Về số lượng, cơ cấu

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ khoa học chính trị tạo nguồn cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số ở các tỉnh tây nguyên giai đoạn hiện nay (Trang 81 - 83)

Để đánh giá thực trạng nguồn CB, CC xã người DTTS ở Tây Nguyên, trên cơ sở phân loại nguồn CB, CC theo 2 nhóm nguồn gần và nguồn xa, qua nghiên cứu văn bản và khảo sát, phỏng vấn trực tiếp, cho thấy:

- Đa phần nguồn gần nằm trong đội ngũ những CB, CC xã chuyên trách và không chuyên trách đương nhiệm đang hưởng lương hoặc phụ cấp từ ngân sách Nhà nước. Họ được các cấp uỷ đưa vào danh sách quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý, các chức danh trong cấp uỷ theo nhiệm kỳ, vì vậy cơ cấu nguồn khá đồng bộ, thành phần và tỷ lệ các thành phần (chức danh, độ tuổi, giới tính, dân tộc...) cơ bản gắn với quy định của cấp trên.

Tính đến thời điểm tháng 7-2011, toàn Tây Nguyên đã quy hoạch được khoảng 11.000 cán bộ lãnh đạo, quản lý nguồn cho cơ sở, trong đó có 2.600 cán bộ nguồn người DTTS (chiếm 23,64%). Tỉnh Đắk Nông, trong số 205 nguồn cho bí thư, phó bí thư xã có 34 người DTTS (chiếm 16,59%); số nguồn cho chủ tịch HĐND, UBND có 37 người DTTS (15,81%), nguồn phó chủ tịch HĐND, UBND 42 người (11,86%). Tỉnh Kon Tum, trong 2.240 cán bộ nguồn quy hoạch cho cấp uỷ xã, phường nhiệm kỳ 2010-2015, số nguồn người DTTS quy hoạch cấp uỷ chiếm hơn 40%, quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý hơn 34%. Nhờ đảm bảo về chất lượng, nên tỷ lệ cán bộ DTTS nguồn trúng cử vào cấp uỷ xã, phường nhiệm kỳ 2010-2015 chiếm 69,78%; 54,4% chức danh chủ chốt xã, phường được bổ nhiệm là cán bộ DTTS (284/522 người).

- Một bộ phận nguồn có mặt bằng trình độ học vấn cao, phẩm chất, đạo đức tốt nằm trong đội ngũ giáo viên phổ thông người DTTS. Theo số liệu thống kê năm 2010, trong tổng số 5.468 giáo viên phổ thông là người DTTS của 5 tỉnh Tây Nguyên, số giáo viên tiểu học và trung học cơ sở chiếm trên 80%. Tuy phần lớn họ được xác định là viên chức chuyên môn ổn định của ngành giáo dục, nhưng một bộ phận trong đó, nhất là giáo viên trẻ, đảng viên và cán bộ quản lý các trường đã được cấp uỷ động viên tham gia vào đội ngũ nguồn CB, CC cơ sở, được quy hoạch vào một số chức danh chủ chốt ở các xã vùng dân tộc. Vài thập niên trước đây, khi vùng DTTS ở Tây Nguyên còn rất khó khăn về nguồn cán bộ, thì đã có nhiều giáo viên được động viên chuyển ngành, bổ sung vào lực lượng CB, CC của HTCT các cấp. Gần đây, chủ trương này vẫn tiếp tục được thực hiện. Nghị quyết 05-NQ/HU ngày 9-7-2007 của Huyện uỷ Chư Păh (Gia Lai) về công tác cán bộ và tạo nguồn cán bộ đến năm 2010, định hướng đến năm 2015 xác định: rà soát, tuyển chọn số giáo viên là người DTTS tại chỗ đang công tác tại các đơn vị trường học trong huyện để cử đi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị nhằm tạo nguồn cán bộ cho huyện và các xã [71]. Nguồn CB, CC từ ngành giáo dục, cùng với đội ngũ CB, CC cấp huyện trong quy hoạch được điều động, luân chuyển về các xã vùng DTTS là lực lượng quan trọng và góp phần quyết định chất lượng hoạt động của HTCT các xã ở Tây Nguyên.

- Đội ngũ công chức dự bị người DTTS - một nhóm nguồn khá ổn định và có chất lượng mới phát sinh gần đây, được tuyển dụng theo kế hoạch tạo nguồn CB, CC của từng địa phương cụ thể. Công chức dự bị không nằm trong biên chế CB, CC, nhưng được hưởng lương từ ngân sách địa phương theo trình độ được đào tạo. Tuỳ vào điều kiện thực tế và nhu cầu xây dựng đội ngũ CB, CC của mỗi địa phương mà chất lượng công chức dự bị có khác nhau. Họ có thể đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng hoặc trung cấp chuyên ngành phù hợp với chức danh đảm nhiệm (như trường hợp của 15 CB, CC dự bị của huyện Lâm Hà được tuyển từ chủ trương tạo nguồn của tỉnh Lâm Đồng năm 2011). Họ cũng có thể chỉ mới tốt nghiệp phổ thông trung học, hoặc có bằng trung cấp chuyên nghiệp (như đối

với công chức dự bị người DTTS ở huyện Ngọc Hồi tỉnh Kon Tum, mỗi năm được tuyển 5 người vào các cơ quan huyện để tập việc). Thậm chí với những huyện rất đông đồng bào DTTS, mới được chia tách, đội ngũ CB, CC hẫng hụt và chưa đạt chuẩn thì công chức dự bị tuyển dụng vào có thể chỉ đạt trình độ phổ thông cơ sở (như ở huyện Kon Plong tỉnh Kon Tum, một số con em đồng bào DTTS, trình độ chỉ lớp 8/12 trở lên, có khả năng phát triển được các cơ quan, đơn vị của Huyện nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng và đào tạo theo hình thức vừa học văn hoá, học lý luận chính trị vừa tập việc bằng ngân sách tiết kiệm).

Với tinh thần bám sát tiêu chuẩn CB, CC để quy hoạch tạo nguồn cho cơ sở, nên hiện nay trình độ các mặt của nhiều nguồn gần đã đạt và vượt chuẩn quy định đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn theo Quyết định 04/2004/QĐ-BNV ngày 16-01-2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

- Đa phần nguồn xa là học sinh, sinh viên, bộ đội xuất ngũ, đoàn viên, hội viên các đoàn thể chính trị - xã hội, người lao động đang sinh sống trên địa bàn Tây Nguyên. Nhìn chung, đối tượng nguồn xa khá đông đảo, từ nhiều năm nay được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ quyết liệt, nhất là học sinh, sinh viên. Hiện Tây Nguyên có khoảng 340.000 học sinh phổ thông người DTTS, gần 30.000 học sinh vừa xong phổ thông, một bộ phận tiếp tục vào các trường trung cấp, cao đẳng, đại học trở thành nguồn nhân lực DTTS chất lượng cao, số còn lại bổ sung vào lực lượng lao động xã hội.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ khoa học chính trị tạo nguồn cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số ở các tỉnh tây nguyên giai đoạn hiện nay (Trang 81 - 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(196 trang)