Bệnh giun đũa lợn (Ascariosis)

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG BỆNH KÝ SINH TRÙNG THÚ Y (TÀI LIỆU DÙNG CHO SINH VIÊN NGÀNH CHĂN NUÔI THÚ Y) (Trang 80)

5.2.1.1. Căn bệnh, ký chủ, vị trí ký sinh

- Căn bệnh: Do loài giun Ascaris suum gây nên. - Ký chủ: Lợn (lợn, lợn rừng).

- Vị trí ký sinh: Giun ký sinh ở ruột non của lợn.

5.2.1.2. Hình thái căn bệnh

Giun đũa lợn màu trắng sữa, hình ống, hai đầu hơi nhọn. Đầu có 3 môi bao quanh miệng (1 môi ở phía lưng và 2 môi ở phía bụng). Trên rìa môi có một hàm răng cưa rất rõ.

Giun đực có kích thước dài 12 – 15 cm, đường kính 3 mm, đuôi cong về mặt bụng, có hai gai giao hợp dài bằng nhau (1,2 – 2 mm), không có túi giao hợp. Giun cái dài 30 – 35 cm, đường kính 5 – 6 mm, đuôi thẳng.

Trứng hình bầu dục hơi ngắn, kích thước 0,056 – 0,087 x 0,046 – 0,067 mm, vỏ dày gồm 4 lớp vỏ: lớp ngoài cùng là protit, màu vàng cánh dán, nhấp nhô làn sóng có chức năng cản tia tử ngoại và bảo vệ trứng.

5.2.1.3. Vòng đời

Giun đũa lợn phát triển không cần ký chủ trung gian.

Giun cái đẻ mỗi ngày 200.000 trứng, trung bình một giun cái đẻ 27 triệu trứng. Trứng theo phân ra ngoài, ở nhiệt độ khoảng 240C và độ ẩm thích hợp, sau 2 tuần trong trứng có phôi thai, sau 1 tuần nữa thì phôi thai lột xác thành trứng có sức gây bệnh. Lợn nuốt phải trứng này thì ấu trùng nở ra ở ruột chui vào mạch máu niêm mạc, theo máu về gan. Một số ít chui vào ống lâm ba màng treo ruột, vào tĩnh mạch màng treo ruột rồi vào gan. Sau khi nhiễm 4 – 5 ngày thì hầu hết ấu trùng di hành tới phổi, sớm nhất là sau 18 giờ, muộn nhất sau 12 ngày vẫn có ấu trùng vào phổi. Khi tới phổi ấu trùng lột xác thành ấu trùng kỳ III. Ấu trùng này từ mạch máu phổi chui về phế bào, qua khí quản cùng với niêm dịch ấu trùng lên hầu, rồi được nuốt xuống ruột non, lột xác lần nữa và phát triển thành giun trưởng thành.

Thời gian ấu trùng di hành là 2 – 3 tuần. Trong khi di hành một số ấu trùng có thể vào lách, tuyến giáp trạng, não… Hoàn thành vòng đời cần 54 – 62 ngày.

Giun đũa sống bằng chất dinh dưỡng của ký chủ, đồng thời tiết dịch tiêu hóa phân giải tổ chức ở niêm mạc ruột và lấy tổ chức đó nuôi bản thân. Tuổi thọ của giun không quá 7 – 10 ngày. Nhưng điều kiện sống bất lợi (ký chủ sốt cao..) thì tuổi thọ giun ngắn hơn.

5.2.1.4. Dịch tễ học

- Bệnh phân bố ở lợn, tỷ lệ nhiễm có thể lên tới tới 70 – 80%, đặc biệt trong điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng, vệ sinh chuồng trại, thức ăn kém.

- Đường truyền bệnh: Chủ yếu qua đường miệng. Lợn liếm dụng cụ, máng ăn và đất ở bãi chăn nên trứng dễ theo vào đường tiêu hóa. Khi bón phân tươi cho ruộng trồng cây thức ăn thì trứng giun đũa sống được vài tháng ở thức ăn xanh. Lợn con nhiễm bệnh do lúc bú nuốt phải trứng giun ở đầu vú mẹ.

- Lợn thường bị nhiễm giun đũa nhiều nhất ở giai đoạn 1,5 – 4 tháng tuổi. Trên 4 tháng tuổi thì tỷ lệ nhiễm có chiều hướng giảm đi.

