- Thực hiện các biện pháp phòng trừ tổng hợp: định kỳ tẩy giun, phân gia súc phải ủ để diệt trùng, giữ vệ sinh thức ăn, nước uống.
9.2.1. Bệnh tiên mao trùng (Trypanosomois)
9.2.1.1. Căn bệnh, ký chủ, vị trí ký sinh
Bệnh tiên mao trùng do roi trùng Trypanosoma avansi gây ra.
Phạm vi ký chủ rất rộng: Ngựa, lừa, lạc đà, trâu, bò, dê, cừu, chuột bạch, chó, mèo, chuột lang, thỏ…
9.2.1.2. Hình thái căn bệnh
T.envansi dài 18 – 34 µ. Có hình thoi, giữa có một nhân, có một roi từ thể hình roi cách đuôi tiên mao trùng khoảng 1,5 µ. Roi này chạy dọc theo thân và tạo thành nhiều màng rung động, cuối cùng roi này lơ lửng ở phần đầu và thành roi tự do, dài khoảng 6 µ. Nhờ roi và màng rung động nên tiên mao trùng di chuyển được ở trong máu. Xem tiêu bản máu tươi có tiên mao trùng trên phiến kính thấy chúng di chuyển rất nhanh. Khi phết kính, nhuộm giemsa thì thấy: nguyên sinh chất bắt màu xanh nhạt, nhân bắt màu hồng.
9.2.1.3. Dịch tễ học
- Sự phân bố bệnh: Bệnh thường phân bố ở vùng nhiệt đới và á nhiệt đới, ở châu Á, châu Phi, châu Âu, châu Úc đều có bệnh.
- Truyền bệnh: Do vật môi giới, truyền bệnh bằng cách cơ giới. Căn bệnh có thể duy trì sức sống ở vật môi giới 24 – 44 giờ, nếu trong thời gian này ruồi trâu chưa kịp mang căn bệnh cho con vật khác thì căn bệnh sẽ chết ở vòi hút của vòi trâu. Vì vậy mùa phát sinh có liên quan chặt chẽ với mùa côn trùng hoạt động. Trong vòng một năm ruồi hoạt động từ tháng 5 đến tháng 9, sau đó giảm đi.
- Ký chủ mang căn bệnh rất lâu dài, đóng vai trò rất quan trọng gieo truyền căn bệnh (trâu, bò mang căn bệnh 2 – 3 năm, ngựa và lừa tới 5 năm), căn bệnh có thể qua mẹ vào thai.
- Trong vùng đang có bệnh lưu hành thì tỷ lệ cảm nhiễm của con vật có thể rất cao. Tình trạng này phụ thuộc vào các yếu tố sau:
+ Số lượng vật môi giới truyền bệnh.
+ Các biện pháp phòng trừ có hiệu quả không. - Bệnh lưu hành mãn tính do 3 yếu tố quyết định: + Vật gieo truyền (ruồi trâu, mòng).
+ Vật mang căn bệnh và bảo tồn (súc vật bệnh). + Động vật dễ cảm nhiễm (súc vật khỏe).
- Sức đề kháng của căn bệnh yếu: Dễ chết khi tiếp xúc với nước cất, cồn, thuốc sát trùng. Căn bệnh chết sau 30 giờ trong xác chết của con vật vào mùa lạnh.
- Tiên mao trùng có thể nuôi cấy được trong thai gà, vịt, ngỗng. Có tác giả nuôi cấy được trong môi trường nhân tạo.
9.2.1.4. Triệu chứng
* Ở trâu, bò:
Thường ở thể mãn tính. Biểu hiện:
- Sốt lên xuống, sốt 1 - 2 ngày, nhiệt độ 40 – 410C, sau đó nghỉ sốt 2 - 6 ngày rồi lại sốt. Có một số trường hợp ngoại lệ có thể sốt liên miên, kéo dài 18 ngày, nghỉ sốt 2 - 6 ngày.
- Ở thời kỳ cuối có một số trâu bò bị thủy thũng, hồng cầu, huyết sắc tố giảm. - Một số trâu bò có chửa bị sảy thai.
