Nghiên cứu, khảo sát toàn diện quá trình tạo nguồn CB, CC xã người DTTS ở các tỉnh Tây Nguyên thời gian qua, bên cạnh những thuận lợi, những việc làm được, nổi nên không ít vướng mắc, mâu thuẫn mà các địa phương còn lúng túng cần được tháo gỡ:
Một là, quy định tiêu chuẩn về trình độ các mặt của CB, CC cấp xã vùng miền núi không còn phù hợp với mặt bằng dân trí và yêu cầu nhiệm vụ chính trị ở Tây Nguyên
Theo Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16-01-2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với CB, CC xã,
phường, thị trấn, tiêu chuẩn về trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị đối với CB, CC xã ở các vùng miền núi được quy định thấp hơn vùng đồng bằng một cấp. Ví dụ: tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn đối với cán bộ chủ chốt cấp xã là trung cấp, nhưng ở vùng miền núi chỉ cần tương đương sơ cấp; tiêu chuẩn trình độ học vấn của trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội là tốt nghiệp trung học cơ sở, nhưng vùng miền núi chỉ cần tốt nghiệp tiểu học; chuẩn chuyên môn của công chức là trung cấp đúng ngành, vùng miền núi chỉ cần “được tập huấn nghiệp vụ”. Chỉ những trường hợp bổ nhiệm, tuyển dụng lần đầu thì mới phải đạt trình độ trung cấp. Từ năm 2004 đến nay, các tiêu chí này vẫn không thay đổi. Vì vậy, khi xác định tiêu chuẩn nguồn CB, CC là bằng hoặc tiệm cận với tiêu chuẩn CB, CC, thì việc đào tạo nguồn, kể cả đối với người đứng đầu tổ chức đảng và chính quyền xã cũng chỉ cần đặt mục tiêu trình độ học vấn phổ thông, chuyên môn và lý luận chính trị ở bậc trung cấp là đủ theo quy định.
Quy định trên cũng xác định chức trách, nhiệm vụ của các chức danh CB, CC. Ví dụ: Chủ tịch UBND xã là người chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của UBND và hoạt động quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực KT-XH, an ninh, quốc phòng đã được phân công trên địa bàn xã. Bí thư, Phó bí thư, Thường trực đảng uỷ xã có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ, cùng tập thể đảng uỷ, chi uỷ lãnh đạo toàn diện đối với hệ thống chính trị ở cơ sở trong việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trên địa bàn xã. Nói chung, có rất nhiều nhiệm vụ mà CB, CC xã cần phải thực hiện, liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước, phát triển kinh tế, giữ gìn trật tự, an ninh, đảm bảo công tác quốc phòng của địa phương, giải quyết tranh chấp dân sự, các vấn đề về tôn giáo, tín ngưỡng, dân số… Với các xã miền núi, đất rộng người thưa, địa bàn chia cắt, thành phần dân tộc phong phú, hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng phức tạp như Tây Nguyên, thì đây thực sự là áp lực cho CB, CC. Để có thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, CB, CC xã cần phải có kiến thức trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng; có kỹ năng giao tiếp, vận động
quần chúng, giải quyết khiếu nại, tranh chấp; có khả năng thu thập, xử lý thông tin để lãnh đạo, thuyết phục nhân dân v.v.. Yêu cầu của thực tế đang mâu thuẫn với quy định về tiêu chuẩn trình độ CB, CC xã vùng miền núi hiện hành.
Mặt khác, tuy dân trí Tây Nguyên được đánh giá là có mặt bằng thấp hơn so với các vùng trong cả nước, nhưng những năm gần đây, với sự nỗ lực của các ngành, các cấp, trình độ học vấn trong cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên đã tiến bộ rất xa. Hệ thống các trường học hàng năm đào tạo ra hàng chục ngàn sinh viên, trong đó không ít người thuộc DTTS. Nếu nguồn nhân lực chất lượng cao này toả về các xã, tham gia vào đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, thì ngay trên địa bàn sẽ xuất hiện trạng thái mâu thuẫn: người có trình độ thấp hơn nhiều lại lãnh đạo, quản lý, định hướng phát triển cho người có trình độ cao.
