5.2.4.1. Căn bệnh, ký chủ, vị trí ký sinh
- Căn bệnh: Do loài giun tròn có tên Ascaridiosis galli gây nên. - Ký chủ: Gà, gà tây, gà rừng.
- Vị trí: Ruột non, dạ dày.
5.2.4.2. Hình thái căn bệnh
- Thân hình sợi chỉ, màu vàng nhạt hoặc trắng, thân có vân ngang, có 3 lá môi bao quanh miệng. Trên mỗi môi có răng.
- Kích thước tương đối lớn. Giun đực dài 26 – 70 mm, có cánh đuôi và 10 đôi gai chồi, có bàn hút trước gậu môn hình tròn (đường kính 0,17 – 0,23mm), có 2 gai giao hợp dài bằng nhau (0,63 – 1,95 mm), phía trên phình to, phía đầu gai rất nhọn. Giun cái dài 65 – 110 mm, âm hộ ở đoạn giữa thân.
5.2.4.3. Vòng đời
Vòng đời của giun đũa gà không cần ký chủ trung gian.
Giun cái sau khi thụ tinh đẻ trứng với số lượng rất nhiều (trung bình một giun cái đẻ 72.500 trứng/ngày), trứng theo phân ra ngoài. Nếu gặp điều kiện thích hợp (nhiệt độ, độ ẩm) thì trứng phát triển thành trứng có ấu trùng có sức gây bệnh. Trứng lẫn vào thức ăn, nước uống của gà. Vào đường tiêu hóa, tới dạ dày tuyến và dạ dày cơ thì ấu trùng nở ra, di hành tới đoạn trước ruột non. Sau 1 – 2 giờ ấu trùng chui vào tuyến ruột và phát triển ở đó 19 ngày rồi lại trở lại xoang ruột và phát triển thành giun trưởng thành.
Thời gian hoàn thành vòng đời là 35 – 58 ngày.
5.2.4.4. Dịch tễ học
- Bệnh giun đũa gà phân bố rộng ở các đồng bằng, trung du, miền núi. Theo Phạm Văn Khuê, Phan Lục (1996) tỷ lệ nhiễm giun đũa gà ở các tỉnh là từ 33,3% - 69%. Tuy nhiên tỷ lệ nhiễm bệnh còn phụ thuộc vào tình trạng vệ sinh chuồng trại, thức ăn, nước uống.
- Khẩu phần thức ăn thiếu vitamin A, B thì tỷ lệ nhiễm giun tăng lên và giun có kích thước lớn hơn so với gà ăn đủ vitamin A, B.
- Lứa tuổi gà cũng ảnh hưởng tới tỷ lệ nhiễm giun. Một số tác giả nghiên cứu thấy từ tuổi trưởng thành trở đi thì tỷ lệ nhiễm giun đũa giảm, nhưng một số tác giả khác lại cho biết tỷ lệ nhiễm giun đũa gà không biến động theo lứa tuổi.
- Trứng giun đũa gà phát triển tốt ở 17 - 390C, ẩm độ 90 – 100%. Ở nhiệt độ quá cao (>500C) trứng bị chết nhanh.
5.2.4.5. Cơ chế sinh bệnh
- Tác động cơ giới: Ấu trùng xâm nhập và gây tổn thương, phá hoại niêm mạc và nhung mao ruột, gây viêm, tụ máu. Giai đoạn trưởng thành, giun dùng lá môi bám vào thành ruột non gây viêm cata, rối loạn tiêu hóa. Số lượng giun đũa ký sinh nhiều có thể gây tắc ruột hoặc thủng ruột.
- Tác động do độc tố: Làm gà trúng độc, giảm lượng trứng, chậm lớn. Trường hợp bị bệnh nặng sẽ tác động đến thần kinh làm cho gà bị liệt cánh, liệt chân.
- Tác động chiếm đoạt dinh dưỡng: Giun lấy dưỡng chấp ruột non làm cho gà thiếu dinh dưỡng, gầy yếu, thiếu máu.
- Tác động mang trùng:Ấu trùng mang theo vi khuẩn vào tuyến ruột gây viêm tuyến ruột.
5.2.4.6. Triệu chứng
- Trường hợp nhiễm nhẹ triệu chứng không rõ.
- Trường hợp nhiễm nặng có triệu chứng rõ: Gà con sau khi nhiễm 10 – 40 ngày thấy gà gầy yếu, còi cọc, lông xù, xã cánh. Ăn kém, mào nhợt nhạt hoặc trắng bệch. Phân
lúc lỏng, lúc bình thường. Bệnh nặng có triệu chứng thần kinh, liệt cánh, liệt chân, lúc này gà nằm bẹp, bỏ ăn và chết.
5.2.4.7. Bệnh tích
Xác chết gầy, lông xù, mào tím hoặc nhợt nhạt. Ruột non có nhiều giun đũa ký sinh. Niêm mạc ruột bị tổn thương, có hiện tượng viêm, thủy thũng, xung huyết, tụ huyết. Gan thường tụ huyết.
5.2.4.8. Chẩn đoán
- Đối với con vật sống: Căn cứ vào triệu chứng lâm sàng, đặc điểm dịch tễ của bệnh. Xét nghiệm phân bằng phương pháp Fullebron để tìm trứng giun đũa gà. Chú ý cần phân biệt trứng giun đũa và trứng giun kim gà.
- Đối với gà chết: Mổ khám gà kiểm tra bệnh tích và tìm giun đũa ký sinh.
5.2.4.9. Điều trị
- Piperazin: 200 – 300 mg/kgTT. Trộn lẫn thức ăn. Hiệu quả tốt. Có thể pha vào nước cho gà uống theo tỷ lệ 1 lít nước pha với 4g Piperazin (hiệu quả đạt 80% với giun trưởng thành).
- Phenothiazin 500 – 1.000 mg/kgTT (gà con), 2.000 mg/kgTT (gà lớn). Trộn lẫn thức ăn cho gà ăn.
- Mebendazol 10%: 400 mg/kgTT, trộn thức ăn cho gà ăn.
- Dầu xăng: 2,5 – 3 ml/kgTT, tiêm vào diều gà, hiệu quả đạt 70 – 100% (Theo Phạm Văn Khuê, Phan Văn Lục).
Chú ý: Khi tẩy giun cần nhốt gà 3 ngày để tập trung phân ủ, vệ sinh và tiêu độc dụng cụ và chuồng nuôi gà.
5.2.4.10. Phòng bệnh
Định kỳ tẩy giun đũa cho gà mọi lứa tuổi bằng Piperazin hoặc Phenothiazin. Nếu tẩy để điều trị thì liều cho gà lớn là 2 g gà nhỏ là 0,5 – 1,0 kg/kgTT. Nếu tẩy để phòng bệnh thì dùng 25 g Phenothiazin trộn với 10 kg thức ăn, cho ăn 1 lần trong 1 tuần.
Tập trung phân để ủ diệt trứng giun. Định kỳ làm vệ sinh nền chuồng, sân chơi và dụng cụ chăn nuôi.
Cách ly gà bệnh, nuôi riêng gà lớn và gà con để tránh sự cảm nhiễm trứng giun đũa có sức gây bệnh.
Tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng, khẩu phần thức ăn luôn đủ vitamin A, B để tăng sức đề kháng.