- Trứng giun đũa lợn có sức đề kháng rất cao với điều kiện ngoại cảnh do trứng có 4 lớp vỏ dày. Trong điều kiện tự nhiên sống được 1 – 2 năm, có sức đề kháng mạnh với một số chất hóa học: Formol 2%, H2SO4 1%, Creolin 3%, NaOH 2%....

Ở nhiệt độ 45 – 500C thì trứng chết trong nửa giờ, nước nóng 600C diệt trứng trong 5 phút, nước 700C chỉ cần 1 – 10 giây. Vì vậy ủ phân theo phương pháp nhiệt sinh vật học sẽ tiêu diệt được trứng giun đũa.

- Mối liên quan giữa giun đũa người (Ascaris lumbricoides) và giun đũa lợn: Đã có nhiều tranh luận về hai loại này là khác hay cùng một loài. Gây nhiễm nhân tạo thấy giun đũa người có thể nhiễm cho lợn và giun đũa lợn có thể nhiễm cho người.

Hiraishi (1928), Boer (1935) đã gây nhiễm giun đũa người cho lợn khi lợn ăn thức ăn thiếu vitamin A. Soulsby (1961) đã gây nhiễm được cho lợn mới đẻ không được bú sữa đầu đối với trứng giun đũa người.

Takate (1951) lấy trứng giun đũa lợn gây nhiễm cho 19 người lớn thì có 7 người bị nhiễm. Xét về mặt dịch tễ, ở một khu vực lợn nhiễm giun đũa với tỷ lệ rất cao nhưng người nhiễm không cao. Điều đó chứng tỏ giun đũa lợn và giun đũa người là hai loài khác nhau và không có liên quan trực tiếp.

5.2.1.5. Cơ chế sinh bệnh

- Tác động cơ giới: Thời kỳ ấu trùng hay trưởng thành đều gây bệnh. Ấu trùng di hành gây tổn thương, mở đường cho vi khuẩn vào cơ thể. Ấu trùng di hành qua qua phổi làm cho bệnh xuyễn lợn càng tăng hơn và tỷ lệ phát bệnh có thể tăng gấp 10 lần. Theo Underdahl (1957), nếu cho lợn khỏe nuốt trứng giun đũa, sau 5 ngày cho nhiễm bệnh xuyễn thì bệnh tích ở phổi rộng gấp 10 lần so với lợn chỉ bị xuyễn.

Khi ấu trùng theo máu vào gan gây lấm tấm xuất huyết, đồng thời hủy hoại tế bào gan. Khi ấu trùng từ mạch máu phổi di chuyển tới phế bào gây vỡ mạch máu, ở phổi có nhiều điểm xuất huyết, phổi bị viêm, triệu chứng viêm phổi có thể kéo dài 5 – 14 ngày, có khi làm con vật chết.

Khi là giun trưởng thành thì làm loét niêm mạc ruột non, gây tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa, gây đau bụng, ỉa chảy. Số lượng giun ký sinh nhiều gây tắc, thủng ruột, có khi vào ống dẫn mật làm tắc, gây hoàng đản.

- Tác động do độc tố: Giun đũa tiết độc tố gây nhiễm độc thần kinh trung ương và mạch máu, con vật có triệu chứng thần kinh (tê liệt hoặc hưng phấn).

- Tác động chiếm đoạt dinh dưỡng: Giun lấy dưỡng chấp ruột non, thải cặn bã gây độc cho ký chủ làm cho gia súc gầy yếu còi cọc.

5.2.1.6. Triệu chứng

- Lợn từ 3 – 6 tháng tuổi có triệu chứng rõ: Da khô, lông xù, chậm lớn, niêm mạc nhợt nhạt, trắng bệch.

- Khi ấu trùng vào phổi gây viêm phổi: thân nhiệt cao, ăn kém, hô hấp nhanh, ho. Khi giun trưởng thành thì triệu chứng không rõ: chậm lớn, gầy yếu, sút cân, rối loạn tiêu hóa: lúc táo bón, lúc ỉa chảy. Khi nhiễm nhiều giun làm tắc hoặc thủng ruột, gây viêm phúc mạc, đau bụng. Một số có có triệu chứng hưng phấn thần kinh đi lại loạng choạng quanh chuồng, ngủ kém.