Thực tế trên cho thấy: trình độ dân trí trên địa bàn Tây Nguyên nói riêng, cả nước nói chung đang ngày một nâng cao. Yêu cầu nhiệm vụ của CB, CC xã, nhất là vùng miền núi trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi trình độ, năng lực của mỗi người phải được nâng lên không ngừng. Quy định 04/2004 của Bộ Nội vụ xây dựng cách đây gần 10 năm, nay đã lạc hậu, thể hiện ở sự bất hợp lý giữa tiêu chuẩn CB, CC thấp - mặt bằng dân trí đang lên cao - nhiệm vụ chính trị ngày càng nặng nề, đòi hỏi cần phải có sự thay đổi, bổ sung và phát triển. Hiện đang có những bất cập, hạn chế về năng lực, trình độ trong đội ngũ CB, CC xã người DTTS ở những nơi máy móc áp dụng chuẩn CB, CC theo Quy định 04 của Bộ Nội vụ. Ngược lại, có những nơi thành công trong nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ CB, CC xã người DTTS nhờ chủ trương cụ thể hoá tiêu chuẩn CB, CC xã theo hướng nâng chuẩn đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.
Để công tác tạo nguồn CB, CC xã người DTTS đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ CB, CC cơ sở trên địa bàn Tây Nguyên, Bộ Nội vụ cần sớm sửa đổi, bổ sung yêu cầu tiêu chuẩn CB, CC cấp xã nói chung, CB, CC vùng miền núi nói riêng theo hướng nâng chuẩn trình độ một cấp so với quy định cũ. Trong khi chờ đợi sửa đổi, bổ sung quy định chung, các địa phương chủ động cụ thể hoá tiêu chuẩn CB, CC cấp xã, xây dựng tiêu chuẩn riêng cho CB, CC là người DTTS nhưng không hạ cấp yêu cầu về trình độ so với CB, CC người
Kinh. Để đảm bảo yêu cầu về trình độ cho CB, CC người DTTS, cần ưu tiên chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng đối với nguồn là người DTTS.
Hai là, chính sách ưu tiên, hỗ trợ lâu dài, dàn trải của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS đang tạo ra tâm lý trông chờ, ỷ lại trong một bộ phận người DTTS ở Tây Nguyên
Bên cạnh sự đầu tư, hỗ trợ ngân sách rất lớn của Trung ương để phát triển KT-XH vùng Tây Nguyên, qua đó nhiều nội dung tạo nguồn cũng có điều kiện triển khai mở rộng, thì các văn bản liên quan đến xây dựng đội ngũ CB, CC các cấp cũng luôn nhấn mạnh vấn đề ưu tiên cơ cấu thành phần dân tộc, nhất là DTTS tại chỗ. Nhiều cấp uỷ địa phương mặc định quan điểm: trong mỗi đơn vị bắt buộc phải có người thuộc DTTS; nếu người đứng đầu chính quyền là người Kinh thì bí thư cấp uỷ phải là người DTTS v.v..
Tuy nhiên, tính tích cực, tự giác phấn đấu vươn lên của không ít đối tượng tạo nguồn người DTTS chưa cao, còn có biểu hiện tâm lý trông chờ, ỷ lại. Tâm lý đó xuất phát từ đặc điểm thụ động, khép kín của đồng bào, nhưng hiện nay, nó có phần từ chính những chính sách ưu đãi, hỗ trợ rất lớn của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các DTTS trong nhiều năm. Không ít CB, CC người DTTS hạn chế về phẩm chất, năng lực được tạo ra và hiện đang tồn tại trong bộ máy của HTCT một cách vững vàng nhờ sự ưu đãi, hỗ trợ đó.
Từ thực tế này, các cấp, các ngành cần sớm tổng kết, đánh giá lại hiệu quả của chính sách ưu đãi đối với đồng bào DTTS trong quá trình tạo nguồn CB, CC. Rà soát, đánh giá chất lượng CB, CC xã người DTTS hàng năm, cương quyết đưa ra khỏi bộ máy những người không đủ tiêu chuẩn. Làm tốt công tác tư tưởng để nâng cao nhận thức, loại trừ tâm lý ỷ lại vào sự bao cấp, nâng đỡ của Đảng, Nhà nước trong đội ngũ CB, CC người DTTS hiện nay.
