Ở Nhật Bản, các công trình nghiên cứu của Mitokaza Aoki (sách “Nguyên tắc quản lý kiểu Nhật”, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993), Matsushita
Konouke (sách “Nhân sự - chìa khóa của thành công”, Nxb Giao thông vận tải, 1999) khẳng định vai trò của yếu tố con người, cách chọn người, sử dụng người trong công tác quản lý. Trong bài viết “Kinh nghiệm Nhật Bản về phát triển nguồn nhân lực (HRD)” (http://www.vysajp.org), Yasuhiko Inoue đưa ra quan điểm: Với các nhà lý thuyết và thực tiễn phương Tây, chất lượng nguồn nhân lực được đánh giá bởi kỹ năng công việc, vì vậy theo họ, để cải tiến chất lượng nguồn nhân lực phải cải tiến hoạt động giáo dục tại trường học, tăng cường các chương trình đào tạo kỹ năng thông qua sự hợp tác từ cả phía chính phủ và khối tư nhân. Tuy nhiên, ngoài kỹ năng, người lao động cần phải được khuyến khích làm việc, và bản thân họ phải có khả năng thích nghi với những thay đổi liên tục trong môi trường sản xuất. Kinh nghiệm của Nhật bản là để tạo ra một lực lượng lao động có hiệu quả thì hãy đối xử với mỗi cá nhân người lao động như đối xử với một con người có trí óc, chứ không phải như là một phần của máy móc, và hãy để cho người công nhân tự do trình bày những nhận định và những ý tưởng cải tiến của mình. Muốn vậy, công ty phải ủng hộ, hỗ trợ người lao động theo những cách khác nhau, mà quản lý nguồn nhân lực là cách thức chủ chốt. Bài viết gợi mở vấn đề: trong tạo nguồn cán bộ, việc quản lý nguồn cần được chú trọng. Khuyến khích, hỗ trợ để mỗi người tự do phát triển khả năng của mình sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn.