Bệnh giun kim gà (Heterakiosis)

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG BỆNH KÝ SINH TRÙNG THÚ Y (TÀI LIỆU DÙNG CHO SINH VIÊN NGÀNH CHĂN NUÔI THÚ Y) (Trang 93)

5.3.1.1. Căn bệnh, ký chủ và vị trí ký sinh

- Căn bệnh: Do hai loài giun tròn thuộc giống Hetetrakis: Hetetrakis gallinae

H.beramporia gây nên.

- Ký chủ: Gà, gà tây, chim, các loài thủy cầm khác: vịt, ngan, ngỗng. - Vị trí ký sinh: Giun ký sinh ở manh tràng, ngoài ra còn thấy ở ruột non.

5.3.1.2. Hình thái căn bệnh

- H.gallinae:

Giun đực dài 5,8 – 11,1 mm, rộng nhất 0,27 – 0,39 mm, đuôi nhọn hình chiếc kim. Phía trước gần hậu môn có một giác hút hơi tròn. Có 2 gai giao hợp. Gai phải dài gấp 3 lần gai trái, cuối gai phải rất nhọn, dài độ 2 mm. Gai trái to, dài 0,65 – 0,7 mm.

Giun cái dài 7,9 – 11,4 mm; chỗ rộng nhất 0,27 – 0,45 mm. Chiều dài thực quản bằng 1/9 cơ thể. Hậu môn ở cách đuôi 0,9 – 1,24 mm.

Trứng hình bầu dục, có 2 lớp vỏ, một đầu trong suốt. Tế bào trứng có hạt lấm tấm, màu xám, dài 0,05 – 0,07 mm, rộng 0,03 – 0,039 mm.

- H.beramporia: Chỉ khác loài trên là gai giao hợp ngắn (một cái dài 350 μ, một cái dài 300 μ). Kích thước trứng là 50 μ x 30 μ.

5.3.1.3. Vòng đời

Giun cái sau khi thụ tinh đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoài, gặp điều kiện thích hợp, sau 7 – 12 ngày thành trứng có ấu trùng có sức gây bệnh. Gà nuốt phải trứng này sau 1 – 2 giờ ấu trùng nở ra, 24 giờ sau tới manh tràng và phát triển thành giun kim trưởng thành.

Có tác giả cho rằng: ở ruột non ấu trùng nở ra đến manh tràng chui vào thành manh tràng, ở đó khoảng 5 ngày rồi trở lại xoang manh tràng, phát triển thành giun trưởng thành. Hoàn thành vòng đời cần 24 ngày. Tuổi thọ của giun khoảng 1 năm.

5.3.1.4. Dịch tễ học

- Gà nhiễm giun kim rất phổ biến do nuốt phải trứng có sức gây bệnh ở chuồng, sân chơi, máng ăn…hoặc ấu trùng gây nhiễm trong giun đất. Giun đất có thể nhiễm giun kim, gà ăn phải giun đất sẽ bị bệnh. Do đó tỷ lệ nhiễm giun kim ở gà khá cao (>50%).

- Biến động nhiễm giun kim theo lứa tuổi: Qua mổ khám, Phạm Văn Khuê, Phan Lục cho biết tỷ lệ nhiễm giun có chiều hướng giảm dần theo lứa tuổi.

- Trứng giun kim có sức đề kháng tương đối cao với điều kiện ngoại cảnh do đó nó tồn tại ngoài tự nhiên rất dễ dàng. Trong H2SO4 1% hoặc NaCl 0,1% trứng vẫn phát triển. Nơi ẩm ướt thiếu ánh sáng, trứng giun tồn tại 9 tháng. Khi khô hạn, ánh sáng nắng chiếu trực tiếp, trứng bị chết nhanh. Phạm vi ký chủ của giun kim rộng (gia cầm, các loài chim) nên bệnh càng phổ biến ở khắp các vùng.

5.3.1.5. Cơ chế sinh bệnh

- Tác động cơ giới: Giun kim dùng lá môi bám vào niêm mạc ruột gây tổn thương viêm cata, xuất huyết niêm mạc ruột.

- Tác động do độc tố: Giun tiết độc tố làm cho gà bị trúng độc, còi cọc, chậm lớn. - Tác động chiếm đoạt dinh dưỡng: Giun lấy dưỡng chấp làm gà gầy yếu, gà con sinh trưởng rất chậm.

- Tác động mang trùng: Trứng giun mang theo đơn bào Histomonas meleagridis,

5.3.1.6. Triệu chứng

Gà ăn uống bình thường nhưng gầy yếu, thiếu máu, chậm lớn, mào nhợt nhạt, ủ rũ, phân loãng có lẫn máu. Gà con chậm lớn, gà đẻ giảm lượng trứng, có khi dừng đẻ. Nếu nặng thì gà gầy rạc, thiếu máu nặng, suy nhược mà chết.

5.3.1.7. Bệnh tích

Xác rất gầy, niêm mạc manh tràng viêm, niêm mạc dày và loét, trong manh tràng có nhiều giun kim ký sinh. Viêm gan, gan sưng, tụ huyết có khi gan cứng lại.

5.3.1.8. Chẩn đoán

- Với gà còn sống: Căn cứ vào triệu chứng lâm sàng, đặc điểm dịch tễ của bệnh. Xét nghiệm phân bằng phương pháp phù nổi Fulleborn để tìm trứng giun kim. Chú ý phân biệt giun kim với trứng giun đũa gà: trứng giun kim hình bầu dục hơi dài, kích thước 0,05 – 0,07 x 0,03 – 0,039 mm; còn trứng giun đũa gà có hình bầu dục hơi tròn, kích thước 0,07 – 0,09 x 0,047 – 0,051 mm).

- Với gà chết: Mổ khám gà chết tìm giun kim ký sinh.

5.3.1.9. Điều trị

- Sử dụng Phenothiazin: 1 g/kgTT, trộn lẫn thức ăn cho ăn hoặc cho uống, trước khi cho uống thuốc cho gà nhịn ăn 6 giờ.

- Piperazin: 250 – 300 mg/kgTT, trộn thức ăn cho ăn, cho hiệu quả tốt.

Người ta có thể phối hợp Phenothiazin và Piperazin để tẩy cả giun đũa và giun kim cho gà: dùng liều 875mg (tỷ lệ 7:1) hoặc dùng 0,75 g hỗn hợp (tỷ lệ 12:1). Cả 2 cách phối hợp này đều cho hiệu lực tẩy giun đũa là 100% và giun kim 94%.

- Mebendazol 10%: 400 mg/kgTT, trộn thức ăn cho ăn.

5.3.1.10. Phòng bệnh

- Định kỳ tẩy giun kim cho gà mái 2 lần/năm. Đối với gà bệnh phải tẩy giun kịp thời để tránh trứng phát tán ra ngoài.

- Khi tẩy giun phải nhốt gà để tập trung phân ủ diệt trứng giun kim.

- Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, thức ăn, nước uống, sân chơi, bãi thả cho gà. - Tăng cường khâu chăm sóc, nuôi dưỡng gà

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG BỆNH KÝ SINH TRÙNG THÚ Y (TÀI LIỆU DÙNG CHO SINH VIÊN NGÀNH CHĂN NUÔI THÚ Y) (Trang 93)