Ba là, thiếu chính sách hỗ trợ phù hợp để thay thế CB, CC xã hạn chế về năng lực, trình độ bằng đội ngũ nguồn người DTTS đã đạt chuẩn
Khi chỉ tiêu biên chế CB, CC xã là cố định thì bài toán làm thế nào để thay thế những CB, CC hạn chế về năng lực, trình độ bằng đội ngũ nguồn đã
đạt chuẩn đang thiếu lời giải thoả đáng do thiếu chính sách hỗ trợ hiệu quả. Nghị định Chính phủ cho phép mỗi xã, tuỳ theo loại 1, 2 hay 3 mà được bố trí tối đa từ 21 đến 25 CB, CC hưởng lương chuyên trách. Qua thời gian, số lượng CB, CC ở nhiều xã cơ bản đã ổn định, trong đó có cả những người không còn đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Tuy nhiên, nếu không có “sự cố” gì quá đặc biệt, công chức sẽ làm việc cho đến tuổi nghỉ hưu, còn cán bộ sẽ “giữ chân” cho hết nhiệm kỳ 5 năm. Cơ hội để có một suất định biên đối với nguồn chưa là CB, CC rất khó và khá lâu dài, hạn chế động lực giúp nguồn phấn đấu. Ở xã Đạ Đờn (Lâm Hà, Lâm Đồng), nhiều con em DTTS quan niệm: học là để làm cán bộ, không làm cán bộ thì không học. Để đạt mục tiêu chuẩn hoá đội ngũ CB, CC xã người DTTS, phải đưa được người không thể đạt chuẩn ra khỏi bộ máy để mở đường cho nguồn đạt chuẩn vào. Huyện Lâm Hà trong Đề án “Xây dựng bộ máy tổ chức và cán bộ HTCT ở cơ sở từ năm 2008 đến năm 2015” đưa ra chủ trương giải quyết chế độ thôi việc hoặc nghỉ hưu đối với những trường hợp cán bộ chưa đào tạo đạt chuẩn. Cán bộ nghỉ việc được giải quyết các chế độ theo quy định hoặc tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho đến khi đủ điều kiện nghỉ hưu. Tuyển dụng, bố trí công chức dự nguồn có chuyên ngành đào tạo phù hợp làm việc tập sự bên cạnh cán bộ chuyên trách (chưa đủ chuẩn nhưng đang đương nhiệm), khi đủ điều kiện thì thay thế. Đề án của Lâm Hà không xa lạ với mong muốn của nhiều địa phương, nhưng không phải ở đâu cũng dễ dàng giải quyết được mâu thuẫn, vướng mắc này.
Như vậy, một mặt cần có một sự thay đổi đồng bộ về chính sách của Nhà nước đủ bù đắp chi phí sinh hoạt, học tập, giải trí của CB, CC cơ sở và gia đình họ để thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc. Mặt khác, để có thể đưa CB, CC hạn chế về năng lực, trình độ ra khỏi bộ máy, tạo “chỗ trống” thu hút nguồn nhân lực có chất lượng vào, phải tiến hành đồng thời nhiều giải pháp, trong đó cần khuyến khích, bù đắp về vật chất để đảm bảo nhu cầu sống cơ bản của CB, CC khi nghỉ việc.
Bốn là, nguồn CB, CC xã người DTTS tại chỗ hạn chế về chất lượng, nguồn thu hút ngoài địa phương có chất lượng cao nhưng không yên tâm công tác lâu dài ở xã
Trong rất nhiều văn bản của các địa phương, nguồn tại chỗ luôn được ưu tiên, quan tâm. Ngay cả đối với các DTTS cùng tồn tại trên địa bàn, thì DTTS tại chỗ của Tây Nguyên cũng được ưu tiên hơn. Trước đây, nguồn để tạo nguồn CB, CC xã lấy từ thôn, buôn. Qua xây dựng phong trào quần chúng, những nhân tố tích cực là người DTTS ở các thôn, buôn được phát hiện, bồi dưỡng tạo thành nguồn CB, CC xã. Tuy phải tạo nguồn lâu dài, nhưng hiệu quả khá bền vững, những CB, CC người DTTS hiện thời đa phần được tạo ra từ nguồn này. Nhưng hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực DTTS tại chỗ của các xã có phần kém hơn (về học vấn, khả năng ứng biến, kinh nghiệm quản lý kinh tế - xã hội…) so với người Kinh, người DTTS vùng đô thị và các DTTS từ phía Bắc vào.
Như vậy, nếu ưu tiên nhân lực DTTS tại chỗ thì việc đầu tư thời gian, công sức, kinh phí cho tạo nguồn CB, CC lớn hơn nhiều so với thu hút nguồn từ bên ngoài về. Nguồn là sinh viên người DTTS tại chỗ là đối tượng ưu tiên hàng đầu, nhưng ít có. Nguồn bên ngoài thì chất lượng cao, phong phú, nhưng ngẫu nhiên, tự phát, khả năng “giữ chân” không chắc. Chọn phương án nào hiệu quả nhất là vấn đề mà cấp uỷ đảng ở các địa phương phải suy nghĩ.