* Ở ngựa:
Có 3 thể là cấp tính, á cấp tính và mãn tính, thời kỳ nung bệnh dài 1-1,5 tháng. Thể mãn tính thì thời gian nung bệnh tới 4 - 6 tháng. Ở ngựa thường có triệu chứng điển hình như sau:
- Sốt cao: Sốt trên 400C, trạng thái sốt lên xuống, có một thời kỳ sốt 2 - 3 ngày, sốt tới 40 - 42°C, sau đó nghỉ sốt tới 4 - 6 ngày rồi lại sốt. Có thể kéo dài tới 20 ngày và ngừng sốt tới 14 ngày.
+ Khi con vật sốt dễ tìm thấy tiên mao trùng ở mạch máu ngoại vi. + Mạch nhanh 60 - 80 lần/phút, lần số hô hấp tăng lên 20 lần. + Lượng nước tiểu giảm, nước tiểu có màu vàng.
+ Sau 2 - 3 ngày thân nhiệt hạ thấp, trong máu ít thấy tiên mao trùng. Trong giai đoạn này, các triệu chứng trên giảm dần, nhưng sau 2 - 3 tuần lễ lại sốt cao. Qua nhiều lần sốt cao lên xuống, con vật ăn kém, bỏ ăn, gầy dần, tim yếu, thiếu máu nặng, hạch sưng.
- Thủy thũng (phù): Triệu chứng thủy thũng dưới da biểu hiện vào ngày thứ 6 - 7 sau khi mắc bệnh, có khi sau 3 tuần mới thấy thủy thũng. Lúc đầu thủy thũng ở âm hộ gần phía bụng, sau lan dần lên ngực và xung quanh vú. Giai đoạn cuối thấy phù ở môi, mí mắt, dưới hàm rồi tới 4 chân. Hiện tượng phù có thể mất đi, có thể biểu hiện trở lại nếu không chữa chạy kịp thời.
- Thần kinh: Kế tiếp các triệu chứng trên thì thấy triệu chứng thần kinh xuất hiện, con vật mệt mỏi, đi lại siêu vẹo, quay vòng, bốn chân run, hay nằm. Thời kỳ cuối 4 chân bị tê liệt và con vật chết.
+ Hồng cầu bị phá hoại nên số lượng hồng cầu và Hb giảm.
9.2.1.5. Chẩn đoán
Việc chẩn đoán tương đối khó khăn vì căn bệnh có khi ở mạch máu ngoại vi, có khi không. Do đó phải chẩn đoán tổng hợp:
- Căn cứ vào triệu chứng điển hình: Sốt lên xuống, thủy thũng, có triệu chứng thần kinh…
- Dựa vào các đặc điểm dịch tễ học của bệnh: Vùng mắc bệnh, mùa phát bệnh, môi giới truyền bệnh.
- Điều trị chẩn đoán: Dùng 1 trong 3 loại thuốc đặc hiệu để điều trị chẩn đoán: berenil, tryapmidium, naganin.
Vấn đề quan trọng là phải thực hiện chẩn đoán ở trong phòng thí nghiệm. Gồm các bước sau:
- Phương pháp xem tươi: Lấy một giọt máu ở con vật nghi có bệnh, cho lên phiến kính sạch và khô, cho thêm một giọt Natri citrate 3,8% hòa lẫn, đậy lá kính lên, soi ở kính hiển vi (độ phóng đại 10 x 10). Nếu có sẽ thấy tiên mao trùng chuyển động làm rung hồng cầu trong máu.
- Phương pháp tập trung: Lấy máu con vật cho vào 1 ống ly tâm, thêm 2 - 3 ml Natri citrate 3,8%, khẽ lắc cho máu và chất chống đông máu hòa lẫn vào nhau, để yên khoảng 15 phút, dùng ống hút, hút một giọt huyết thanh ở ranh giới giữa hồng bạch cầu và huyết thanh, cho lên phiến kính, soi kính hiển vi tìm căn bệnh.
- Phương pháp nhuộm Giemsa: Phiết kính máu, cố định bằng cồn, rồi nhuộm Giemsa (như nhuộm tiêu bản vi trùng). Kiểm tra tiêu bản đã nhuộm qua kính hiển vi, vật kính dầu, độ phóng đại 10 x 90. Nếu có bệnh sẽ thấy tiên mao trùng hình thoi, có nhân và roi.
* Chẩn đoán bằng phương pháp miễn dịch học