- Lợn lớn thì triệu chứng không rõ.

5.2.1.7. Bệnh tích

- Viêm phổi màu sắc không đồng nhất, có những vùng màu hồng nhạt, có những vùng màu đỏ thẫm, phổi cứng hơn bình thường mất độ xốp.

- Cắt dọc chi nhánh khí quản phổi thấy có ấu trùng của giun đũa, lòng khí quản có niêm dịch màu hơi hồng.

- Gan có nốt hoại tử màu trắng.

- Ruột non có nhiều ký sinh, có thể tạo thành búi gây tắc ruột. Niêm mạc ruột viêm cata, loét. Đôi khi ruột thủng gây viêm phúc mạc.

5.2.1.8. Chẩn đoán

- Đối với súc vật sống: Kiểm tra phân bằng phương pháp phù nổi để tìm trứng giun. Có thể dùng phản ứng biến thái nội bì (dùng kháng nguyên pha loãng 1:200 tiêm nội bì vành ngoài tai hoặc nhỏ vào xoang kết mạc mắt). Phương pháp này rất tốt, không gây phản ứng chéo với các giun khác, có kết quả dương tính (+) sau khi nhiễm giun đũa 8 – 11 ngày.

- Đối với súc vật chết: Mổ khám tìm giun trưởng thành, ấu trùng và kiểm tra bệnh tích. - Lợn dưới 2 tháng tuổi: Mổ khám tìm ấu trùng giun ở phổi vì giun chưa đẻ trứng.

5.2.1.9. Điều trị

- Natri fluorat (NaF): 0,1 g/kgTT. Nhịn ăn 12 giờ trộn thuốc với một ít thức ăn ngon, sau khi uống thuốc cho lợn nhịn ăn 8 giờ nữa. Không cho lợn quá 8 gam thuốc vì dễ trúng độc (chảy nước bọt, nôn mửa, run giật). Hiệu quả 70 – 80%.

Lợn 4 – 6 kg: 1,2 g chia đều cho mỗi bữa ăn 0,2 g. Lợn 7 – 20 kg: 1,8 g chia đều cho mỗi bữa ăn 0,3 g. Lợn 20 – 40 kg: 3,0 g chia đều cho mỗi bữa ăn 0,5 g. Lợn > 40 kg: 3,6 g chia đều cho mỗi bữa ăn 0,6 g.

- Có thể dùng: Piperazin hydrat: 250 mg/kgTT hoặc Piperazin citrat: 150 mg/kgTT hoặc Piperazin clohydrat: 150 mg/kgTT. Không sử dụng Piperazin adipat.

Ngoài ra cũng có thể sử dụng một số loại thuốc phổ biến trên thị trường như: - Mebenvet: 0,2 g/kgTT. Trộn thức ăn.

- Levamisol: 6 – 6,5 mg/kgTT, tiêm bắp thịt.

- Tetramisol: 5 – 7,5 mg/kgTT, tiêm dưới da hoặc 50 mg/kgTT cho uống. - Mebendazol: Mebendazol nguyên chất: 20 mg/kgTT.

Mebendazol 10%: 200 mg/kgTT. Trộn thức ăn cho ăn.

5.2.1.10. Phòng bệnh

- Định kỳ tẩy giun đũa cho lợn: lợn con 2 – 3 tháng/lần, lớn 5 – 6 tháng/lần. - Thu gom phân, tập trung để ủ phân diệt trứng giun.

- Vệ sinh chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi khô ráo, sạch sẽ, cung cấp thức ăn, nước uống sạch cho vật nuôi.

- Tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng cho lợn để tăng sức đề kháng.

- Chú ý phòng bệnh cho lợn con mới đẻ đến 3 – 4 tháng tuổi. Tắm rửa cho lợn mạ trước khi đẻ, cho vào chuồng đẻ đã được sát trùng bằng nước sôi. Sau khi đẻ nhốt chung mẹ và con trong chuồng đẻ.

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG BỆNH KÝ SINH TRÙNG THÚ Y (TÀI LIỆU DÙNG CHO SINH VIÊN NGÀNH CHĂN NUÔI THÚ Y) (Trang 80)