Bệnh sán lá ruột lợn (Fasciolopsis)

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG BỆNH KÝ SINH TRÙNG THÚ Y (TÀI LIỆU DÙNG CHO SINH VIÊN NGÀNH CHĂN NUÔI THÚ Y) (Trang 41)

3.2.2.1. Căn bệnh, ký chủ và vị trí ký sinh

- Căn bệnh: Bệnh sán lá ruột lợn do sán Fasciolopsis buski gây nên.

- Ký chủ: Sán thường ký sinh ở ruột lợn (lợn rừng, lợn nhà) đôi khi thấy ở người, chó mèo. Ký chủ trung gian là những ốc nước ngọt: Planorbis coenosus, Segmentica calathus, Hippeutis cantori….

- Vị trí ký sinh: Ruột non lợn.

Bệnh Fasciolopsis phổ biến ở những nước nhiệt đới thuộc vùng đông nam Châu Á: Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Indonexia. Ở nước ta lợn nhiễm từ 23 – 50,1% với cường độ nhiễm từ 1 – 283 sán trong một cơ thể.

Tác hại lớn nhất của bệnh là làm lợn sinh trưởng chậm. Trung bình mỗi sán làm giảm 1,86 – 2,57g thịt trong một ngày. Lợn nái nhiễm bệnh thường gầy còm, thiếu sữa làm lợn con dễ mắc bệnh ỉa chảy phân trắng, còi cọc và tỷ lệ chết cao khi cai sữa.

Người bị nhiễm sán bị thiếu máu, gầy còm, đau bụng, ỉa chảy phù toàn thân. Bệnh nặng có thể chết.

3.2.2.2. Hình thái căn bệnh

Fasciolopsis buski thân dẹp, hình lá, màu đỏ hồng (còn gọi là sán tai hồng, sán bã trầu), phình rộng về phía sau, thon nhỏ về phía đầu. Sán dài 20 – 70 mm, rộng 8 – 20 mm, dày 0,5 – 3 mm. Trên thân sán có phủ những gai nhỏ, có hai giác bám rất gần nhau

- Hệ tiêu hóa: Thực quản ngắn, hầu nhỏ. Manh tràng phân thành hai nhánh ngoằn ngoèo ở hai bên và kéo dài về phía cuối thân.

- Hệ sinh dục: Lưỡng tính. Hai tinh hoàn phân nhánh nhiều, xếp trên dưới ở phần sau thân sán. Buồng trứng phân nhánh ở phía trước tinh hoàn và giác bụng. Lỗ sinh sản ở phía sau giác bụng. Tuyến noãn hoàng phân nhánh hình cành cây ở hai bên thân sán.

Trứng sán có màu vàng chanh, hình bầu dục, thon dần về hai phía đầu. đầu nhỏ hơn có nắp trứng, trứng dài 0,13 – 0,14 mm, rộng 0,08 – 0,085 mm. Trong trứng có phôi bào xếp kín vỏ trứng.

3.2.2.3. Vòng đời

Vòng đời của sán lá ruột lợn cần một ký chủ trung gian là ốc nước ngọt.

Sán trưởng thành ký sinh ở ruột non lợn. Sau khi thụ tinh, sán đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoài (sức đẻ rất lớn 15.000 – 48.000 trứng/sán/ngày). Gặp điều kiện tự nhiên thích hợp: có nước, nhiệt độ 25 – 350C, ánh sáng, pH = 6 - 7, trứng phát triển thành mao ấu, thoát khỏi vỏ trứng và bơi trong nước tìm ký chủ trung gian (có thể sống 6 – 8h). Nếu gặp ký chủ trung gian là ốc nước ngọt, mao ấu sẽ chui vào cơ thể ốc, rụng lông và phát triển thành bào ấu, bào ấu lại sinh sản vô tính cho ra nhiều lôi ấu. Lôi ấu tiếp tục sinh sản vô tính cho ra nhiều vĩ ấu. (Thời gian từ khi mao ấu vào ký chủ trung gian đến khi thành vĩ ấu là khoảng 38 ngày). Vĩ ấu sẽ ra khỏi ký chủ trung gian, bơi tự do trong nước rồi bám vào cây cỏ thủy sinh, rụng đuôi tạo thành một lớp vỏ bao quanh và biến thành nang ấu. Nếu lợn, người nuốt phải nang ấu vào trong đường tiêu hóa, lớp vỏ ngoài sẽ bị phân hủy, giải phóng ra ấu trùng và phát triển thành sán trưởng thành ở ruột non lợn sau 3 tháng. Sán trưởng thành có thể sống ở lợn 2 năm, ở người 4 năm.

