số ở Tây Nguyên
Việc tạo nguồn CB, CC xã người DTTS ở Tây Nguyên vừa có vai trò quan trọng của tạo nguồn cán bộ nói chung, vừa có có ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với Tây Nguyên. Vai trò đó thể hiện trên các mặt chính sau:
- Tạo nguồn CB, CC xã người DTTS là khâu có vị trí hàng đầu đối với quá trình nâng cao chất lượng đội ngũ CB, CC xã người DTTS ở Tây Nguyên.
Do điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, phong tục, tập quán, lối sống của đồng bào DTTS từ bao đời nay hạn chế quá trình phát triển của cộng đồng các DTTS ở Tây Nguyên, nên trong mỗi nội dung của tạo nguồn, yếu tố khuyến khích, thúc đẩy, ưu tiên, tạo điều kiện là bước khởi đầu quan trọng cho các đối tượng là người DTTS có niềm tin, có động lực và cơ hội để học tập, phấn đấu. Sự trao đổi, động viên của người có uy tín trong cộng đồng đối với con em DTTS về hướng phát triển, hay chính sách cử tuyển vào trường dân tộc nội trú, vào hệ dự bị đại học thể hiện rất rõ ý nghĩa này.
Đã có lúc trên thực tế, nguồn cán bộ người Kinh đáp ứng hơn yêu cầu về trình độ, năng lực so với người DTTS, nên nhiều nơi tạm bằng lòng với việc xây dựng đội ngũ CB, CC xã nặng về cơ cấu hình thức. Ví dụ: bố trí cán bộ người Kinh làm chủ tịch thì bố trí cán bộ người DTTS làm bí thư, hoặc ngược lại; cơ cấu cán bộ người Kinh giữ những chức danh “nặng gánh” để cho “được việc”, còn người DTTS giữ chức danh “nhẹ” hơn. Kiểu bố trí đó tạo nên tâm lý mặc cảm trong đội ngũ cán bộ DTTS, ngược lại có người lại hài lòng, an tâm về
“chỗ” của mình, không cần phấn đấu thêm. Bởi vậy, chủ trương tạo nguồn cán bộ DTTS của Đảng vừa đặt ra yêu cầu, vừa tạo nên động lực để thúc đẩy cả HTCT có trách nhiệm hơn trong phát hiện, tuyển chọn, tham gia xây dựng đội ngũ CB, CC người DTTS có chất lượng. Những con số thực tế trong sự phát triển của đội ngũ CB, CC các tỉnh Tây Nguyên thời gian qua đã cho thấy điều đó. Từ năm 2003 đến 2010, nhờ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở quyết liệt, mà trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị của CB, CC cơ sở, trong đó có CB, CC xã người DTTS được nâng lên rõ rệt [Phụ lục 10].
- Tạo nguồn giúp cấp uỷ địa phương chủ động trong bầu cử, bổ nhiệm, bố trí CB, CC xã người DTTS đủ về số lượng, bảo đảm về cơ cấu, chất lượng và có sự chuyển tiếp liên tục đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị.
Số lượng nguồn phong phú, đầy đủ các chức danh chuyên môn, cấp uỷ đảng và lãnh đạo chính quyền, các đoàn thể sẽ thuận lợi trong lựa chọn, cân nhắc các đối tượng ưu tú nhất để giới thiệu cho cán bộ, đảng viên, nhân dân và các đoàn thể quần chúng bầu cử cơ quan lãnh đạo, quản lý của mình. Khi một nguồn đã được chuẩn bị cho hai đến ba chức danh, hoặc một chức danh được chuẩn bị hai đến ba nguồn thì yêu cầu đảm bảo tỷ lệ trong cơ cấu cũng như chất lượng CB, CC người DTTS hoàn toàn có thể được đảm bảo. Sự hẫng hụt nhân sự DTTS cho bầu cử, hay thiếu số lượng nguồn nhân lực chuyên môn người DTTS cho tuyển dụng công chức cấp xã vào các vị trí cần thiết trong nhiều năm sẽ được giảm thiểu nhất.
