Củng cố, phát triển, giao trách nhiệm cụ thể cho hệ thống các trường dân tộc nội trú, các cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn Tây

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ khoa học chính trị tạo nguồn cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số ở các tỉnh tây nguyên giai đoạn hiện nay (Trang 138 - 143)

Nguyên tham gia tạo nguồn cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số

Ở Tây Nguyên, hệ thống các trường dân tộc nội trú được xem là những địa chỉ không thể thiếu trong định hướng phát triển nguồn nhân lực DTTS có chất lượng. Tuy nhiên, khi hệ thống các trường dân tộc nội trú trên địa bàn Tây Nguyên chưa đáp ứng đến 7% lượng học sinh DTTS theo học, thì các cơ sở giáo dục - đào tạo trong và ngoài công lập chính là công cụ số một mà Đảng, Nhà nước phải chú trọng xây dựng, quản lý và phát huy vai trò để giáo dục đạo đức, rèn luyện thể lực và nâng cao trình độ nguồn nhân lực xã hội.

Chất lượng các trường dân tộc nội trú, các cơ sở giáo dục - đào tạo nói chung được quy định bởi chất lượng giáo viên, đội ngũ cán bộ quản lý; chất lượng nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy; hệ thống trường lớp và các điều kiện vật chất phục vụ giảng dạy. Ngoài ra phải kể đến chất lượng đầu

vào của học sinh DTTS. Muốn đẩy mạnh tạo nguồn CB, CC người DTTS thông qua phương thức giáo dục - đào tạo, các tỉnh Tây Nguyên phải chú trọng củng cố và phát triển các trường học, nâng cao chất lượng 4 yếu tố cơ bản nói trên.

Trong những năm trước mắt, trên cơ sở Quyết định 1951/QĐ-TTg về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề của các tỉnh Tây Nguyên và các huyện miền núi của các tỉnh giáp Tây Nguyên giai đoạn 2011 - 2015; Quyết định 1640/QĐ- TTg về Đề án Củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2011 - 2015 [101] của Thủ tướng Chính phủ, Tây Nguyên cần tận dụng sự hỗ trợ của ngân sách Trung ương và các nguồn lực từ xã hội hoá để thúc đẩy hơn việc tạo nguồn CB, CC xã người DTTS.

Để tạo nguồn xa, lâu dài cho CB, CC người DTTS cần củng cố, phát triển, đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới phương thức quản lý, nội dung chương trình đào tạo cho các trường dạy con em đồng bào DTTS.

Đầu tư mở rộng, nâng cấp các trường dân tộc nội trú cấp tỉnh, tăng số lượng các trường cấp huyện, đảm bảo 100% số huyện có đông đồng bào DTTS đều có trường phổ thông dân tộc nội trú, thu hút trung bình 7% đến 9% học sinh DTTS trên địa bàn vào học. Đây chính là những cơ sở tạo nguồn nhân lực DTTS đầu tiên cho Tây Nguyên, trong đó có một phần “nguồn xa” của CB, CC cấp xã. Xây dựng bộ phận dân tộc nội trú ở các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, kể cả tiểu học để tạo điều kiện cho học sinh DTTS tập trung ăn, ở và học tại chỗ, được giao lưu, gặp gỡ, trau dồi tiếng phổ thông, góp phần hạn chế tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng.

Đầu tư cho trường Đại học Tây Nguyên và Đại học Đà Lạt phát triển theo hướng đa ngành, thường xuyên đổi mới theo nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của vùng. Đầu tư đồng bộ các yếu tố đảm bảo chất lượng dạy một số nghề ở trường Cao đẳng nghề Đà Lạt và Cao đẳng nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên đạt trình độ quốc tế; các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề còn lại được đầu tư đồng bộ từ 2 đến 5 nghề đạt chuẩn quốc gia. Tăng cường đầu tư xây dựng ký túc xá đảm bảo chỗ ở nội trú cho học sinh, sinh viên người DTTS. Nghiên cứu mô

hình hệ dự bị đại học để rút kinh nghiệm, tiến tới xây dựng trường đại học dân tộc, với tư cách là một trường chuyên biệt dành riêng cho con em các DTTS, có nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển nguồn nhân lực DTTS trên địa bàn Tây Nguyên và vùng lân cận.

Thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán quản lý và giáo viên trực tiếp đứng lớp ở các trường dân tộc nội trú, các cơ sở giáo dục - đào tạo trong và ngoài công lập, nội dung tập trung vào đổi mới công tác quản lý giáo dục, đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục học sinh DTTS. Thống nhất và chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; về tổ chức nội trú đảm bảo điều kiện ăn ở và phát triển thể chất, tinh thần cho các em; về giáo dục văn hoá dân tộc và kiến thức địa phương nhằm phát huy ý thức tộc người; về giao tiếp để mở rộng giao lưu; về công tác hướng nghiệp, tư vấn nghề và dạy nghề truyền thống sao cho thiết thực và hiệu quả. Đối tượng bồi dưỡng không chỉ là cán bộ, giáo viên người DTTS, mà là tất cả các cán bộ, giáo viên các cơ sở đào tạo trên địa bàn Tây Nguyên, trước mắt tập trung cho trường phổ thông dân tộc nội trú, các cơ sở dạy nghề và hướng nghiệp có nhiều học sinh, sinh viên người DTTS. Hình thức bồi dưỡng chủ yếu là tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ; giao lưu thực tế tại cơ sở; trao đổi kinh nghiệm qua hội nghị, toạ đàm... Thời gian nên hạn chế trong vòng một tháng, nhưng tổ chức thường xuyên vào mỗi năm và tập trung vào dịp nghỉ hè.

Đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung, chương trình giáo dục - đào tạo; tăng cường các điều kiện hỗ trợ hoạt động lên lớp và công tác quản lý của cán bộ, giáo viên. Đây là giải pháp cơ bản trong đổi mới lĩnh vực giáo dục - đào tạo đã và đang được các cấp quyết liệt thực hiện, nhưng chưa phải đã thu được nhiều thành tựu. Đối với đối tượng là học sinh DTTS, nhiều yếu tố mang tính đặc thù khá vướng mắc cần được các cấp, các ngành dưới sự tham mưu của ngành giáo dục - đào tạo quan tâm giải quyết. Đó là: vấn đề bất đồng ngôn ngữ giữa các DTTS với nhau và với ngôn ngữ phổ thông đang sử dụng trong nhà trường; Tình trạng thiếu, suy dinh dưỡng, không đủ điều kiện ăn, mặc, ở, đi lại của không ít

học sinh DTTS và áp lực nặng nề của nội dung, chương trình học thiếu tính đặc thù; Tâm lý mặc cảm, tự ty của một bộ phận học sinh DTTS nghèo, ở vùng sâu vùng xa trong quan hệ với học sinh dân tộc Kinh, học sinh vùng đô thị có điều kiện vật chất hơn; Tâm lý xem mình là diện được Nhà nước, thầy cô quan tâm, ưu đãi của học sinh DTTS với yêu cầu phải đảm bảo kỷ luật và chất lượng học tập trong nhà trường v.v.. Vì vậy, khi gắn nhiệm vụ tạo nguồn cán bộ thông qua công tác giáo dục - đào tạo trong nhà trường, cần xác định yêu cầu không chỉ cung cấp kiến thức, mà còn phải nuôi dưỡng, rèn luyện về thể lực, thay đổi về tập quán, hướng dẫn về hành vi cho học sinh, sinh viên người DTTS.

Xử lý vấn đề chất lượng đầu vào của các học sinh người DTTS trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của các cơ sở giáo dục. Về dài hạn, phải đầu tư cho hệ giáo dục mầm non, đảm bảo học sinh DTTS khi vào lớp 1 đã có thể nghe và hiểu tiếng Việt. Muốn vậy, cần tăng cường đầu tư chất lượng giáo viên mầm non, hướng vào kỹ năng sử dụng các ngôn ngữ của đồng bào DTTS và ngôn ngữ phổ thông nhuần nhuyễn. Tốt nhất là chọn giáo viên người DTTS tại chỗ đã được đào tạo chuyên ngành mầm non. Ở những nơi thiếu giáo viên thông thạo tiếng DTTS, có thể sử dụng mô hình cộng tác viên người DTTS tại chỗ bên cạnh giáo viên đứng lớp, làm người phiên dịch, làm cầu nối giữa học sinh và giáo viên. Ở các cấp học cao hơn, bộ môn Tiếng Việt vẫn cần được tiếp tục tăng cường, như tăng thời lượng thực hành tiếng Việt ở trường dân tộc nội trú; hoặc có chương trình bồi dưỡng, phụ đạo thêm tiếng Việt đối với học sinh DTTS các trường khác.

