phân để diệt trứng và ấu trùng sán dây.

- Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho gia súc nhai lại.

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG BỆNH KÝ SINH TRÙNG THÚ Y (TÀI LIỆU DÙNG CHO SINH VIÊN NGÀNH CHĂN NUÔI THÚ Y) (Trang 57)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(172 trang)
w