dưỡng nâng cao trình độ nguồn gần
Tây Nguyên có mặt bằng dân trí tương đối thấp nên phát triển giáo dục - đào tạo để nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài là biện pháp quan trọng trong tạo
nguồn CB, CC người DTTS từ xa. Dân trí lên cao, chất lượng đầu vào của nguồn cao là tiền đề quan trọng để đảm bảo chất lượng CB, CC xã người DTTS về sau.
Đào tạo, bồi dưỡng nguồn thường xuyên sẽ nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, kỹ năng hoạt động cho đảng viên, cán bộ ở thôn, buôn, lực lượng nòng cốt của Mặt trận và các chi hội đoàn thể, người có uy tín trong cộng đồng DTTS, công chức tập sự, cán bộ giữ chức danh ở vị trí thấp chuẩn bị nguồn cho công chức và cán bộ người DTTS có chức danh cao hơn trong HTCT các xã. Việc đào tạo, bồi dưỡng nằm trong kế hoạch công tác của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương. Trên cơ sở chỉ tiêu của tỉnh, xét điều kiện và nhu cầu của xã, các huyện phân bổ số lượng, thành phần, các loại lớp được tham gia về xã và triệu tập theo danh sách xã đề nghị. Chi phí ăn ở, đi lại, tài liệu học tập của học viên được hỗ trợ theo quyết định của HĐND các tỉnh, có thể được vận dụng thêm tuỳ khả năng huy động các nguồn kinh phí khác của huyện và xã.
Giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn CB, CC xã người DTTS dựa vào hệ thống các trường học thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt là trường dân tộc nội trú; các trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện; trường chính trị tỉnh; các trường trung cấp, cao đẳng, đại học trong và ngoài công lập; các đơn vị vũ trang, các cơ quan văn hoá, thông tin, truyền thông đóng trên địa bàn.
Tuỳ theo khả năng nhận thức, xu hướng phát triển và nhu cầu nâng cao, bổ sung kiến thức của các đối tượng tạo nguồn khác nhau để lựa chọn nội dung và hình thức đào tạo, bồi dưỡng nguồn CB, CC xã người DTTS khác nhau. Đào tạo nguồn từ học sinh phổ thông người DTTS nói chung theo chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và đào tạo nghề của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành liên quan để trang bị kiến thức và kỹ năng hoạt động xã hội, nghề nghiệp một cách bài bản, liền mạch và đồng đẳng với học sinh khác. Tăng cường công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ, chống tái mù chữ. Mở rộng các chương trình có nội dung mang tính bổ khuyết, hỗ trợ như: tăng thời gian cho môn Tiếng Việt, mở thêm chương trình dự bị cho hệ cử tuyển. Với nguồn là CB, CC người DTTS chuyên trách và không chuyên trách ở xã, việc đào tạo chuyên môn, lý luận
chính trị, quản lý nhà nước từ trung cấp trở lên thực hiện với người ở độ tuổi còn trẻ, có khả năng phát triển dài lâu. Đào tạo lý luận gắn với thực tiễn, nâng cao trình độ gắn với rèn luyện, bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống của học viên người DTTS. Thường xuyên bồi dưỡng cập nhật kiến thức, thông tin mới cho CB, CC xã người DTTS đã qua đào tạo, nguồn đang là cán bộ thôn, buôn.