- Tạo nguồn CB, CC xã người DTTS có ảnh hưởng lớn đến chất lượng hoạt động của HTCT các xã, đặc biệt là năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng nông thôn Tây Nguyên
Tạo nguồn gần - xét trong tổng thể hoạt động xây dựng đội ngũ CB, CC - là một biện pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của HTCT. Khi những CB, CC xã người DTTS trong diện quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý ở vị trí cao hơn, họ được đầu tư hơn về mặt bổ trợ kiến thức lãnh đạo, quản lý; được tham gia nhiều hơn các hoạt động giao lưu, tham quan, học tập kinh nghiệm; được luân chuyển, bố trí vào những vị trí khác nhau để tiếp tục đào tạo qua thực tiễn;
được chủ động hơn trong đề xuất và triển khai các mô hình mới, các biện pháp công tác có tính đột phá... Với phương thức đó, chất lượng công tác của CB, CC nguồn nâng lên nhanh chóng, cũng tức là hiệu quả những mặt hoạt động của HTCT liên quan đến đội ngũ này sẽ có sự chuyển biến theo chiều hướng tích cực hơn. Đối với đối tượng tạo nguồn diện CB, CC người DTTS hoạt động không chuyên trách ở xã, tạo nguồn vừa góp phần chuẩn hoá trình độ, vừa đặt họ vào các yêu cầu phấn đấu liên tục, tự nguyện, chủ động, nhạy bén, sáng tạo hơn trong quá trình cùng với CB, CC chuyên trách giải quyết các nhiệm vụ chính trị của xã. Đó là cơ sở để họ sớm có cơ hội trở thành CB, CC chuyên trách, và thông qua đó tạo sức bật cho cả guồng máy HTCT chạy nhanh hơn, nhịp nhàng, hiệu quả hơn.
Điều này cũng phù hợp với đánh giá chung của Bộ Nội vụ trong quá trình tham mưu tổng kết 07 năm thực hiện Quyết định số 253/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Một số giải pháp củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên” giai đoạn 2002-2010:
Trên cơ sở tạo nguồn và thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nên chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở được nâng lên; kết hợp với việc bố trí, sử dụng cán bộ phù hợp năng lực và chuyên môn đào tạo, am hiểu phong tục tập quán đồng bào địa phương đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở ngày càng rõ nét hơn; lề lối làm việc, tác phong công tác của đội ngũ CB, CC cơ sở có sự chuyển biến tích cực [103].
Đối với các thôn, buôn người DTTS, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, tạo nguồn CB, CC xã người DTTS thông qua nội dung phát triển đảng viên mới không chỉ góp phần tăng số lượng và chất lượng nguồn, mà còn thúc đẩy nhanh việc xoá tình trạng “trắng” đảng viên và tổ chức đảng độc lập. Đây là một trong những mục tiêu mà các cấp uỷ đảng ở Tây Nguyên đang quyết liệt tổ chức thực hiện nhằm củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng ở nông thôn. Nếu như năm 2003, 41% thôn, buôn ở Tây Nguyên chưa có chi bộ đảng độc lập, thì đến hết năm 2011 chỉ còn 7,93%, trong đó vùng DTTS từ 39,8% xuống còn 14%. Số thôn, buôn chưa có
đảng viên từ 13,91% cũng thu hẹp xuống 0,67%, trong đó vùng DTTS từ 21,7% xuống còn 2,49% [69], [8]. Đắk Nông chính là tỉnh đầu tiên trên toàn Tây Nguyên hoàn thành 100% mục tiêu này. Nó có ý nghĩa, khi mỗi đơn vị khu dân cư có tính độc lập là thôn, buôn có chi bộ riêng, với đảng viên là người tại chỗ, thì việc nắm bắt thông tin về tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, về tình hình, diễn biến của trật tự, an toàn xã hội, an ninh quốc gia trên địa bàn, về quá trình thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước... được cụ thể, rõ ràng, nhanh chóng. Việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng cơ sở đối với thôn, buôn, các Ban công tác Mặt trận, các hội đoàn thể được thực hiện thông qua chi bộ đảng tại chỗ sẽ kịp thời và toàn diện hơn. Các đảng viên nguồn CB, CC người DTTS thông qua thực hiện nhiệm vụ đảng viên cũng có điều kiện rèn luyện bản lĩnh, nâng cao năng lực cá nhân, đóng góp nhiều hơn cho sự lãnh đạo của tổ chức đảng ở cơ sở.
