Đặc điểm hình thái, cấu tạo, chu trình phát triển, phân loại sán dây

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG BỆNH KÝ SINH TRÙNG THÚ Y (TÀI LIỆU DÙNG CHO SINH VIÊN NGÀNH CHĂN NUÔI THÚ Y) (Trang 54)

4.1.1. Đặc điểm hình thái, cấu tạo sán dây

Thân dẹp có hình dải băng, dài và dẹp, màu trắng hoặc trắng ngà. Kích thước giữa các loài có sự chênh lệch lớn. Có loài chỉ dài vài mm, có loài dài tới chục mét. Cơ thể sán dây được chia làm 3 phần:

- Đầu: Có dạng hình cầu. Một số loài đỉnh đầu có giác bám, loài không có giác bám thì có rãnh bám. Một số loài trên đỉnh đầu có mõm hút và rất nhiều móc (số lượng, hình thái và cách sắp xếp của móc thay đổi tùy theo mỗi loài giúp cho việc định loại).

- Cổ: Gồm một số đốt tiếp đầu. Từ các đốt cổ này sẽ sinh ra các đốt thân. Đốt cổ sán dây được gọi là đốt sinh trưởng. Cơ quan sinh sản ở đốt cổ chưa hình thành rõ.

- Thân: Là phần dài nhất của cơ thể, gồm có nhiều đốt. Chia làm 3 loại đốt:

Đốt chưa thành thục: Là những đốt giáp với đốt cổ, cơ quan sinh dục chưa phát triển hoàn toàn, chỉ thấy cơ quan sinh dục đực.

Đốt thành thục: Là những đốt ở giữa thân, cơ quan sinh dục trong các đốt sán này đã phát triển hoàn thiện, có đủ cơ quan sinh dục đực, cái và hệ bài tiết. Cấu tạo mỗi đốt tương tự như mỗi cơ thể sán lá nhưng không có hệ tiêu hóa.

Đốt già (đốt chửa): Nằm ở cuối thân sán, là những đốt sau khi thụ tinh bên trong chứa đầy tử cung với nhiều trứng sán. Cơ quan sinh dục đực thoái hóa. Đốt chửa thường xuyên được tách ra khỏi cơ thể sán theo phân ra ngoài. Đốt chửa có hình 4 cạnh, chiều dài lớn hơn chiều rộng hoặc chiều rộng lớn hơn chiều dài (tùy loại sán).

* Đặc điểm cấu tạo:

Cơ thể được cấu tạo bởi 3 lớp: lớp vỏ, lớp dưới vỏ và lớp cơ. Bên trong lớp cơ là cơ quan cơ quan nội tạng.

- Hệ hô hấp, tuần hoàn và tiêu hóa: không có. Sán dây lấy dinh dưỡng bằng cách thẩm thấu qua toàn bộ bề mặt của cơ thể.

- Hệ thần kinh: đơn giản, gồm nhiêu hạch ở đốt đầu, từ đó có hai sợi thần kinh nhỏ chạy xuyên qua các đốt và đi về cuối sán.

- Hệ bài tiết: đơn giản. Gồm 2 ống bài tiết chính bắt đầu ở phần cuối cơ thể từ một lỗ bài tiết chung, đi về phía trước đến tận đầu rồi ngoặt về phía sau đến phần cuối thân, cuối cùng đóng kín lại. Như vậy, sán dây chỉ có 2 ống bài tiết chạy dọc theo cơ thể và có các nhánh ngang nối với nhau. Hai ống làm thành một túi đựng nước tiểu chung ở cuối thân. Khi đốt cuối rụng đi thì mỗi ống bài tiết ở một bên thân thông với bên ngoài bằng một lỗ đặc biệt.

Quá trình phát triển như sau: Ở gần đốt cổ là đốt chưa thành thục, chưa phân chia rõ rệt cơ quan sinh dục đực và cái, sau đó cơ quan sinh dục đực và cái được hình thành. Cơ quan sinh dục đực được hình thành trước và thành thục dần, tiếp đó cơ quan sinh dục cái hình thành và thành thục. Cuối cùng đốt sán phát triển thành đốt thành thục. Sau khi giao phối, cơ quan sinh dục đực và các bộ phận khác thoái hóa dần, chỉ còn lại cơ quan sinh sản cái phát triển rất mạnh, trong đốt sán chỉ có tử cung chứa đầy trứng (đốt sán chửa). Đốt sán chửa theo phân ra ngoài.

Cơ quan sinh dục đực: gồm vài chục đến vài trăm tinh hoàn (tùy loài sán dây). Mỗi tinh hoàn có ống dẫn tinh riêng đổ vào ống dẫn tinh chung và cuối cùng thông ra ở lỗ sinh dục (cạnh lỗ sinh dục cái) thường là cạnh bên mỗi đốt. Cuối ống dẫn tinh là dương vật và túi dương vật.