Để có đủ CB, CC, nhiều địa phương ban hành chính sách ưu đãi để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, theo nhiều CB, CC đương nhiệm, số mới thu hút về ít kinh nghiệm, quá trình cống hiến chưa có, năng lực chưa bộc lộ. Cùng làm một công việc nhưng người mới thu hút về được hưởng chế độ cao hơn người tại chỗ là không hợp lý. Có nơi, khi số CB, CC mới được đưa về, số cũ ít hợp tác, bỏ mặc, đùn đẩy việc, gây xộc xệch trong bộ máy, bất bình về tư tưởng. Ngược lại, CB, CC mới thu hút về luôn mong muốn có một vị trí, một môi trường công tác và khoản thu nhập tương xứng với trình độ mà họ đã bỏ công đào tạo, nhưng thực tế ở cấp xã, các điều kiện đó đa phần không đáp ứng. Ban đầu họ hăng hái, quyết tâm làm việc để chứng tỏ mình và cũng để xứng với
những ưu đãi nhận được. Nhưng về sau, áp lực công việc, tác động của môi trường, nhu cầu muốn thay đổi v.v.. khiến không ít người phấn đấu chỉ để tìm đường đi lên (cấp trên), đi ra (khỏi xã).
Vậy, để nguồn CB, CC xã người DTTS thực sự phong phú và bền vững, bên cạnh việc ưu tiên tạo nguồn đối với người DTTS tại chỗ, cần có chính sách khuyến khích lợi ích vật chất song song với xây dựng môi trường công tác thuận lợi để thu hút và “giữ chân” người tài từ nơi khác đến.
Những mâu thuẫn, vướng mắc ở Tây Nguyên liên quan đến công tác tạo nguồn CB, CC xã người DTTS nói trên tồn tại đã nhiều năm. Nó có nguyên nhân của những tác động khách quan, nhưng trước hết vẫn là yếu tố chủ quan của cơ chế, chính sách, của những khó khăn thực tế, những giới hạn, rào cản trong nhận thức, hành động của các cấp chủ thể và đối tượng tạo nguồn. Đã có một số địa phương bước đầu tìm tòi giải quyết được vấn đề, nhưng không ít nơi lúng túng, thậm chí bỏ mặc. Học tập kinh nghiệm, sáng tạo và quyết liệt hơn trong đổi mới nội dung, cơ chế, chính sách tạo nguồn sẽ là giải pháp để tháo gỡ vướng mắc của những vấn đề đặt ra hiện nay trong công tác tạo nguồn CB, CC xã người DTTS ở Tây Nguyên.
Tiểu kết chương 2
Tạo nguồn CB, CC xã người DTTS ở Tây Nguyên trong thời gian qua đã có nhiều tiến bộ, ưu điểm: Việc cụ thể hoá tiêu chuẩn, cơ cấu nguồn CB, CC xã người DTTS đang từng bước được triển khai, xuất phát từ quy định về tiêu chuẩn CB, CC cấp xã của Đảng và Nhà nước và điều kiện thực tế ở địa phương; việc xây dựng các phong trào quần chúng ở cơ sở để rèn luyện, phát hiện nguồn, kết nạp đảng viên mới nhằm tạo nguồn CB, CC xã người DTTS, nhất là vùng có đông đồng bào DTTS diễn ra thường xuyên; sự nghiệp giáo dục - đào tạo, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài vùng DTTS được đầu tư, duy trì và phát triển; việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ các mặt cho nguồn CB, CC được triển khai quyết liệt, góp phần quan trọng trong chuẩn hoá nguồn gần, tạo cơ sở chuẩn
hoá nguồn xa; việc thu hút, tuyển chọn, tiếp nhận nguồn người DTTS vào tổ chức, điều động, luân chuyển, bố trí vào các chức danh CB, CC, cán bộ không chuyên trách, cán bộ dự bị được thực hiện thường xuyên, đi dần vào nề nếp; việc quy hoạch nguồn cán bộ xã người DTTS theo từng chức danh được triển khai hàng năm; một số chính sách hỗ trợ tạo nguồn CB, CC xã người DTTS được các cấp, các ngành quan tâm, mang lại hiệu quả tạo nguồn rõ rệt.
Tuy nhiên, tạo nguồn CB, CC xã người DTTS ở Tây Nguyên cũng còn không ít hạn chế, vướng mắc. Việc cụ thể hoá tiêu chuẩn, cơ cấu nguồn CB, CC xã người DTTS để định hướng cho tạo nguồn đang được triển khai, nhưng chưa phổ biến ở nhiều địa phương. Các phong trào quần chúng còn hạn chế về số lượng và chất lượng. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo, nâng cao dân trí, bồi dưỡng