- Tạo nguồn CB, CC xã người DTTS góp phần quan trọng vào sự phát triển của cộng đồng các DTTS, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc ở Tây Nguyên
Tạo nguồn, nhất là tạo nguồn xa tuy tiêu tốn nhiều quỹ thời gian và kinh phí, nhưng mang lại hiệu quả xã hội khá sâu rộng và toàn diện. Từ lâu, việc cử tuyển vào các trường phổ thông dân tộc nội trú, vào các khoa dự bị đại học; việc ưu tiên cộng điểm đối với người DTTS vào các trường chuyên nghiệp; việc hỗ trợ một phần kinh phí ăn ở cho các học sinh DTTS trong suốt quá trình học v.v.. đã tạo điều kiện cho rất nhiều người thực sự khó khăn được đến trường, nâng cao trình độ học vấn, được tiếp cận với môi trường xã hội rộng mở. Từ đây, những tấm gương vượt khó học tập trở nên thành đạt đã khích lệ nhiều gia đình thay đổi nhận thức, đầu tư cho con em mình đi học nhiều hơn. Nạn bỏ học sớm, nạn tảo hôn, sinh con nhiều và dày của một bộ phận thanh niên DTTS đang bớt dần. Những người sau đào tạo về lại xã đều trở thành lực lượng nòng cốt trong các phong trào thi đua, là nguồn để cấp uỷ yên tâm quy hoạch cho đội ngũ CB, CC dài lâu. Tuy không ít nguồn sau đào tạo không về lại xã, nhưng trên mọi nẻo đường công tác, họ đều phát huy được vai trò của người trí thức DTTS, góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng đất nước và củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc.
Tiểu kết chương 1
Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng, nằm ở phía tây miền Trung Việt Nam, nơi hội tụ của 47 dân tộc anh em. Là chủ nhân đầu tiên của vùng đất Tây Nguyên, ngày nay người DTTS ở đây tiếp tục góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển của Tây nguyên.
CB, CC xã người DTTS ở các tỉnh Tây Nguyên có vai trò quan trọng trong hoạt động của cả HTCT, trong vận động đồng bào các DTTS. Để có đội ngũ CB, CC xã người DTTS, các tỉnh Tây Nguyên cần coi trọng và làm tốt các mặt công tác xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở, đặc biệt là tạo nguồn CB, CC xã người DTTS.
Tạo nguồn CB, CC xã người DTTS ở các tỉnh Tây Nguyên là một nhiệm vụ trong công tác cán bộ cơ sở của các cấp uỷ đảng địa phương, là quá trình gồm hệ thống các công việc từ xây dựng tiêu chuẩn, cơ cấu nguồn, đến phát hiện, lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, luân chuyển, bố trí và sử dụng nguồn cho HTCT nhằm tạo ra một đội ngũ những người trong các DTTS ở Tây Nguyên có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để bầu cử, tuyển dụng, bổ nhiệm làm CB, CC xã.
Việc tạo nguồn CB, CC xã người DTTS ở các tỉnh Tây Nguyên bao gồm các phương thức chủ yếu: Xây dựng tiêu chuẩn, cơ cấu nguồn; Thông qua phong trào quần chúng để rèn luyện, phát hiện nguồn, kết nạp đảng viên người DTTS; Phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài vùng đồng bào DTTS để tạo nguồn xa và tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nguồn gần; Thu hút đối tượng tạo nguồn người DTTS vào tổ chức, điều động, luân chuyển, bố trí qua các vị trí công tác khác nhau; Quy hoạch nguồn theo chức danh; Thực hiện các chính sách hỗ trợ tạo nguồn.
Tạo nguồn CB, CC xã người DTTS là khâu có vị trí hàng đầu đối với việc đảm bảo chất lượng đội ngũ CB, CC xã người DTTS ở Tây Nguyên. Tạo nguồn giúp cấp uỷ địa phương chủ động trong bầu cử, bổ nhiệm, bố trí CB, CC xã người DTTS phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị. Tạo nguồn CB, CC xã người DTTS có ảnh hưởng lớn đến chất lượng hoạt động của HTCT các xã, đặc biệt là năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng nông thôn Tây Nguyên. Đồng thời, tạo nguồn CB, CC xã người DTTS góp phần quan trọng cho sự phát triển của cộng đồng các DTTS, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc ở Tây Nguyên.
Chương 2