Về mặt số lượng, cơ cấu

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ khoa học chính trị tạo nguồn cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số ở các tỉnh tây nguyên giai đoạn hiện nay (Trang 84)

- Cơ cấu, tỷ lệ nguồn CB, CC người DTTS trên địa bàn Tây Nguyên so với cơ cấu dân tộc, tỷ lệ dân số chưa tương ứng. Ở Tuy Đức (Đắk Nông), nơi có 16 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó người DTTS tại chỗ chiếm 47%, ngoài ra còn một bộ phận không nhỏ đồng bào các dân tộc phía Bắc mới di cư vào, nhưng nguồn của cấp uỷ các xã là người DTTS chỉ chiếm 33%.

Hiện nay trên địa bàn Tây Nguyên, tỷ lệ đồng bào DTTS từ nơi khác đến đã chiếm tỷ lệ khá cao, nhưng số nằm trong quy hoạch tạo nguồn của cấp uỷ các xã chưa nhiều so với đồng bào DTTS tại chỗ.

- Số lượng nguồn xa thiếu ổn định. Một bộ phận học sinh người DTTS được cử tuyển đi học phổ thông, cao đẳng, đại học theo kế hoạch tạo nguồn của

các tỉnh không trở về xã công tác; các cấp lãnh đạo, quản lý ở địa phương cũng không nắm hết lực lượng này.

2.1.2.2. Về chất lượng

- Nguồn là những người đang công tác ở thôn, buôn phần lớn hạn chế về trình độ học vấn; kỹ năng làm việc thiên về cảm tính, kinh nghiệm, tầm bao quát hạn hẹp, khả năng phát triển không nhiều.

Năm 2009, Đắk Lắk có tỷ lệ cán bộ thôn, buôn, tổ dân phố là đảng viên chiếm 24,4%; trình độ học vấn tiểu học có 11,66%, trung học cơ sở có 58,80%, trung học phổ thông có 29,54%; chỉ 14,49% cán bộ cấp này có trình độ lý luận chính trị từ sơ cấp trở lên; trình độ chuyên môn sơ cấp 4,99%, trung cấp 3,99%, cao đẳng và đại học chỉ 0,98%... Theo đánh giá của Tỉnh uỷ Đắk Lắk, trình độ cán bộ thôn, buôn hạn chế ảnh hưởng đến khả năng tổ chức thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong thôn, bản. Một số cán bộ bị chi phối bởi quan hệ huyết thống nên giải quyết công việc cảm tính, thiếu công tâm, khách quan; cá biệt có nơi cán bộ còn làm nảy sinh mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư. Một số cán bộ không chịu học tập vươn lên, nên khó có thể đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

- Một bộ phận cán bộ nguồn đã qua đào tạo chính quy vẫn không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Ở Gia Lai, Đề án đào tạo cán bộ nguồn cho cơ sở được triển khai trong giai đoạn 2000-2010, có 308 đối tượng được chiêu sinh vào 4 lớp đào tạo trung cấp chính trị. Sơ kết 3 lớp đầu tiên có 199 học viên tốt nghiệp, trong đó 149 là người DTTS, 133 học viên xếp loại trung bình, 47 yếu kém. Khảo sát 128 học viên tốt nghiệp về địa phương, có 29 người phát huy tốt, 45 khá, 15 trung bình và 2 yếu kém. Ngoài ra, có 8 người tự ý bỏ việc, 4 người bị kỷ luật.

Ở xã Đạ Đờn (Lâm Hà, Lâm Đồng), hiện chỉ có 6/25 CB, CC là người DTTS (chiếm 24%), tỷ lệ này thấp hơn so với tỷ lệ nguồn và dự kiến của quy hoạch cấp uỷ. Thực tế là do uy tín cán bộ DTTS chưa cao nên kết quả bầu cử vừa qua không được như dự kiến.

Hiện nay, hàng năm đội ngũ CB, CC được đánh giá chất lượng và hiệu quả công tác, xếp loại theo 4 mức: tốt, khá, trung bình, yếu. Trong số những CB, CC xã xếp loại trung bình và yếu, có một bộ phận không nhỏ là CB, CC người DTTS, có người đang trong quy hoạch nguồn cho nhiệm kỳ tiếp theo.

- Tỷ lệ nguồn cán bộ xã người DTTS chưa được đào tạo chuyên môn, nguồn công chức xã người DTTS chưa được đào tạo lý luận chính trị ở một số địa phương rất lớn

Trong 14 xã thuộc huyện Chư Păh (Gia Lai) đến ngày 30-9-2011, số cán bộ chuyên trách người DTTS chưa qua đào tạo chuyên môn (từ sơ cấp trở lên) chiếm tỷ lệ 95,2% , trong đó các xã như Ia Khươi, Ia Phí, Ia Ly, Ia Kreng, Ia Nhin, Ia Mơ Nông, Hoà Phú, Chư Đang Gia là 100%. Số công chức người DTTS chưa qua đào tạo lý luận chính trị chiếm tỷ lệ 80%, trong đó các xã như Ia Khươi, Ia Phí, Ia Ly, Ia Mơ Nông là 100% [143]. Đây chính là hệ quả của chất lượng nguồn chưa được chuẩn hoá từ trước.

- Tình trạng “nợ chuẩn” khó “trả” của CB, CC nguồn trong quy hoạch cấp uỷ và các chức danh chủ chốt của HTCT xã khá phổ biến, kể cả nguồn quy hoạch cho nhiệm kỳ 2015-2020

Rất nhiều CB, CC người DTTS của các xã ở huyện Chư Pah nói trên đang là nguồn không chuẩn của nhiệm kỳ sau.

Ở huyện Tuy Đức (Đắk Nông), tỷ lệ nguồn cho cấp uỷ xã chưa đạt chuẩn về học vấn trung học phổ thông là 48,7%, về chuyên môn là 78,3%, về lý luận chính trị là 73%. Nguồn cho Ban Thường vụ cấp uỷ xã chưa đạt chuẩn về học vấn trung học phổ thông là 41,9%, về chuyên môn là 80,6%, về lý luận chính trị là 48,4%. Nguồn cho các chức danh chủ chốt chưa đạt chuẩn học vấn trung học phổ thông là 43,7%, về chuyên môn là 81,7%, về lý luận chính trị là 63,4% [44]. Trong số cán bộ nguồn chưa đạt chuẩn đó, một phần lớn là người DTTS. Tuy họ đang tiếp tục được đào tạo, nhưng với số lượng lớn, lại phân bổ ở tất cả các chức danh, và thời gian chuẩn bị cho nhiệm kỳ mới là không nhiều thì có thể khẳng định, đội ngũ nguồn CB, CC người DTTS ở đây không đáp ứng được yêu cầu chuẩn trình độ cho CB, CC nhiệm kỳ sau.

Tóm lại, nguồn CB, CC là người DTTS trên địa bàn các xã ở Tây Nguyên hiện là một đội ngũ khá đông đảo về số lượng, ngày càng nâng cao về trình độ các mặt, chiếm một vị trí quan trọng trong tổng thể đội ngũ CB, CC cấp xã, nhất là những vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống. Tuy nhiên vẫn còn một thực tế, không ít nguồn gần trong đội ngũ CB, CC xã người DTTS chưa đạt chuẩn. Việc quản lý, giữ nguồn và phát huy vai trò, hiệu quả lực lượng nguồn xa ở các địa phương chưa rõ nét.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ khoa học chính trị tạo nguồn cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số ở các tỉnh tây nguyên giai đoạn hiện nay (Trang 84)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(196 trang)