Chủ động quy hoạch nguồn xa, quy hoạch công chức xã người dân tộc thiểu số theo từng chức danh

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ khoa học chính trị tạo nguồn cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số ở các tỉnh tây nguyên giai đoạn hiện nay (Trang 132 - 134)

dân tc thiu s theo tng chc danh

Quy hoạch là khâu bắt buộc trong tạo nguồn CB, CC xã người DTTS, bởi nó giúp cấp uỷ chủ động trong đào tạo và bố trí nguồn, bản thân nguồn cũng chủ động phấn đấu theo chức danh mà mình đã quy hoạch. Tuy nhiên thời gian qua, quy hoạch nguồn CB, CC xã người DTTTS ở Tây Nguyên còn không ít bất cập, hạn chế, trong đó nổi lên tình trạng chỉ quy hoạch nguồn cán bộ và cấp uỷ viên, thiếu quy hoạch nguồn xa nói chung và nguồn gần cho công chức. Nguyên nhân chính là do nhận thức về vấn đề quy hoạch nguồn chưa thống nhất, dẫn đến thiếu sự chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của cấp trên và sự thiếu linh hoạt, chủ động của cấp quản lý CB, CC xã.

Để đổi mới quy hoạch nguồn, cần đổi mới nhận thức về vấn đề quy hoạch cán bộ. Nó không chỉ hướng đến mục tiêu tạo ra cán bộ lãnh đạo, quản lý, mà còn phải tạo ra đội ngũ cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ; không chỉ hướng đến đảm bảo nhân sự cho một vài nhiệm kỳ trước mắt, mà phải lâu dài hơn. Việc quy hoạch nguồn không chỉ là nhiệm vụ của một đơn vị cụ thể, ở tầm vi mô trong việc đánh giá nguồn rồi lựa chọn, đưa vào danh sách quy hoạch, mà phải bắt đầu từ các cấp chủ thể tầm vĩ mô (Trung ương và tỉnh) trong việc xây dựng kế hoạch nguồn nhân lực nói chung, với cơ cấu ngành, lĩnh vực đồng bộ, gắn với xu hướng phát triển của xã hội, rồi phân bổ kế hoạch về cho các cấp uỷ huyện, cơ sở, các lực lượng tham gia tạo nguồn. Trên cơ sở kế hoạch đó, cấp uỷ địa phương khảo sát nhu cầu, tình hình thực tế nguồn để xây dựng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể, giúp cơ sở có công cụ pháp lý để thực hiện việc xây dựng kế hoạch quy hoạch, xây dựng tiêu chuẩn, cơ cấu nguồn làm căn cứ cho quy hoạch.

Để quy hoạch nguồn xa cho cả cán bộ và công chức, các cấp uỷ huyện và xã chỉ đạo chính quyền, các ban ngành, đoàn thể rà soát, phân loại, nắm chắc tình hình nhân thân các đối tượng người DTTS trong độ tuổi học sinh, sinh viên, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ, lao động trẻ đang cư trú trên địa bàn. Trên cơ sở điều kiện và nhu cầu quy hoạch nguồn CB, CC xã người DTTS của địa phương, nhu cầu cá nhân đối tượng, năng lực tạo nguồn của HTCT và các lực lượng xã hội mà xây dựng kế hoạch, xác định mục tiêu, sắp xếp lộ trình cho các đối tượng tham gia vào quy trình tạo nguồn.

Để quy hoạch nguồn gần cho công chức, cần có chủ trương, hướng dẫn cụ thể của cấp trên, chứ không thể chỉ căn cứ vào quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý như hiện nay. Cơ cấu chuyên môn của công chức xã đa dạng, yêu cầu nghiệp vụ của mỗi chức danh rất chuyên sâu, nên để chủ động trong xây dựng bộ máy công chức xã, phải xác định nhu cầu nhân lực từ xa để định hướng đào tạo ngành nghề chuyên môn cân đối, phù hợp với nhu cầu các xã. Trên cơ sở các chức danh công chức, chất lượng công chức xã hiện tại và nhu cầu sắp tới, UBND xã chủ động phát hiện và đề xuất đối tượng quy hoạch nguồn công chức. Nguồn đưa vào quy hoạch

chủ yếu là công chức bán chuyên trách, công chức dự bị, những sinh viên là con em địa phương đã hoặc sắp tốt nghiệp các trường trung cấp nghề, cao đẳng, đại học.

Chất lượng quy hoạch nguồn xa, nguồn công chức người DTTS sẽ ngày càng tốt hơn khi các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể và cơ quan, đơn vị có chức năng tạo nguồn đẩy mạnh nghiên cứu, làm rõ những yếu tố khách quan và chủ quan tác động đến chất lượng quy hoạch tạo nguồn CB, CC xã người DTTS. Xây dựng kế hoạch quy hoạch nguồn chặt chẽ, xác định đối tượng, phạm vi quy hoạch cụ thể, công khai rõ ràng. Quán triệt tinh thần quy hoạch động và mở nhưng phải tinh, xác lập cơ chế không bỏ sót người có hướng phát triển tốt, đồng thời ngăn chặn hiện tượng “chạy chỗ” quy hoạch. Dự kiến, định hướng quy hoạch nguồn xa, nguồn công chức là người DTTS một cách rộng rãi, số lượng nhiều, cơ cấu tương ứng với tỷ lệ dân số và thành phần dân tộc, gắn với yêu cầu của từng giai đoạn nhất định. Thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh sách quy hoạch nguồn để nâng cao chất lượng. Bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tham mưu cho cấp uỷ về công tác quy hoạch nguồn; tăng cường kiểm tra, giám sát, chỉ đạo kịp thời của cấp uỷ các cấp trong quá trình tiến hành quy hoạch nguồn. Sau khi nguồn được quy hoạch, việc quản lý, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện nguồn quy hoạch cần thực hiện nghiêm túc. Tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quy hoạch nguồn CB, CC người DTTS ở các tỉnh có đông đồng bào DTTS để kế thừa, tiếp thu, nâng cao chất lượng công tác này ở các tỉnh Tây Nguyên trong thời gian tới.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ khoa học chính trị tạo nguồn cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số ở các tỉnh tây nguyên giai đoạn hiện nay (Trang 132 - 134)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(196 trang)