3.2.2.4. Dịch tễ học

- Ở nước ta bệnh Fasciolopsis phân bố ở lợn khắp các vùng, nhưng lợn vùng đồng bằng mắc nhiều hơn cả (53,6%, có nơi 100%), vùng trung du số lợn nhiễm có giảm đi (38,1%, có nơi 80%), ở vùng núi lợn bị bệnh ít hơn (8,3%, có nơi tới 50%).

- Nguồn phát tán bệnh chủ yếu là lợn mang sán. Mỗi sán trưởng thành có khả năng đẻ 15000 – 18000 trứng một ngày, sán lại có thể sống 2 – 4,5 năm. Vậy mỗi lợn mang sán đã thải ra môi trường bên ngoài lượng trứng rất lớn. Mỗi trứng gặp điều kiện thuận lợi phát triển thành khá nhiều mầm bệnh có khả năng gây nhiễm.

- Những vùng lầy lội, ẩm thấp nhất là những ruộng trồng cây thức ăn cho lợn ( rau muống, rau lấp, bèo dâu…) bón bằng phân lợn chưa ủ kỹ chính là nơi mầm bệnh tồn tại và phát triển.

- Lợn mắc bệnh ở cả bốn mùa ở vụ hè - thu (tháng 5 – tháng 11) lợn mắc bệnh nhiều nhất. Tuổi của lợn càng cao thì tỷ lệ nhiễm sán càng nhiều và cường độ nhiễm sán càng nặng. Tỷ lệ lợn mắc bệnh còn phụ thuộc vào phương thức cho ăn, lợn ăn sống các loại rau bèo dưới nước bị nhiễm sán nhiều hơn so với lợn ăn các loại rau cỏ trên cạn và ăn chín.

- Sức đề kháng của trứng Fasciolopsis buski và nang ấu không cao. Nếu ủ phân 18 ngày có thể diệt được trứng. Trứng sán bị diệt ở nhiệt độ trên 400C và pH ≥ 8. Sức đề kháng của nang ấu phụ thuộc vào môi trường, nhiệt độ trong nước từ 4 – 50C tồn tại 25 ngày, ở 24 – 280C trên 60 ngày, ở 32 – 390C trên 90 ngày.

3.2.2.5.Cơ chế sinh bệnh

- Tác động cơ giới: Trong quá trình sống ký sinh, sán trưởng thành dùng giác bám để bám vào niêm mạc ruột non gây tổn thương, làm viêm niêm mạc ruột. Nếu số lượng sán lá ký sinh nhiều trong ruột non sẽ gây tắc ruột.

- Tác động chiếm đoạt dinh dưỡng: Sán lá ruột lợn lấy dưỡng chấp của cơ thể làm cho con vật bị thiếu dinh dưỡng dẫn đến thiếu máu, con vật suy nhược gầy yếu.

- Tác động do độc tố: Sán tiết ra độc tố làm cho thần kinh bị hưng phấn quá mức: đi lại nhiều trong chuồng, kêu nhiều, làm giảm ăn, ngủ của con vật, làm cho con vật gầy còm, thủy thũng, sút cân, giảm sức đề kháng.

3.2.2.6. Triệu chứng

- Lợn nhiễm bệnh ăn uống thất thường, gầy còm, thủy thũng, da khô, lông xù chậm lớn. - Thần kinh hưng phấn: đi lại nhiều trong chuồng, kém ăn, kém ngủ, kêu nhiều. - Thiếu máu, niêm mạc nhợt nhạt.

- Ỉa chảy xen kẽ với những đợt táo bón.