Hệ dự bị trong các trường đào tạo nghề, cao đẳng, đại học cần mở rộng quy mô và đối tượng tuyển sinh nhằm tạo thêm cơ hội cho học sinh DTTS được tiếp tục nâng cao trình độ. Tuy nhiên, có thể “mở” với “đầu vào”, nhưng chú trọng khâu quản lý nội dung, tăng cường bổ sung, chuẩn hoá kiến thức cho sinh viên DTTS, sau đó quản lý “đầu ra” chặt chẽ. Để có thể vào học chính thức chương trình cao đẳng, đại học, các học sinh DTTS phải có kiến thức ngang bằng với các đối tượng khác, có như vậy chất lượng nguồn nhân lực, nguồn CB, CC mới đạt yêu cầu.

Đổi mới nội dung đào tạo nguồn CB, CC người DTTS trong hệ thống trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện, trường chính trị cấp tỉnh, trường nghiệp vụ của các bộ, ngành.

Đổi mới nội dung đào tạo nguồn cán bộ cần chú ý những vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, đoàn thể cơ sở; phương thức lãnh đạo của Đảng và đổi mới phương thức lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng ở xã; trách nhiệm cụ thể của từng chức danh cán bộ với công tác cán bộ, đảng viên, công tác tư tưởng, quần chúng, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, công tác quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Đặc biệt, chú ý đào tạo, rèn luyện ngay trong nhà trường một số kỹ năng cơ bản về lãnh đạo, điều hành hoạt động của các tổ chức trong HTCT; kỹ năng tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân; kỹ năng xử lý tình huống chính trị, xử lý tình trạng mất đoàn kết nội bộ, xử lý mâu thuẫn, tranh chấp giữa các nhóm, các cá nhân trong cộng đồng các dân tộc...

Đầu tư nghiên cứu để thu hẹp hoặc mở rộng một số nội dung trong các chương trình đào tạo nguồn công chức xã. Một số kết quả nghiên cứu về tâm lý học lãnh đạo, quản lý trong quan hệ với chức năng, nhiệm vụ của công chức cho thấy: công chức xã phần lớn đặt mình vào vị thế xã hội thấp, quan hệ xã hội hẹp nên cho rằng không nhất thiết phải mở rộng tầm nhìn, nâng cao trình độ lắm. Tuy nhiên họ lại đối mặt với thực tế: trong khi CB, CC cấp huyện, cấp tỉnh được phân cấp, phân chia chức năng nhiệm vụ hẹp, tức là nhiều người cùng làm một việc, thì một công chức xã phải “ôm” khá nhiều việc. Ví dụ toàn bộ công tác quản lý văn hoá - xã hội ở xã chỉ do một đến hai công chức đảm nhiệm, trong khi ở huyện có hẳn một phòng chức năng. Bởi vậy, nghiên cứu để thu hẹp hoặc mở rộng một số nội dung trong các chương trình đào tạo nguồn để phù hợp với nhiệm vụ chính trị mà CB, CC xã đảm nhiệm là việc làm cần thiết, lại tránh được lãng phí thời gian, công sức của người học lẫn người dạy. Điều này đã được bàn đến ở không ít hội thảo khoa học, cần được các cấp chủ thể tạo nguồn nhân lực quan tâm, suy nghĩ nhiều hơn, nhất là các ý kiến đóng góp của các nhà giáo dục, nhà khoa học. Ví dụ: ở Tây Nguyên, các chuyên ngành kinh tế, nhất là Kinh tế

phát triển rất phù hợp cho định hướng tạo nguồn công chức xã người DTTS. Song, các cơ sở đào tạo cần mạnh dạn giảm những bộ môn khó học mà lại ít được sử dụng trong công việc của công chức xã, như: Toán cao cấp II, Phương pháp định lượng trong kinh tế, Kế hoạch hoá phát triển kinh tế xã hội, Lịch sử các học thuyết kinh tế, Kinh tế vi mô II. Đồng thời bổ sung các môn rất cần cho họ, như: Soạn thảo văn bản, Thương lượng học, Luật hành chính, Kinh tế Nông nghiệp và lâm nghiệp, Kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, Kinh tế hộ và trang trại [22].

Phát triển tốt hệ bổ túc văn hoá tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục cộng đồng để chuẩn hoá trình độ học vấn cho nguồn CB, CC xã. Trước mắt, nghiên cứu phối kết hợp chương trình chuẩn hoá trình độ học vấn với chuẩn hoá lý luận chính trị - hành chính trong cùng một thời gian đào tạo nhằm đẩy nhanh việc “trả nợ” chuẩn đối với khá đông cán bộ người DTTS hiện nay.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ khoa học chính trị tạo nguồn cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số ở các tỉnh tây nguyên giai đoạn hiện nay (Trang 138 - 143)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(196 trang)