Cơ quan sinh dục cái: cấu tạo phức tạp hơn. Gồm có buồng trứng, ống dẫn trứng, tuyến noãn hoàng, túi chứa tinh, tử cung…

Ở giữa có túi trứng thông với buồng trứng, tuyến dinh dưỡng, tuyến Mehlis, tử cung và âm đạo. Cuối âm đạo là lỗ sinh dục cái thông ra ngoài ở cạnh lỗ sinh dục đực. Có một buồng trứng phân thành 2 thùy. Trứng sán khi thành thục đi vào tử cung. Tử cung của sán dây bộ Pseudophyllidae có hình ống, có lỗ thông ra bên ngoài nên trứng được đẻ ra bên ngoài, tử cung của sán dây bộ Cyclophyllidae là túi khép kín nên sán không đẻ trứng mà đốt sán già rụng và theo phân ra ngoài.

Sán dây thụ tinh theo hình thức tự thụ tinh hoặc thụ tinh chéo.

Trứng sán dây bộ Cyclophyllidae: hình tròn hoặc hơi bầu dục, có 4 lớp vỏ, trong có phôi 6 móc. Còn trứng sán dây bộ Pseudophyllidae: có hình thái giống trứng sán lá (một đầu có nắp).

4.1.2. Vòng đời (chu trình phát triển)

Phần lớn các loài sán dây ký sinh ở gia súc đều cần một hoặc hai ký chủ trung gian, chỉ có một ít loài ký sinh ở động vật gặm nhấm và người là không cần ký chủ trung gian. a. Vòng đời của sán dây bộ Pseudophyllidea (bộ giả diệp)

Vòng đời của sán dây hai rãnh Diphylloborthrium latum ký sinh ở người và gia súc. Sán trưởng thành đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoài. Nếu trứng rơi vào nước thì sau 10 – 15 ngày nở thành ấu trùng Coracidi có lông bao bọc và chuyển động trong nước rồi bị giáp xác Cyclops nuốt. Tới ruột giáp xác, Coracidi rụng lông và chui vào thành ruột, một thời gian sau phát triển thành ấu trùng Procercoid, thân nhỏ, một đầu hình cầu một đầu hình thoi, 6 móc vẫn được bọc trong hình cầu. Khi ký chủ trung gian bổ sung là cá nuốt giáp xác thì sau 1 – 4 tuần, ấu trùng phát triển thành ấu trùng Plerocercoid ở trong cơ của cá (dài 6mm, đốt đầu có rãnh bám không rõ lắm, không chia đốt). Khi người ăn cá chưa nấu chín thì vào tới ruột, ấu trùng phát triển thành sán dây trưởng thành.

b. Vòng đời của sán dây bộ Cyclophylliadae (bộ viên diệp): có hai trường hợp: * Vòng đời của sán dây không cần ký chủ trung gian

Vòng đời của sán dây Hymenolepsis nana ký sinh ở trong ruột người, chuột. Sán dây trưởng thành ký sinh trên cơ thể ký chủ, đốt sán chửa rụng theo phân ra ngoài, vỡ ra và giải phóng ra nhiều trứng sán.Ở ngoại cảnh, gặp điều kiện thuận lợi thì sau một thời gian thành ấu trùng có sức gây bệnh. Trứng lẫn vào thức ăn, nước uống, được ký chủ cuối cùng nuốt vào, sau 10 – 12 ngày phát triển thành sán trưởng thành.

* Vòng đời của sán dây cần ký chủ trung gian

Tùy theo loài sán dây mà trong vòng đời cần ký chủ trung gian là động vật không xương sống hay động vật có xương sống.

- Ký chủ trung gian là động vật không xương sống:

Ví dụ: Vòng đời của sán dây Moniezia ký sinh ở gia súc nhai lại cần ký chủ trung gian là nhện đất. Sán dây Moniezia ký sinh ở ruột non của gia súc nhai lại, đốt sán chửa rụng theo phân ra ngoài, vỡ ra giải phóng nhiều trứng sán. Nếu nhện đất họ Oribatidae

nuốt phải trứng sán, vào đường tiêu hóa của nhện đất, trứng nở thành ấu trùng

Cysticercoid. Nếu gia súc nhai lại ăn cỏ có lẫn nhện đất thì ấu trùng sẽ phát triển thành sán dây trưởng thành ký sinh ở ruột non.

- Ký chủ trung gian là động vật có xương sống:

Ví dụ: Vòng đời của sán dây Taenia solium có ký chủ trung gian là lợn. Sán dây

Taenia solium ký sinh ở ruột non người. Đốt sán chửa rụng theo phân ra ngoài. Nếu lợn nuốt phải đốt sán hoặc trứng sán, vào tới ruột nở thành ấu trùng 6 móc, ấu trùng này theo máu đến các bắp thịt và tạo thành gạo (Cysticercus cellulosae). Nếu người ăn thịt lợn gạo chưa nấu chín thì ấu trùng sẽ phát triển thành sán trưởng thành ở ruột non của người.

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG BỆNH KÝ SINH TRÙNG THÚ Y (TÀI LIỆU DÙNG CHO SINH VIÊN NGÀNH CHĂN NUÔI THÚ Y) (Trang 54)