3.2.2.7. Bệnh tích

- Mổ khám súc vật mắc bệnh, dùng kéo cắt dọc ruột non thấy có nhiều dịch nhờn, có nhiều sán lá ký sinh.

- Niêm mạc ruột non có những điểm xuất huyết, viêm cata ruột non, niêm mạc ruột có màu đỏ nâu.

3.2.2.8. Chẩn đoán

* Đối với con vật sống:

- Căn cứ vào triệu chứng lâm sàng.

- Căn cứ vào đặc điểm dịch tễ: phương thức cho lợn ăn.

- Xét nghiệm phân bằng phương pháp gạn rửa sa lắng để tìm trứng sán lá ruột lợn. Trứng sán có đặc điểm: hình trứng, phình rộng ở giữa thon dần về phía hai đầu, ở đầu hơi nhỏ hơn có nắp, màu vỏ chanh, phôi bào to đều nhau, xếp kín vỏ trứng, ranh giới giữa các phôi bào không rõ ràng.

- Ngoài ra có thể làm phương pháp chẩn đoán miễn dịch: tiêm kháng nguyên nội bì, căn cứ vào phản ứng nơi tiêm để phát hiện bệnh. Hiện nay phương pháp chẩn đoán miễn dịch bệnh Fasciolopsis chưa được dùng rộng rãi.

* Đối với con vật chết:

3.2.2.9. Điều trị

- Từ tháng 5/2002 trở về trước:

Dipterex: Liều dùng 0,15 – 0,17kg/TT, trộn với thức ăn cho ăn một lần vào buổi sáng. Cho lợn nhịn đói 12 giờ trước khi dùng thuốc. Hiệu quả cao.

Nếu lợn trúng độc thì dùng Atropin để giải độc.

- Từ tháng 5/2002 đến nay, thuốc Dipterex đã bị cấm không được sử dụng trong điều trị bệnh vì rất độc.

Tuy nhiên có thể dùng:

- Tolzan-F: liều dùng 10 – 12 mg/kgTT, trộn thức ăn hoặc hòa nước cho uống. - Praziquantel: liều dùng 15 mg/kgTT, trộn thức ăn hoặc hòa nước cho uống.

3.2.2.10. Phòng bệnh

- Căn cứ vào những hiểu biết về đặc tính sinh vật học, dịch tễ học của F.buski, việc phòng trị bệnh Fasciolopsis cần phải tập trung giải quyết hai khâu chính:

+ Tẩy trừ sán trong cơ thể súc vật. + Diệt trừ căn bệnh ở môi trường ngoài. - Biện pháp cụ thể là:

Tẩy trừ F.buski cho lợn bị bệnh và lợn mang sán. Thời gian tẩy tốt nhất là trước lúc sán trưởng thành, chưa kịp đẻ trứng để tránh mầm bệnh gieo rắc ra môi trường ngoài và hạn chế tác hại của sán. Định kỳ tẩy sán lá cho lợn 2 lần/năm.

Ủ phân theo phương pháp sinh vật học để diệt trứng sán, không sử dụng phân tươi để trồng trọt. Không để nước rửa chuồng, nước cống rãnh có trứng sán chảy trực tiếp vào ruộng bèo và ruộng trồng cây thức ăn của lợn.

Diệt ký chủ trung gian: Dùng vôi bột (CaO), sunfat đồng (CuSO4), sunfat amon (NH4)2SO4; sunfat kali (K2SO4) để diệt ốc. Nuôi thủy cầm (vịt, ngan, ngỗng) ăn ốc. Làm khô đồng cỏ, bãi chăn, luân phiên trồng cây thức ăn. Thay ruộng trồng rau, bèo có nước thành ruộng trồng cây cạn để ký chủ trung gian không tồn tại.

Vệ sinh thức ăn, nước uống cho lợn. Thức ăn phải nấu, không cho lợn ăn sống các loại rau lấy thừ dưới nước lên. Tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng để tăng cường sức đề kháng cho lợn.

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG BỆNH KÝ SINH TRÙNG THÚ Y (TÀI LIỆU DÙNG CHO SINH VIÊN NGÀNH CHĂN NUÔI THÚ Y) (Trang 41)