Đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, xoá đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng dân số, giữ vững ổn định chính trị vùng có đông đồng bào dân

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ khoa học chính trị tạo nguồn cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số ở các tỉnh tây nguyên giai đoạn hiện nay (Trang 151 - 154)

chất lượng dân số, giữ vững ổn định chính trị vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, tạo môi trường xã hội tích cực cho tạo nguồn cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số

Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói, giảm nghèo bền vững là giải pháp tác động tích cực cho tạo nguồn CB, CC hiệu quả dài lâu. Ở những vùng kinh tế - xã hội ổn định và phát triển, Nhà nước, các lực lượng xã hội và từng gia đình có điều kiện đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao, nên các cấp uỷ đảng rất thuận lợi trong việc thu hút nguồn vào tổ chức. Khi triển khai Đề án tạo nguồn bí thư, chủ tịch xã, phường, Thành uỷ Đà Nẵng chỉ cần ra thông báo thì lập tức hàng ngàn hồ sơ sinh viên tốt nghiệp khá và giỏi được gửi đến cho Ban Tổ chức, đó là vì Đà Nẵng đang trên đà phát triển để là “Thành phố đáng sống”, có sức hấp dẫn đối với nguồn nhân lực trẻ. Dù rất nhiều năm, các cấp, các ngành ở Tây Nguyên quyết liệt trong công tác tạo nguồn, nhưng kết quả cuối cùng chỉ ở mức độ nhất định, có nguyên nhân khách quan từ vấn đề kinh tế - xã hội. Đồng bào DTTS Tây Nguyên còn nghèo, giao lưu vùng nông thôn cách trở, nên việc tham gia vào đời sống chính trị, việc các gia đình đầu tư cho giáo dục đào tạo có phần như là “xa xỉ”.

Tháng 7-2012, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên đến năm 2020 với mục tiêu từng bước đưa Tây Nguyên trở thành vùng động lực phát triển của cả nước. Đây là cơ hội để các tỉnh Tây Nguyên huy động nguồn lực ở tất cả các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở cho vệc phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, nâng cao mặt bằng dân trí, chất lượng dân số, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc, mở rộng giao lưu và hội nhập trong nước và quốc tế.

Để tận dụng cơ hội, các cấp, các ngành ở Tây Nguyên phải thể hiện tính tích cực, năng động, sáng tạo của mình. Các ngành kinh tế tích cực chuyển đổi toàn diện cơ cấu nông nghiệp theo hướng hàng hoá, quy mô lớn và tập trung, sức cạnh tranh cao, hiệu quả và bền vững gắn với công nghiệp chế biến; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Xây dựng thương hiệu một số sản phẩm có lợi thế so sánh như cà phê, cao su, ca cao, tiêu. Tập trung chăn nuôi đại gia súc như bò thịt, bò sữa, trâu, dê... Phát huy có hiệu quả tiềm năng mặt nước để phát triển thuỷ sản. Phát triển công nghiệp khai thác bô xít và chế biến alumin thành ngành công nghiệp lớn của cả nước. Đẩy nhanh phát triển các ngành thương mại dịch vụ, từng bước hiện đại hoá kết cấu hạ tầng đảm bảo hàng hoá lưu thông thuận lợi. Đa dạng hoá các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác tiềm năng và thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, lịch sử, văn hoá truyền thống các DTTS. Đẩy mạnh phát triển kinh tế cửa khẩu, các dịch vụ vận tải, viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chuyển giao công nghệ, các dịch vụ khác phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Phát triển kết cấu hạ tầng làm động lực phát triển kinh tế - xã hội. Bố trí lại dân cư theo quy hoạch sản xuất và mục tiêu quốc phòng an ninh, khôi phục và thành lập các buôn làng mới theo quy hoạch nông thôn mới. Xây dựng thế trận an ninh vững chắc từ cơ sở, ngăn chặn di cư trái phép, đẩy lùi tệ nạn xã hội. Phát hiện và đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động xâm nhập trái phép, lôi kéo phá hoại, tổ chức bạo loạn gây mất ổn định chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội vùng Tây Nguyên.

Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm; dân số và kế hoạch hoá gia đình; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở... nhằm giải quyết trước mắt khó khăn của một bộ phận đồng bào trong diện đói nghèo, đồng thời góp phần hỗ trợ xoá nghèo bền vững.

Phát triển giáo dục - đào tạo, y tế, văn hoá - xã hội góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, ổn định chất lượng dân số, phát huy truyền thống văn hoá các dân tộc là con đường nhanh và bền vững nhất để thúc đẩy tạo nguồn cán bộ cho Đảng ở vùng DTTS.

Các địa phương cần tận dụng nguồn ngân sách Trung ương đầu tư để phát triển giáo dục - đào tạo, cải thiện cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các trường học. Nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, chú trọng ngay từ ngành học mầm non. Mở rộng quy mô đào tạo đại học, cao đẳng, dạy nghề đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực. Đẩy mạnh đào tạo nghề tại khu vực nông thôn, vùng DTTS nhằm chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng nâng cao tỷ lệ lao động có tay nghề, ổn định việc làm, tận dụng sức lao động dồi dào tại chỗ.

Ngành y tế hoàn chỉnh hệ thống các cơ sở y tế, nhất là tuyến huyện và cơ sở để tăng cường khả năng tiếp cận của người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS đối với các dịch vụ y tế cơ bản có chất lượng. Phát triển mạng lưới y tế dự phòng nhằm kiểm soát dịch bệnh. Tuyên truyền kế hoạch hoá gia đình, nâng cao chất lượng sức khoẻ sinh sản, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dân số. Có chính sách ưu đãi để thu hút bác sĩ trẻ về cơ sở.

Ngành văn hoá xây dựng đồng bộ các thiết chế văn hoá; bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hoá tiêu biểu của người DTTS gắn với phát triển du lịch, vừa phát huy được các giá trị văn hoá truyền thống, vừa mở rộng giao lưu, hoà nhập, vừa phát triển dịch vụ nhằm nâng cao mức sống của đồng bào DTTS. Phát huy vai trò của các lực lượng chức năng, cùng với các hội đoàn thể ở thôn, buôn, tổ dân phố nhằm xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, vùng có đông đồng

bào DTTS, góp phần xoá bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng lối sống mới văn minh, gắn truyền thống với hiện đại.

Giữ vững trật tự an toàn xã hội, an ninh chính trị vùng biên, vùng có đông đồng bào DTTS, vùng có đạo là giải pháp song song với phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nhằm giữ cho Tây Nguyên ổn định bền vững. Tuyên truyền giáo dục đồng bào không nghe theo kẻ xấu kích động, xúi giục. Khẩn trương có giải pháp phù hợp cho việc giải quyết vấn đề đất đai và vấn đề tôn giáo đang tiềm ẩn nhiều điểm nóng trên địa bàn Tây Nguyên. Tích cực hợp tác an ninh biên giới với các nước bạn có chung đường biên với ta nhằm quản lý tình trạng đồng bào DTTS vượt biên trái phép và bọn phản động xâm nhập nội địa. Xây dựng đội ngũ cốt cán, người có uy tín trong cộng đồng DTTS, cộng đồng các tôn giáo trên địa bàn. Qua lực lượng này để nắm bắt thông tin về tình hình an ninh, trật tự trong vùng, đồng thời sử dụng họ làm cầu nối cho công tác vận động quần chúng quá khích, lầm lạc.

Để có thể làm tốt những nhiệm vụ nói trên, cấp uỷ, chính quyền các cấp ở Tây Nguyên phải tích cực xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển đồng bộ, đẩy mạnh cải cách hành chính để thu hút đầu tư, hợp tác liên kết phát triển nội vùng, trong nước và quốc tế. Tập trung thực hiện các đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lưu ý đến bộ phận đồng bào DTTS. Từ nguồn nhân lực này, việc thu hút tạo nguồn CB, CC sẽ rất thuận lợi và có chất lượng.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ khoa học chính trị tạo nguồn cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số ở các tỉnh tây nguyên giai đoạn hiện nay (Trang 151 - 154)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(196 trang)