Hình thái và sinh học của đơn bào ký sinh

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG BỆNH KÝ SINH TRÙNG THÚ Y (TÀI LIỆU DÙNG CHO SINH VIÊN NGÀNH CHĂN NUÔI THÚ Y) (Trang 144)

- Thực hiện các biện pháp phòng trừ tổng hợp: định kỳ tẩy giun, phân gia súc phải ủ để diệt trùng, giữ vệ sinh thức ăn, nước uống.

8.1. Hình thái và sinh học của đơn bào ký sinh

8.1.1. Hình thái

Cơ thể đơn bào thường do một tế bào rất nhỏ cấu thành, tổ chức của đơn bào gồm chất nguyên sinh, hạt và có khi có màng tế bào:

- Chất nguyên sinh: thường chia thành hai lớp, lớp ngoài tương đối dầy và thuần nhất, lớp trong là trạng thái hạt.

- Hạt có dạng tròn hay hình bầu dục, có khi dài hoặc cuộn khúc. Phần lớn có hạt đơn, cũng có khi có hạt kép hay nhiều hạt như trùng roi. Ngoài những hạt to chủ yếu ở trung tâm, còn có những hạt phụ (thể cơ động, trung thể).

Nhưng có khi đơn bào không có chất nguyên sinh, cả tế bào hầu như chỉ gồm có hạt, hoặc có khi không có hạt (cả tế bào chỉ có chất nguyên sinh). Thực ra những trường hợp này chỉ là do sự tập trung hay phân tán của chất nhiễm sắc ở trung tâm hay ở khắp đám nguyên sinh chất. Những đơn bào này là những động vật ở cấp thấp nhất (gần với vi khuẩn nhất).

- Màng tế bào thường không có, hoặc các lớp ngoài của nguyên sinh chất cứng lại thành một cái vỏ là biểu bì, hoặc bề mặt của nguyên sinh chất không đông đặc lại, cơ thể đơn bào vẫn mềm như một khối chất nhầy.

Ngoài ba bộ phận chủ yếu trên, đơn bào còn có những vật phụ bên ngoài, có chức năng vận động như chân giả, roi, lông tơ. Chân giả chỉ thấy ở những đơn bào không có màng tế bào. Chân giả là vật phụ tạm thời, hình dáng và chỗ phát sinh thay đổi; lúc nghỉ thì đơn bào hình tròn, nhẵn; khi hoạt động thì hình dáng không đều và thay đổi luôn. Trái lại, lông tơ và roi là những vật phụ vĩnh viễn, có hình dạng và vị trí cố định, thấy ở những đơn bào có màng tế bào. Lông tơ ngắn và nhiều, vận động nhanh như kiểu rung động. Roi là những lông dài và ít (từ 1-8), vận động nhanh như kiểu oằn oại chậm như đầu một cái roi.

Ngoài ra, trong cơ thể đơn bào còn thấy những thể không bào, chứa khí (CO2) hoặc chất lỏng (không bào tiết), hoặc chất đặc (không bào thức ăn và phân).

8.1.2. Sinh học

* Dinh dưỡng:

Dinh dưỡng của đơn bào, rất nhiều trường hợp, tiến hành trên toàn bộ cơ thể. Các chất dinh dưỡng thông qua cơ thể mà vào trong tế bào dù là ký sinh trùng sống trong huyết dịch (trùng roi), hoặc trong hồng cầu (lê dạng trùng) hoặc tế bào biểu bì (cầu trùng). Chỉ có một số ít dùng mồm lấy thức ăn.

* Sinh sản:

- Hình thức sinh sản đơn giản nhất là trực phân (sinh sản vô tính), tức là từ một tế bào mẹ trực tiếp phân chia thành hai tế bào con.

- Sinh sản hữu tính là sự kết hợp giữa hai tế bào sinh dục đực và cái gọi là phối tử. Phối tử đực, cái có thể giống nhau, hoặc khác nhau (tiểu và đại phối tử): phối tử đực nhỏ và hoạt động, phối tử cái to, chứa nhiều chất dự trữ và không hoạt động. Hai phối tử kết hợp thành trứng (hợp tử). Trứng phân tiết một cái màng cứng để tự bảo vệ chống những ảnh hưởng có hại của hoàn cảnh xung quanh.

* Vòng đời:

- Trong quá trình phát dục, đơn bào thường sinh sản vô tính, sau nhiều đời sinh sản vô tính thì chuyển sang sinh sản hữu tính. Có khi hai hình thức này xen kẽ nhau

- Đơn bào ký sinh gồm hai nhóm:

+ Một nhóm ký sinh vào tế bào, sống trong nguyên sinh chất tế bào (thường là tế bào biểu bì hay tế bào máu), không có khí quan di động và không di động được.

+ Một nhóm ở ngoài tế bào, sống tự do trong huyết dịch hay các các xoang cơ thể (máu, ruột…), có khí quan di động và có thể vận động được. Sự khác nhau về chỗ ký sinh và tính di động này dùng trong phân loại học.

- Một số đơn bào có thể ký sinh ở những ký chủ rất khác nhau. Một số khác loại chuyên sống ở những loài nhất định.

Ví dụ: Bệnh Surra do trùng roi (Trypanosome) thấy ở trâu, bò, ngựa, lạc đà, chó và nhiều loài động vật khác. Trái lại, bệnh cầu trùng ở loài nào là riêng cho loài ấy.

- Trong vòng đời của đơn bào ký sinh có thể chỉ cần 1 ký chủ, ví dụ: cầu trùng. Hoặc cần 2 ký chủ (là một ký chủ cuối cùng và một ký chủ trung gian), ví dụ: bệnh huyết bào tử trùng.

- Ký chủ trung gian: Động vật tiết túc truyền bệnh là ký chủ trung gian của đơn bào ký sinh. Ví dụ: ve là ký chủ trung gian của lê dạng trùng. Những loài tiết túc ăn máu ký chủ cuối cùng (gia súc) có vai trò quan trọng làm lây lan các bệnh do nguyên sinh động vật, đặc biệt các loài roi trùng và huyết bào tử trùng bắt buộc phải phát dục qua ký chủ trung gian. Cũng có khi ký chủ trung gian là đỉa, vắt. Đơn bào thuộc loài nhất định chỉ có thể phát dục trong loài tiết túc nhất định. Ví dụ: Piroplasma bigeminum chỉ phát dục trong cơ thể ve Boophilus microplus.

+ Có thể chia ký chủ trung gian thành 2 nhóm: Một nhóm là ký chủ trung gian hoạt động (tự nó có thể truyền đơn bào vào ký chủ cuối cùng), một nhóm là ký chủ trung gian thụ động (tự nó không truyền bệnh, mà ký chủ cuối cùng nuốt phải nó mà mắc bệnh).

+ Ký chủ trung gian thụ động mang đơn bào gây bệnh song đại thể chúng phải có lối thoát ra ngoài. Do đó động vật tiết túc phải dập nát hay bị gẫy chân… trên cơ thể gia súc thì đơn bào mới được giải phóng hoặc ký chủ trung gian phải được ký chủ cuối cùng nuốt đi.

Một phần của tài liệu BÀI GIẢNG BỆNH KÝ SINH TRÙNG THÚ Y (TÀI LIỆU DÙNG CHO SINH VIÊN NGÀNH CHĂN NUÔI THÚ Y) (Trang 144)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(172 trang)
w