- Những khó khăn về điều kiện sống, môi trường công tác của vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn ở Tây Nguyên chưa thể một sớm một chiều giải quyết. Những hạn chế của mặt bằng phát triển kinh tế, giáo dục - đào tạo; những hệ quả của lối sống khép kín, tự ti hay ỷ lại của một bộ phận đồng bào DTTS v.v.. là những trở ngại gây tác động tiêu cực nhất đến nhận thức, nhu cầu và trách nhiệm của các gia đình đồng bào DTTS trong việc đầu tư cho con em học tập nâng cao trình độ và tham gia công tác xã hội. Chế độ, chính sách của
Đảng, Nhà nước đối với CB, CC cơ sở nói chung, đối với công tác tạo nguồn CB, CC xã người DTTS nói riêng vẫn không đủ hấp dẫn để các đối tượng, nhất là nguồn xa yên tâm tham gia vào chuỗi quá trình tạo nguồn CB, CC của cơ sở.
- Những vướng mắc, hạn chế, yếu kém, tiêu cực trong quản lý KT-XH của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn Tây Nguyên kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết triệt để, trở thành những “vấn nạn”,ảnh hưởng đến đời sống, tình cảm, niềm tin của đồng bào các DTTS. Vấn đề quản lý đất đai, tài nguyên môi trường, tình trạng dân di cư tự do, nạn chặt phá, lấn chiếm đất rừng vẫn diễn biến rất phức tạp. Tình trạng học sinh bỏ học tiếp tục xảy ra; số học sinh, sinh việc tốt nghiệp chưa có việc làm khá đông; lao động thiếu việc làm mang tính thời vụ phổ biến. Các chương trình hỗ trợ của Chính phủ nhìn chung vẫn còn những vướng mắc, triển khai chậm, như dự án cấp điện cho các buôn làng DTTS; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo; công tác giao rừng, khoán bảo vệ rừng chưa hiệu quả; chủ trương “trả đất” cho đồng bào DTTS chưa được triển khai quyết liệt... Niềm tin của đồng bào DTTS đối với tổ chức đảng, chính quyền có sự suy giảm, là điều cản trở con em của họ đến với các dự án tạo nguồn CB, CC xã.
- Tình trạng đói giáp hạt, nghèo và tái nghèo trong các hộ đồng bào DTTS ảnh hưởng rất lớn đến khả năng phát triển thể lực và trí lực của lực lượng dân số trẻ hiện vẫn chưa kiểm soát được. Tỉnh Gia Lai đầu năm 2011 có 79.417 hộ nghèo (27,58%) trong đó 62.867 hộ DTTS, chiếm hơn 79% tổng số hộ nghèo. Có 4 huyện (Kông Chro; Krông Pa; Kbang; Ia Pa) và 66 xã tỷ lệ hộ nghèo trên 50% [186]. Tỉnh Đắk Nông, năm 2004 có 56% hộ nghèo, dù đã quyết liệt giảm, nhưng năm 2011 vẫn còn 29,25%, trong đó đồng bào DTTS là 47,25%, riêng đồng bào DTTS tại chỗ là 61,11% [130]. Đầu năm 2012, Đắk Lắk vẫn còn 14,8% số hộ nghèo. Trong đó, hộ nghèo DTTS chiếm hơn 30%, có 5 huyện tỷ lệ nghèo trên 40%, và còn 12 thôn, buôn tỷ lệ hộ nghèo 100%. Ở Kon Tum, đầu năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo 33,36%, trong đó hộ DTTS chiếm hơn 90% [18]. Lâm Đồng là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất trong khu vực (9,1%), nhưng trong số đó có 29% hộ đồng bào DTTS, và không ít hộ thuộc diện người có công, sống ở nông thôn, vùng sâu,
vùng xa [18]. Làm thế nào để tạo nguồn CB, CC người DTTS từ những vùng quá nghèo như thế? Tạo nguồn nhân lực DTTS, trong đó có nguồn CB, CC có chất lượng ra sao để tạo động lực thúc đẩy vùng có đông đồng bào DTTS thoát nghèo bền vững? Đó là câu hỏi mà các cấp uỷ đảng, chính quyền cần có lời giải ngay trong quá trình lãnh đạo và tổ chức thực hiện tạo nguồn CB, CC thời gian tới.
- Hoạt động của các tôn giáo ở Tây Nguyên diễn ra phức tạp, có những biểu hiện vi phạm pháp luật, đi chệch đường hướng hoạt động đã đăng ký với chính quyền, cũng như những hoạt động lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch vẫn đang tiếp diễn khiến nhiều nơi nảy sinh điểm nóng chính trị. Người Mỹ tăng cường những tác động, thúc đẩy hoạt động của Công giáo và Tin Lành Tây Nguyên phát triển. Một số đối tượng Tin Lành cực đoan có thái độ chống đối, tung tin bịa đặt, vu cáo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Các hội đoàn Công giáo không thực hiện việc đăng ký theo quy định của pháp luật. “Phật giáo Việt Nam thống nhất” vẫn ngấm ngầm hoạt động nhằm hướng đến công khai hoá về mặt tổ chức. Mâu thuẫn trong chức sắc Phật giáo gia tăng, điển hình là ở Lâm Đồng. Tình trạng tranh chấp, kiến nghị chính quyền, xin, đòi lại cơ sở thờ tự cũ nổi lên gay gắt ở một số địa phương. Một số “đạo lạ” xuất hiện (các địa phương xếp vào loại tà đạo) như Canh Tân Đặc Sủng ở Đăk Nông, Đăk Lăk , Hà Mòn ở Kon Tum. Quản lý nhà nước về tôn giáo nhiều chưa đủ mạnh để đấu tranh thành công với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tôn giáo... Trong sự phức tạp ấy, hiện tượng một số tổ chức, cá nhân chức sắc tôn giáo thiếu ủng hộ, thậm chí có biểu hiện ngăn cấm, cản trở giáo dân người DTTS tham gia vào các hoạt động chính trị - xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể ở địa phương là điều mà các cấp, các ngành ở Tây Nguyên đang phải đối diện.
- Sự chống phá các thế lực thù địch khiến cho tình hình an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Ảnh hưởng của tàn dư FULRO ở Tây Nguyên, sự hậu thuẫn FULRO lưu vong tại Mỹ của các thế lực thù địch chưa chấm dứt. Núp dưới chiêu bài tôn giáo “Tin Lành Đêga”, bọn phản động FULRO ngấm ngầm xây dựng mạng lưới cơ sở. Chúng
âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, thành lập “Nhà nước Đêga tự trị”, tiếp tục lôi kéo, kích động một bộ phận đồng bào DTTS ở Tây Nguyên biểu tình, bạo loạn. Vì mục tiêu giữ gìn ổn định trật tự, an ninh quốc gia, nhiều địa phương phải tập trung nhân lực và thời gian để đối phó, ảnh hưởng đến không ít các mặt hoạt động khác, trong đó có công tác cán bộ cơ sở.
Nhận thức rõ các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội trên địa bàn Tây Nguyên đang và có thể tiếp tục tác động (tích cực cũng như tiêu cực) đến công tác tạo nguồn CB, CC người DTTT là vấn đề cần thiết. Nó sẽ là cơ sở thực tiễn quan trọng để các cấp uỷ đảng, chính quyền Tây Nguyên định hướng mục tiêu, tận dụng lợi thế, phát huy các nguồn lực cho công tác tạo nguồn CB, CC người DTTS đúng đắn và hiệu quả.